spot_img
24.7 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhÔng Trump sẽ dùng quân sự, mua lại Greenland từ Đan Mạch...

Ông Trump sẽ dùng quân sự, mua lại Greenland từ Đan Mạch hay sáp nhập? Giải pháp đến từ bộ phim năm 1950

Tôi đang nghĩ đến một giải pháp khả thi cho tình thế tiến thoái lưỡng nan của Greenland. Cảm hứng chính đến từ một bộ phim khá thịnh hành vào những năm 1950 có tiêu đề "Con chuột gầm gừ".

Tôi cá là rất nhiều người chưa từng nghe đến Greenland, và những ai đã biết đến vùng lãnh thổ này thì cũng khó mà có thể xác định được nó trên bản đồ. Và kể cả nếu có ai đó tìm thấy trên bản đồ thì họ cũng không thể giải thích tại sao hòn đảo này lại được gọi là Greenland trong khi toàn bộ hòn đảo được bao phủ bởi lớp băng dày, với khu vực phủ sâu nhất là 3 km. Tôi đoán là vì cái tên “Vùng đất băng tuyết” (Iceland) đã bị đất nước Iceland đã “lấy” mất rồi!

Người Viking tìm đến Greenland vào khoảng năm 985 sau công nguyên, hình thành các cộng đồng nhỏ sinh sống dọc theo bờ biển phía Tây Greenland. Tuy nhiên bắt đầu từ khoảng năm 1100, nhiệt độ giảm, băng giá gia tăng, khiến điều kiện sống trở nên nguy hiểm đối với con người và đến những năm 1400 thì vùng đất này đã bị bỏ hoang sau khi người Viking biến mất khỏi Greenland. Đến thế kỷ 18, Đan Mạch biến hòn đảo băng giá này trở thành thuộc địa của mình. Thực tế là Greenland có quyền lựa chọn để khẳng định sự độc lập của mình khỏi Đan Mạch bất cứ khi nào họ muốn. Chỉ có điều, cho đến thời điểm này, họ vẫn chưa đưa ra sự lựa chọn đó.

Chưa biết kết cục sau này sẽ thế nào đối với Greenland, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã dồn sự chú ý vào hòn đảo lớn nhất thế giới này với một kế hoạch hoặc mua lại hoặc tìm cách nắm giữ nó.

Bằng mắt thường nhìn trên bản đồ Greenland thì hòn đảo này trông rất lớn, nhưng nếu nhìn toàn thể cục diện trên quả địa cầu thì Greenland chỉ bằng một phần năm diện tích nước Mỹ và chỉ gấp 3 lần diện tích bang Texas. Mật độ dân số trên hòn đảo băng giá này khá thưa thớt với tổng số cư dân là trên 56.000 người, hầu hết là người Innuit. Vào mùa đông, người dân Greenland phải sống trong bóng tối suốt ngày đêm vì không có mặt trời.

Tại sao Greenland lại quan trọng

Greenland quan trọng, không chỉ đối với Mỹ mà cả các đối thủ cạnh tranh của Mỹ là Canada, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc và Nga.

Greenland có vị trí chiến lược trên Vòng Bắc Cực, bao quanh là Mỹ và Canada ở phía Tây, EU ở phía Đông và Nga ở phía Bắc và phía Đông. Trung Quốc, dù ở rất xa Greenland, nhưng tham vọng của họ đã vươn tới Vòng Bắc Cực.

Ngoài vị trí chiến lược, Greenland còn nắm giữ trữ lượng đất hiếm lớn, mà một số trong đó rất quan trọng để sản xuất pin cho xe điện, chưa kể trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào.

Vị trí chiến lược

Cũng giống như việc Nga không hài lòng khi Ukraine có khả năng trở thành một quốc gia EU có tư cách thành viên NATO và đe dọa biên giới của Nga, Mỹ và Canada lo ngại về sự hiện diện của Nga và Trung Quốc gần biên giới của họ. Greenland chỉ cách Mỹ 3.000 dặm (hơn 4.800 km) và cách Canada 1.500 dặm (hơn 2.400 km).

Ông Trump sẽ dùng quân sự, mua lại Greenland từ Đan Mạch hay sáp nhập? Giải pháp đến từ bộ phim năm 1950- Ảnh 1.

Khi băng tiếp tục tan ở Bắc Băng Dương, Nga và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung tại khu vực này. Mỹ và Nga đang tích cực tuần tra các khu vực có thể đi lại được của Đại dương bằng tàu ngầm và các tàu hải quân khác. Các cường quốc toàn cầu đang tìm cách khai thác Bắc Cực và Greenland.

Mỹ đang triển khai một lực lượng quân sự quy mô nhỏ – 200 binh sĩ – ở phía bắc Greenland, tại Căn cứ Không gian Pituffik, chuyên cung cấp cảnh báo sớm về một cuộc tấn công bằng tên lửa vào Mỹ hoặc Canada. Mỹ không giấu giếm tham vọng mở rộng sự hiện diện quân sự của mình tại khu vực này.

Tầm quan trọng của Kim loại Đất hiếm

Trung Quốc hiện đang kiểm soát phần lớn các mỏ đất hiếm đã tìm thấy trên toàn cầu. Nếu Bắc Kinh có thể mua lại các mỏ đất hiếm của Greenland, nước này sẽ gần như độc quyền. Cho đến nay, Greenland chưa cho phép Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác khai thác trữ lượng khoáng sản chiến lược này của họ.

Sau khi nhậm chức ngày 20/1, ông Trump có kế hoạch đảo ngược tham vọng của người tiền nhiệm Joe Biden để thu hẹp sản xuất xe điện và khôi phục các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và xe hybrid. Vì vậy, có lẽ ông Trump không quan tâm nhiều đến tham vọng độc quyền tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc. Ông chủ mới của Nhà Trắng chỉ có một mối quan tâm thực sự đó là an ninh quốc gia của nước Mỹ.

Ông Trump sẽ dùng quân sự, mua lại Greenland từ Đan Mạch hay sáp nhập? Giải pháp đến từ bộ phim năm 1950- Ảnh 2.

Vậy ông Trump có những lựa chọn gì để đạt được tham vọng mang tên Greenland:

Lựa chọn 1. Đe dọa quân sự

Ông Trump chưa tuyên bố rõ ràng rằng ông sẽ sử dụng vũ lực quân sự hay không. Tuy nhiên, các phóng viên, trong một nỗ lực tạo ra tranh cãi, đã dùng câu hỏi này để đưa ra suy diễn rằng ông ấy đang cân nhắc sử dụng vũ lực quân sự.

Có thể khẳng định là ông Trump sẽ không sử dụng vũ lực. Các phóng viên đã quên một điều rằng Đan Mạch là một quốc gia thành viên NATO và nếu bị tấn công, tất cả 12 quốc gia thành viên NATO sẽ có nghĩa vụ bảo vệ nước này. Đan Mạch là thành viên của EU, có nghĩa rằng Đan Mạch nắm giữ sự ủng hộ của 27 quốc gia thành viên EU. Nếu thực sự có tấn công quân sự thì chắc chắn toàn bộ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc sẽ phản đối. Nên điều này sẽ không xảy ra.

Điều trớ trêu là Đan Mạch chỉ chi 1,5% ngân sách cho quốc phòng, thấp hơn nhiều so với yêu cầu của NATO là các quốc gia thành viên phải chi ít nhất 2,0%.

Ông Trump sẽ dùng quân sự, mua lại Greenland từ Đan Mạch hay sáp nhập? Giải pháp đến từ bộ phim năm 1950- Ảnh 3.

Chú thích ảnh

Lựa chọn 2. Mua Greenland từ Đan Mạch

Ông Trump đã đề nghị mua Greenland từ Đan Mạch. Cả Đan Mạch và Greenland hiện đều từ chối lời đề nghị này. 

Năm 2019, trong nhiệm kỳ trước của mình, ông Trump cũng đưa ra lời đề nghị tương tự nhưng đã bị từ chối ngay lập tức. 

Trước đó nữa từng có nhiều tiền lệ về những thương vụ mua bán lãnh thổ trong lịch sử.

Năm 1917, Mỹ đã mua Quần đảo Virgin – bao gồm các đảo Saint Croix, Saint John, Saint Thomas và 50 hòn đảo nhỏ hơn – từ Đan Mạch! Và hiển nhiên là trước đó, Đan Mạch đã mua một số hòn đảo này từ Pháp vào những năm 1600.

Kết luận: Đan Mạch có thể bán bất cứ thứ gì nếu thỏa thuận hợp lý. Và chúng ta cũng đừng quên rằng, người Viking Đan Mạch đã tấn công và chiếm đóng miền Nam nước Anh từ năm 793 đến khoảng năm 850, cho thấy một điều là họ đã từng có sở thích sử dụng vũ lực quân sự.

Năm 1803, Mỹ đã mua toàn bộ khu vực mà hiện giờ là 15 bang miền Trung Tây từ Hoàng đế Pháp Napoleon, người trước đó đã mua lại vùng lãnh thổ rộng 2.140.000 km2 này từ Tây Ban Nha. Vậy là Mỹ đã không mất nhiều công sức để có được vùng lãnh thổ vốn là khu vực của người Mỹ bản địa.

Năm 1867, Mỹ đã mua Alaska từ Sa hoàng Nga Alexander II, mở rộng lãnh thổ quốc gia thêm 1.518.800 km2. Cùng năm đó, Ngoại trưởng Mỹ William Seward đã nêu ý tưởng “sáp nhập” Iceland và Greenland trong một tài liệu chính sách có tiêu đề Báo cáo Tài nguyên của Iceland và Greenland.

Năm 1910, Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch đã đề xuất đổi đảo Mindanao của Philippines lấy Greenland.

Và năm 2025, một nhóm nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ đã đề xuất dự luật “Làm cho Greenland vĩ đại trở lại”, bắt chước khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống đắc cử Trump.

Đan Mạch chắc chắn sẽ đánh mất hết sự tôn trọng nếu họ đồng ý bán Greenland, nhưng điều quan trọng hơn là Greenland sẽ không bao giờ đồng ý. Một điều tôi có thể nói chắc chắn là Greenland không phải thuộc sở hữu của Đan Mạch để họ mang đi bán.

Ông Trump sẽ dùng quân sự, mua lại Greenland từ Đan Mạch hay sáp nhập? Giải pháp đến từ bộ phim năm 1950- Ảnh 4.

Lựa chọn 3. Sáp nhập Greenland thành một bang của nước Mỹ

Thật thú vị khi nghĩ về điều này, nhưng Greenland sẽ không bao giờ trở thành một bang của nước Mỹ, mặc dù khả năng đó là có thể.

Đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ điều này vì lý do an ninh và kinh tế, còn Đảng Dân chủ sẽ mở rộng vòng tay chào đón những người dân Innuit có tiềm năng sẽ trở thành những cử tri dân chủ.

Nhưng việc Greenland trở thành một bang của Mỹ sẽ tạo ra lý do chính đáng để thành lập các bang Puerto Rico, bang Quần đảo Virgin, bang Guam và bang Quần đảo Marshall. Đảng Cộng hòa sẽ không bao giờ chấp nhận được điều này bởi sự hình thành các bang mới đồng nghĩa với việc họ sẽ không bao giờ có thể giữ quyền kiểm soát chính phủ được nữa.

Người dân Greenland nghĩ gì?

Khoảng 90% cư dân Greenland là người Innuit với nền văn hóa, lịch sử và sự gắn bó với Greenland như nơi quê cha đất tổ của họ. Phần lớn họ không muốn bản thân lại đột nhiên trở thành người Mỹ, người Canada hoặc thậm chí là người Đan Mạch. Thủ tướng Greenland, ông Mute Egede mới đây đã tuyên bố rằng ông muốn Greenland tách khỏi Đan Mạch để trở thành một Greenland độc lập, tự do. Điều ông hướng tới là hợp tác chứ không phải khuất phục. Ông tuyên bố Greenland sẽ hợp tác với Mỹ nhưng sẽ không chấp nhận để bị Mỹ kiểm soát.

Ông Trump sẽ dùng quân sự, mua lại Greenland từ Đan Mạch hay sáp nhập? Giải pháp đến từ bộ phim năm 1950- Ảnh 5.

Greenland không muốn bán tài nguyên của mình cho các thế lực nước ngoài, những thế lực sẽ phá hủy lãnh thổ của họ thông qua các hoạt động khai thác. Việc khai thác kim loại đất hiếm sẽ tạo ra một lượng lớn rác thải có hàm lượng độc tính cao. Người Greenland lo ngại về khả năng các đội quân công nhân mỏ nước ngoài tràn vào lãnh thổ của họ.

Greenland nắm giữ nhiều mỏ dầu có trữ lượng lớn, nhưng họ đã từ bỏ việc thăm dò vì những thiệt hại môi trường do hoạt động khoan dầu gây ra. May mắn thay, việc giảm sử dụng khí đốt và dầu mỏ sẽ giúp hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Có một thực tế là ngay cả sự hiện diện của căn cứ quân sự Mỹ ở vùng bờ biển Greenland cũng không gây chú ý đáng kể. Bởi căn cứ này được đặt cách xa nền văn minh trên đảo và không gây trở ngại gì cho những cư dân Innuit.

Nhưng việc xây dựng một cảng biển, bất kể quy mô lớn hay nhỏ, để tiếp nhận các tàu thương mại và quân sự có thể sẽ thay đổi hoàn toàn Greenland theo chiều hướng xấu đi.

Người dân Greenland không hoan nghênh cách Đan Mạch đối xử với họ. Để hiểu rõ hơn, tôi khuyên các bạn hãy xem bộ phim truyền hình chính kịch “The Borgen” trên Netflix nói về Greenland và cuộc tranh chấp của Đan Mạch xoay quanh việc khai thác dầu mỏ ở Greenland.

Người Đan Mạch nghĩ gì?

Người Đan Mạch chính thức tin rằng tương lai của Greenland phải do người dân Greenland quyết định. Cho đến khi Greenland giành được độc lập, khu vực tự trị này vẫn phải phụ thuộc vào Đan Mạch. 

Một nửa ngân sách của Greenland hiện giờ (700 triệu đô la) là do Đan Mạch cấp. Con số đó tương đương khoảng 12.500 đô la cho mỗi cư dân mỗi năm. Tỷ lệ nghèo đói đang ở mức khoảng 20%.

Không rõ Đan Mạch được hưởng lợi gì từ thỏa thuận này, nhưng lợi ích của Greenland thì hẳn đã rõ.

Người Greenland và nỗi khó xử

Greenland đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo tồn đất đai, văn hóa và đảm bảo sự độc lập của mình.

Do biến đổi khí hậu, ngành đánh bắt cá của Greenland đang suy giảm – các sông băng đang tan chảy và các tảng băng trôi đang tách ra. Dân số Greenland tiếp tục sụt giảm. Vì vậy, họ phải tìm ra giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan của mình để đảm bảo tương lai cho người dân.

Hiệu ứng Trump: Khi ông Trump chỉ vừa nêu ra ý tưởng về Greenland thì khách du lịch ngay lập tức đến đây khám phá, mang lại nhiều tiềm năng doanh thu cho hòn đảo này. Tuy nhiên, việc này cũng có mặt trái của nó. Hãy nhìn tấm gương là làn sóng biểu tình phản đối khách du lịch tại thành phố xinh đẹp Barcelona.

Trớ trêu thay, các doanh nhân đã bắt đầu khai thác đá viên để bán cho các quán bar cao cấp, nơi các chủ quán quảng cáo rầm rộ rằng khách hàng có thể thưởng thức các món đồ uống của họ cùng những viên đá tinh khiết nhất thế giới.

Greenland cần phát triển các quan hệ đối tác toàn cầu để họ tự lớn mạnh chứ không dừng lại là một vùng lãnh thổ phụ thuộc. Chưa có ai đưa ra được giải pháp nào giúp Greenland hiện thực hóa điều này. Có lẽ cho quân đội Mỹ thuê đất sẽ là một giải pháp hữu hiệu.

Tôi đang nghĩ đến một giải pháp khả thi cho tình thế tiến thoái lưỡng nan của Greenland. Cảm hứng chính đến từ một bộ phim khá thịnh hành vào những năm 1950 có tiêu đề “Con chuột gầm gừ”. Tiền đề của bộ phim này là “không có quốc gia nào đối đầu với nước Mỹ và thua cuộc mà lại phải chịu đói khổ. Vì vậy, nếu một quốc gia nào đó đang trong cảnh khốn khó thì giải pháp là tuyên chiến với Mỹ, sau đó đầu hàng ngay lập tức và kết quả là sẽ nhận được một khoản viện trợ lớn của Mỹ cùng nhiều lợi ích khác”.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật