spot_img
22 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhNước ASEAN chính thức gia nhập BRICS, nhận tư cách thành viên...

Nước ASEAN chính thức gia nhập BRICS, nhận tư cách thành viên đầy đủ như Nga, Trung Quốc

Brazil – thành viên sáng lập và là nước giữ chức chủ tịch BRICS vào năm 2025 – cho biết các quốc gia thành viên đã chấp thuận việc Indonesia gia nhập BRICS.

Tờ Jakarta Post (Indonesia) đưa tin, chính phủ Brazil ngày 6/1/2025 ra thông cáo xác nhận rằng Indonesia đã chính thức gia nhập BRICS với tư cách là thành viên chính thức, mở rộng hơn nữa nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn đã bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Chính phủ Brazil cho biết họ “hoan nghênh việc Indonesia gia nhập BRICS”.

“Với dân số và nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia cùng với các thành viên khác cam kết cải cách các thể chế quản trị toàn cầu và đóng góp tích cực vào việc tăng cường hợp tác ở Nam Bán cầu,” thông cáo của Brazil cho hay.

Nước ASEAN chính thức gia nhập BRICS, nhận tư cách thành viên đầy đủ như Nga, Trung Quốc- Ảnh 1.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (trái) và Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto (phải) tạo dáng chụp ảnh trước lễ ra mắt Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và phiên họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro, Brazil, vào ngày 18/11/2024. Ảnh: AFP

Trước đây, Indonesia từng bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS nhằm tăng cường sức mạnh của các quốc gia mới nổi và thúc đẩy lợi ích của Nam Bán cầu, theo Jakarta Post.

Brazil – thành viên sáng lập và là nước giữ chức chủ tịch luân phiên của BRICS năm 2025 – cho biết các quốc gia thành viên đã chấp thuận việc Indonesia gia nhập khối như một phần của nỗ lực mở rộng ban đầu được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh năm 2023 tại Johannesburg, Nam Phi.

Chính phủ Brazil cũng lưu ý rằng nỗ lực của Indonesia đã được các thành viên BRICS “bật đèn xanh” vào năm 2023 nhưng quốc gia Đông Nam Á này đã đề nghị gia nhập nhóm sau cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào năm ngoái. Tổng thống Prabowo Subianto nhậm chức vào tháng 10/2024.

Jakarta Post đưa tin, trong thời gian giữ chức chủ tịch BRICS, Brazil đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thuộc Nam Bán cầu và cải cách các thể chế đa phương.

Theo chính phủ của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, một trong những mục tiêu là “phát triển những phương tiện thanh toán” để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa các thành viên BRICS.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS gần đây nhất diễn ra tại thành phố Kazan, Nga, vào tháng 10/2024 và do Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì. Tại đây, các thành viên đã thảo luận về việc tăng cường sử dụng tiền tệ địa phương và thúc đẩy các giao dịch không phụ thuộc đồng USD.

Động thái trên đã vấp phải sự chỉ trích của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ông cảnh báo các nước BRICS sẽ phải chịu “thuế quan 100%” nếu làm suy yếu đồng USD.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS tiếp theo sẽ diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil vào tháng 7/2025.

Nhóm BRICS là gì?

BRICS được đặt tên theo các thành viên sáng lập đầu tiên vào năm 2009: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, cùng với Nam Phi – quốc gia gia nhập một năm sau đó.

Vào năm 2024, nhóm này đã kết nạp thêm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

BRICS được hình thành như một đối trọng với Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản.

Trước khi Indonesia gia nhập, BRICS chiếm 46% dân số thế giới và 35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Saudi Arabia đã được mời vào nhóm nhưng vẫn chưa chính thức nhận lời. Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Malaysia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật