spot_img
19 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhÔng Trump ra đòn thuế đầu tiên: 2 lý do cho "ngoại...

Ông Trump ra đòn thuế đầu tiên: 2 lý do cho "ngoại lệ" Trung Quốc, nguy hiểm và khó lường hơn Trump 1.0

Chuyên gia cảnh báo rằng các đối tác thương mại cần chuẩn bị tinh thần cho mức độ khó lường cao dưới thời chính quyền Trump 2.0, thậm chí còn lớn hơn nhiệm kỳ trước của ông Trump.

Hai lý do cho sự “ngoại lệ” của Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có động thái trừng phạt thuế quan đầu tiên không lâu sau ngày nhậm chức. Ba nước đầu tiên bị đưa vào tầm ngắm là Mexico, Canada và Trung Quốc. Sau đó, lời đe dọa áp đặt thuế quan cũng được gửi tới Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, nếu như các khoản thuế áp đặt lên hai nước láng giềng là Mexico và Canada đã được tuyên bố trì hoãn trong vòng 30 ngày, chỉ vài giờ trước khi hiệu lực hôm 4/2, thì khoản thuế áp đặt lên Trung Quốc vẫn giữ nguyên.

Nhận định về các động thái này, ông Nicholas Chapman, Giáo sư trường Đại học Tohoku, Nhật Bản cho rằng việc áp thuế đối với Mexico và Canada là một hình thức báo hiệu: ông Trump muốn gửi thông điệp rằng ông nghiêm túc.

Tuy nhiên, việc nhanh chóng tạm dừng cho thấy rằng ông không muốn làm gián đoạn quá nghiêm trọng quan hệ thương mại ngay lúc này, bởi thuế quan đối với các nước láng giềng gần nhất của Mỹ chắc chắn sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho người tiêu dùng Mỹ. 

Ông Nicholas Chapman dẫn chứng, vào năm 2023 lưu lượng vận chuyển hàng hóa giữa Mỹ – Canada – Mexico đạt 1,57 nghìn tỷ đô la – theo Báo cáo thường niên về vận tải hàng hóa xuyên biên giới năm 2023 của Cục Thống kê Giao thông Vận tải.

Stephen Olson, Nghiên cứu viên thỉnh giảng cấp cao tại Viện ISEAS – Yusof Ishak ở Singapore cho rằng vẫn còn quá sớm để Mexico hay Canada “thở phào nhẹ nhóm”.

Khoảng thời gian trì hoãn thuế quan chỉ là 30 ngày và ông Stephen Olson cảnh báo rằng cả hai nước có thể lặp lại tình trạng tương tự trong vòng chưa đầy một tháng.

Về các nhượng bộ của Tổng thống Trump lần này, ông cho rằng khá khiêm tốn.

“Tôi hơi ngạc nhiên”, ông Olson trả lời chúng tôi qua email.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu Tổng thống Mỹ có thực sự cần tiến triển hay chỉ cần đủ tiến triển để có thể coi là “chiến thắng” cho khu vực bầu cử chính trị trong nước của mình, nhà cựu đàm phán thương mại của Mỹ nói.

Với Trung Quốc, chắc chắn các cuộc đàm phán sẽ khó khăn hơn, ông Olson nhận định.

Ông Trump ra đòn thuế đầu tiên: 2 lý do cho "ngoại lệ" Trung Quốc, nguy hiểm và khó lường hơn Trump 1.0- Ảnh 1.

Trung Quốc đã có thời gian để tìm ra biện pháp đối phó với đòn thuế quan từ Mỹ. Ảnh: Nikkei

Ông lý giải, các vấn đề và tranh chấp giữa Mỹ-Trung Quốc không thể được cải thiện chỉ bằng cách tăng cường an ninh biên giới hoặc bổ nhiệm một “ông trùm fentanyl”. Hơn nữa, Trung Quốc sẽ sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ hơn và họ đã tăng cường năng lực trả đũa trong những năm gần đây.

Giáo sư Nicholas Chapman lưu ý rằng vào năm 2016, ông Trump thường xuyên nói về việc áp thuế đối với Trung Quốc, nhưng chỉ thực hiện vào giai đoạn sau của nhiệm kỳ. Tuy nhiên, lần này, ông Trump đã hành động sớm và quyết liệt hơn.

Về nguyên nhân, vị giáo sư Đại học Tohoku cho rằng có hai lý do. Đầu tiên, quá trình hành chính thường diễn ra chậm. Điều này giải thích tại sao phải đến khoảng năm 2018, Trump mới khởi xướng cuộc chiến thương mại mà ông đã hứa. Nhiều mức thuế quan đó vẫn được áp dụng ngay cả dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, khiến cho việc áp đặt lại dễ dàng hơn nhiều trong lần này.

Đồng thời, Trung Quốc đã có nhiều thời gian để tìm ra các biện pháp đối phó. Bắc Kinh đã đe dọa sẽ điều tra các công ty như Google và Nvidia để làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Các công ty này phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, mang lại cho Trung Quốc sức mạnh mặc cả đáng kể. 

“Do đó, tôi tin rằng các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ có nhiều rủi ro và căng thẳng hơn trước”, ông Chapman nói với chúng tôi.

Khó lường và nguy hiểm hơn?

Về sự khác biệt trong chính sách thương mại dưới “nhiệm kỳ 2.0” của Tổng thống Trump, ông Nicholas Chapman đánh giá là có phạm vi rộng hơn và có khả năng nguy hiểm hơn.

Không giống như nhiệm kỳ đầu tiên, khi ông Trump áp dụng cách tiếp cận dần dần, giờ đây ông đang áp dụng thuế quan toàn diện ảnh hưởng đến nhiều loại hàng tiêu dùng hơn. Điều này có nghĩa là tác động đến người tiêu dùng sẽ đáng kể hơn.

Thoạt nhìn, có vẻ như một “Cuộc chiến tranh thương mại 2.0” đang diễn ra – và thậm chí còn có phạm vi rộng hơn so với lần đầu tiên. Ông Trump cũng đã công bố mức thuế mới đối với thép và nhôm nhập khẩu. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng còn quá sớm để chính thức tuyên bố đây là một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện. Các mức thuế được áp dụng cho đến nay có vẻ như là ngẫu nhiên, thiếu một chiến lược dài hạn rõ ràng. Nhưng nếu xu hướng này tiếp tục trong khoảng một tháng tới, thì đúng là chúng ta có thể thấy một Cuộc chiến tranh thương mại 2.0 hoàn chỉnh đang hình thành. Nicholas Chapman, Giáo sư trường Đại học Tohoku, Nhật Bản

Một vấn đề quan ngại khác là nhiều quốc gia hiện đã sẵn sàng trả đũa. Điều này có thể gây ra tình trạng đánh thuế qua lại, dẫn đến giá cả hàng tiêu dùng thậm chí còn cao hơn. Nhiều quốc gia đang phải vật lộn với lạm phát, vì vậy thuế quan bổ sung có thể gây thêm căng thẳng cho ngân sách hộ gia đình trên toàn thế giới.

Trong khi đó, chuyên gia Stephen Olson cảnh báo rằng các đối tác thương mại nên chuẩn bị tinh thần cho mức độ khó lường cao dưới thời Trump 2.0, thậm chí còn lớn hơn dưới thời Trump 1.0.

Vấn đề Việt Nam cần lưu tâm

Dự báo về động thái trong tương lai của chính quyền Trump có thể tác động đến Việt Nam, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS – Yusof Ishak Stephen Olson cho rằng đây chỉ là vấn đề thời gian.

Tuy nhiên, giáo sư Chapman đưa ra câu trả lời lạc quan hơn.

“Trên lý thuyết, Việt Nam có vẻ là quốc gia tiếp theo bị áp thuế quan. Tuy nhiên, tôi cho rằng có lý do đáng kể để lạc quan”, ông nói.

Điều quan trọng là thuế quan của ông Trump chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, Canada và Mexico – mỗi quốc gia vì những lý do chiến lược khác nhau. Canada và Mexico nằm trong tầm ngắm của Trump do các vấn đề biên giới, vì việc bảo vệ biên giới phía Nam là một phần quan trọng trong chiến dịch của ông. Mặt khác, Trung Quốc bị nhắm đến vì ảnh hưởng địa chính trị và vị thế là đối thủ cạnh tranh toàn cầu chính của Mỹ.

Trong khi đó, Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược cân bằng giữa các nước lớn, giáo sư Nicholas Chapman nhận định.

Ông Trump ra đòn thuế đầu tiên: 2 lý do cho "ngoại lệ" Trung Quốc, nguy hiểm và khó lường hơn Trump 1.0- Ảnh 2.

Tổng thống Donald J. Trump và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau khi kết thúc Lễ ký kết thương mại tại Hà Nội ngày 27/2/2019. Ảnh: Nhà Trắng

Việt Nam duy trì chính sách đối ngoại độc lập và Mỹ coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực. Điều này được phản ánh trong mức độ tương tác ngoại giao cao: Tổng thống Donald Trump đã đến thăm Việt Nam hai lần trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, và cả ông Joe Biden và cựu Phó Tổng thống Kamala Harris cũng có các chuyến thăm. Mức độ tương tác ngoại giao với Việt Nam như vậy của Mỹ thậm chí còn nhiều hơn so với một số đồng minh hiệp ước chính thức của Washington, như Philippines.

Một lý do khác khiến Việt Nam ở vị thế mạnh mẽ là chiến lược ngoại giao của Việt Nam. Đại hội XIII đề ra chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Các bộ ngành Việt Nam đã và đang hợp tác với các đối tác Mỹ, tìm hiểu các lựa chọn như mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để giảm thiểu các mức thuế quan tiềm tàng. Điều này cũng rất quan trọng đối với các mục tiêu chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng của Việt Nam.

“Vì những lý do này, tôi tin rằng chính quyền Trump sẽ khoan dung hơn với thặng dư thương mại của Việt Nam so với các quốc gia khác”, ông Chapman nhận định.

Tuy nhiên, theo giáo sư của Đại học Tohoku, mối quan tâm lớn nhất đối với Việt Nam có thể không phải là thuế quan trực tiếp, mà là tác động kinh tế rộng hơn từ các chính sách thương mại của ông Trump. 

Nếu căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, chi phí nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam có thể tăng lên và gây tổn hại cho người tiêu dùng Việt Nam. Đây có thể là vấn đề cấp bách hơn bất kỳ mức thuế quan trực tiếp nào mà Trump có thể áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ sẽ tăng gần 20% hàng năm vào năm 2024, đạt mức kỷ lục 123,5 tỷ đô la. Việt Nam đã trở thành đối tác có thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ 4, sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mexico.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật