Chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản tại Đại học Quốc gia Singapore, Giáo sư Chris McMorran dành phần lớn thời gian giảng dạy về những vấn đề xã hội sâu sắc như lao động, giới tính và cộng đồng thiểu số. Thế nhưng, mỗi lần đưa sinh viên sang Nhật thực địa, ông lại thường xuyên nhận được câu hỏi: “Tại sao ở Nhật Bản lại hiếm thấy thùng rác nơi công cộng?”
Thắc mắc này không chỉ đến từ sinh viên mà còn là mối quan tâm chung của nhiều du khách, đặc biệt là người phương Tây – những người ngày càng đổ xô đến xứ sở hoa anh đào.

Nhật Bản được biết đến là một trong những quốc gia sạch sẽ nhất thế giới.
Trong mắt họ, Nhật Bản là một trong những quốc gia sạch sẽ và ngăn nắp nhất thế giới, nhưng lại gần như không có hệ thống thùng rác công cộng hiện diện. Điều đó khiến không ít người tò mò: Người Nhật xử lý rác thải thế nào để giữ gìn trật tự và vệ sinh đô thị đáng kinh ngạc như vậy?
Theo khảo sát của Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) vào đầu năm 2025, có đến 22% du khách nước ngoài cho rằng việc thiếu thùng rác là bất tiện lớn nhất khi du lịch Nhật, nhiều hơn rào cản ngôn ngữ hay tình trạng quá tải tại điểm tham quan.
Rubin Verebes, du khách Hong Kong (Trung Quốc), lần đầu đến Nhật vào tháng 4/2024 chia sẻ trải nghiệm phiền toái khi không thể tìm được thùng rác công cộng, ngay cả vào cửa hàng tiện lợi cũng không có. ”Tôi phải giữ rác suốt cả ngày đến khi về khách sạn”, anh nói.
Việc không dễ dàng tìm thấy thùng rác nơi công cộng tại Nhật Bản có thể khiến nhiều du khách bối rối, đặc biệt là những người trẻ với ngân sách hạn hẹp. Họ thường chọn những bữa ăn nhanh như cơm nắm onigiri từ cửa hàng tiện lợi hoặc món ngọt từ quầy hàng rong để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, sau khi ăn xong, việc tìm nơi vứt rác trở thành thách thức không nhỏ.
Giáo sư Chris McMorran, chuyên nghiên cứu về Nhật Bản tại Đại học Quốc gia Singapore cho rằng điều này phần nào phản ánh nhịp điệu riêng của đời sống và nghi thức xã giao Nhật Bản. Dù người Nhật cũng hay mua đồ ăn, thức uống từ máy bán hàng tự động hoặc cửa hàng tiện lợi, nhưng họ lại không có thói quen tiêu thụ chúng ngay trên đường phố.
Trên thực tế, việc ăn uống khi đang đi bộ được xem là hành vi thiếu lịch sự tại nhiều khu vực ở Nhật Bản. Một số thành phố thậm chí còn ban hành quy định cấm hành vi này. Thay vì ăn ngay tại chỗ, người dân thường mang đồ ăn về nhà hoặc nơi làm việc rồi mới dùng. Trong trường hợp phải ăn bên ngoài, người Nhật mang theo túi nhỏ đựng rác và mang về nhà.
Đồng thời, người dân Nhật Bản xem việc giữ gìn vệ sinh công cộng là ”trách nhiệm cá nhân”, không phải của thành phố hay chính quyền. Điều này có thể khó hiểu và bất tiện cho du khách nước ngoài, nhất là những người chọn ăn nhanh tại cửa hàng tiện lợi hay quầy rong.
Giám đốc điều hành công ty du lịch Walk Japan, ông Paul Christie cho biết thêm khi du khách thắc mắc về việc khó tìm thùng rác trên đường phố, ông thường nhấn mạnh vào những giá trị cốt lõi của xã hội Nhật Bản như tinh thần cộng đồng và ý thức tôn trọng lẫn nhau.
Chia sẻ với CNN, ông lý giải: “ Người Nhật rất coi trọng sự sạch sẽ và nỗ lực cùng nhau duy trì điều này. Kết quả là Nhật Bản được đánh giá cao về sự gọn gàng và ngăn nắp”.

Thùng rác năng lượng mặt trời tại Nhật Bản.
Vì vậy, hệ thống thùng rác công cộng không phải là vấn đề chính quyền địa phương ưu tiên. Nhật Bản cũng xem hoạt động du lịch đang gây ra vấn đề về rác thải công cộng. Tại thành phố du lịch Nara, nơi nổi tiếng với đàn hươu hoang dã, rác thải từng gây hậu quả nghiêm trọng.
Vào năm 2019, có đến 9 con hươu chết vì ăn phải túi nhựa du khách bỏ lại. Thành phố này phải bỏ nhiều thùng rác trong công viên từ năm 1985, tránh việc hươu bới rác tìm thức ăn.
Nhiều biển cảnh báo cũng xuất hiện khắp nơi với nội dung kêu gọi người dân và du khách không vứt rác bừa bãi, nhấn mạnh rằng việc hươu ăn phải thức ăn ngoài chế độ tự nhiên có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe của chúng.
Tuy nhiên, cùng với làn sóng du lịch bùng nổ, những khuyến cáo này dường như chưa đủ sức răn đe. Nhiều du khách không tuân thủ thói quen “mang rác về nhà”. Trước thực tế đó, chính quyền địa phương đã điều chỉnh chính sách, cho lắp đặt thêm thùng rác tại điểm tham quan đông người, trong đó có những thùng rác chạy bằng năng lượng mặt trời được in dòng chữ bằng tiếng Anh: “Save the Deer” (Cứu hươu).
Tình trạng quá tải du lịch và rác thải cũng đang là bài toán nan giải tại khu phố Shibuya – một trong những khu vực sôi động bậc nhất Tokyo. Nhằm giảm thiểu tiếng ồn và rác thải, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp mạnh, gồm hạn chế các lễ hội Halloween thường gây náo loạn và cấm tiêu thụ đồ uống có cồn trên đường phố.
Trên nhiều nền tảng mạng xã hội, nhiều video đăng tải chia sẻ kinh nghiệm “săn thùng rác” tại Nhật, trong đó gợi ý nhiều máy bán hàng tự động có gắn thùng rác nhỏ bên cạnh. Lý do an ninh cũng khiến Nhật Bản hạn chế việc đặt thùng rác nơi công cộng. Năm 1995, vụ tấn công bằng khí độc sarin tại tàu điện ngầm Tokyo khiến 14 người thiệt mạng.
Kể từ đó, nhiều thùng rác tại các nhà ga tàu bị tháo dỡ nhằm tăng cường an ninh. Những thùng còn giữ lại đều chuyển sang sử dụng túi nhựa trong suốt thay cho thùng kim loại kín, giúp lực lượng chức năng dễ dàng kiểm tra. Đến năm 2004, sau loạt vụ đánh bom kinh hoàng nhằm vào hệ thống tàu điện ở Madrid, một số tuyến đường sắt quyết định loại bỏ hoàn toàn thùng rác để phòng ngừa nguy cơ khủng bố.