Thời báo Trung Á (TCA) thông tin đầu tháng 4/2025, Kazakhstan có tiềm năng trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về nguyên liệu thô chiến lược sau khi phát hiện ra một mỏ kim loại đất hiếm khổng lồ ở Vùng Karaganda, miền Trung nước này.
Các nhà địa chất từ Tsentrgeolsyomka LLC gần đây đã xác định được một mỏ đáng kể ở khu vực Kuirektykol, nằm trong Vùng Karaganda. Theo Bộ Công thương nước này, Kuirektykol có thể chứa khoảng 20 triệu tấn nguyên tố đất hiếm, phân bố ở độ sâu 300 mét. Nồng độ trung bình của các nguyên tố đất hiếm trong quặng là khoảng 700 gram mỗi tấn, đủ cao để hỗ trợ phát triển công nghiệp trong tương lai.
Nếu được xác nhận, phát hiện này sẽ đưa Kazakhstan trở thành một trong ba quốc gia sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn nhất toàn cầu.
Yerlan Galiyev, Chủ tịch Cơ quan Địa chất Quốc gia nước này cho biết, Kazakhstan có ít nhất 15 mỏ đất hiếm đã được biết. Tờ Orda nước này ước tính giá trị các mỏ tài nguyên dưới lòng đất này lên tới 46.000 tỷ USD.
Kazakhstan tích cực khai phá “kho báu lòng đất” 46.000 tỷ USD
Hoạt động thăm dò mỏ Kuirektykol bắt đầu vào năm 2022. Đến tháng 11/2024, các nhà khảo sát đã phát hiện ra nồng độ các nguyên tố đất hiếm có giá trị thương mại, bao gồm xerium và lanthanide, trên bốn vùng triển vọng (với trữ lượng có thể đạt 935.400 tấn) của Kuirektykol.
Hai vùng có triển vọng cao thuộc mỏ này, được đặt tên là Irgiz và Dos 2, đã được phát hiện trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2024. Một số khu vực cho thấy nồng độ lên tới 0,25%, được coi là khá cao trong lĩnh vực đất hiếm. Riêng vùng Irgiz, ước tính có tới 800.000 tấn kim loại đất hiếm.

Đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong công nghệ xanh và điện tử hiện đại. Ảnh: Getty
Bộ Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan đã thông báo về phát hiện này, tuyên bố rằng đây được coi là bước tiến lớn cho ngành khai khoáng của quốc gia Trung Á này.
“Các mỏ đất hiếm đã xác định và các khu vực đầy hứa hẹn, nếu được xác nhận thêm, có thể đưa Kazakhstan trở thành quốc gia hàng đầu toàn cầu về trữ lượng nguyên tố đất hiếm và cho phép đất nước phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp kim loại đất hiếm công nghệ cao” – Bộ Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan cho tờ Orda.kz biết.
Thời báo Trung Á (TCA) cho biết, Công ty khai thác mỏ quốc gia Tau-Ken Samruk (Kazakhstan) đang chuẩn bị phát triển mỏ Kuirektykol, một động thái được kỳ vọng sẽ thu hút đáng kể đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.
Gói đầu tư 13,2 tỷ USD từ EU
Bộ Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan tuyên bố rằng địa điểm Kuirektykol có chứa những kim loại đất hiếm rất quan trọng để sản xuất các mặt hàng điện tử cao cấp, xe điện, tua-bin gió và thậm chí cả hệ thống phòng thủ.
Những kim loại này có nhu cầu cao trên toàn cầu vì chúng đóng vai trò quan trọng trong công nghệ xanh và điện tử hiện đại.
Tại Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Á [hội nghị thượng đỉnh của EU với 5 quốc gia Trung Á giàu tài nguyên (Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Tajikistan, Kyrgyzstan) ở Samarkand, Uzbekistan] Liên minh Châu Âu (EU) đã công bố gói đầu tư 12 tỷ EUR (13,2 tỷ USD) cho khu vực theo chương trình Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Trung Á sở hữu trữ lượng khoáng sản lớn, và EU đề xuất hợp tác công bằng, xây dựng chuỗi giá trị địa phương để tạo việc làm và giữ giá trị tại khu vực, thay vì chỉ khai thác nguyên liệu thô để xuất khẩu”.
Chuyên gia Marcin Popławski từ Viện Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan nhận định, Trung Á đang trở nên quan trọng hơn với EU về năng lượng và giao thông. Khu vực này giàu tài nguyên khoáng sản nói chung như silicon (cho pin mặt trời), vonfram (cho quốc phòng), và lithium (cho pin).
Trong số 5 quốc gia này, Kazakhstan là quốc gia có tiềm năng khoáng sản và đất hiếm lớn nhất. Một ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Á ngày 27/3/2025, Kazakhstan đã có thông báo quan trọng liên quan đến phát hiện mỏ đất hiểm khổng lồ này.
Hiện tại, Kazakhstan đang cung cấp 19/34 loại nguyên liệu thô thiết yếu cho kinh tế EU, bao gồm các kim loại quan trọng như uranium, titan, đồng, lithium và vonfram.
Tuy nhiên, vấn đề là Kazakhstan thiếu công nghệ chế biến sâu kim loại đất hiếm, khiến nước này phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Như các quan chức chính phủ đã tuyên bố trước đây, quốc gia này đang tìm cách hợp tác với các nhà đầu tư từ Mỹ, EU, Hàn Quốc và Canada.
Kazakhstan không chỉ cần đầu tư mà còn cần những cải cách lớn về sử dụng đất, tiếp cận công nghệ tiên tiến và phát triển cơ sở hạ tầng xử lý riêng nhằm đạt được những mục đích lớn liên quan đến ngành công nghiệp chế biến kim loại đất hiếm.
Đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong công nghệ xanh nhờ các đặc tính vật lý và hóa học độc đáo. Cụ thể:
1. Pin và lưu trữ năng lượng: Đất hiếm như lanthanum, cerium được dùng trong pin niken-metal hydride (NiMH) và pin lithium-ion, giúp tăng hiệu suất và dung lượng cho xe điện, hệ thống lưu trữ năng lượng tái tạo.
2. Nam châm hiệu suất cao: Neodymium, dysprosium, và praseodymium là thành phần chính trong nam châm vĩnh cửu, được sử dụng trong động cơ xe điện và tua-bin gió, cải thiện hiệu quả và giảm kích thước thiết bị.
3. Năng lượng tái tạo: Yttrium và europium dùng trong đèn LED tiết kiệm năng lượng và màn hình. Chúng cũng xuất hiện trong lớp phủ của tua-bin gió, tăng độ bền và hiệu suất.
4. Xúc tác môi trường: Cerium và lanthanum được dùng trong bộ lọc khí thải ô tô, giảm ô nhiễm bằng cách chuyển đổi khí độc hại thành dạng ít hại hơn.
5. Công nghệ quang điện: Đất hiếm như gallium và indium được dùng trong tế bào quang điện (pin mặt trời), nâng cao hiệu suất chuyển đổi năng lượng.
Nguồn: Orda, TimesCA, India