spot_img
27.4 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhÔng Trump thúc Apple sản xuất điện thoại tại Mỹ nhưng thất...

Ông Trump thúc Apple sản xuất điện thoại tại Mỹ nhưng thất bại ê chề của Google 12 năm trước vẫn gây ám ảnh làng công nghệ: Khi Made-in-America không chỉ cần lòng yêu nước

Giới lãnh đạo công nghệ đều nhận thức rõ những khó khăn khi sản xuất điện thoại thông minh tại Mỹ sau thất bại cay đắng của Google 12 năm trước.
Ông Trump thúc Apple sản xuất điện thoại tại Mỹ nhưng thất bại ê chề của Google 12 năm trước vẫn gây ám ảnh làng công nghệ: Khi Made-in-America không chỉ cần lòng yêu nước- Ảnh 1.

Năm 2013, Google, thông qua công ty con lúc ấy là Motorola Mobility, từng đặt cược lớn vào ngành sản xuất smartphone tại Mỹ với kỳ vọng định hình lại chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Trong bối cảnh Apple vẫn phụ thuộc vào các nhà máy tại Trung Quốc, Google tuyên bố sẽ sản xuất mẫu điện thoại Moto X tại Fort Worth, Texas.

Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, giấc mơ “made in America” tan vỡ. Motorola bị bán lại, dây chuyền sản xuất tại Mỹ bị đóng cửa, khép lại nỗ lực cuối cùng của một tập đoàn lớn nhằm sản xuất smartphone quy mô lớn tại Mỹ.

Moto X được Google quảng bá là sản phẩm “yêu nước” khi chúng được sản xuất trong nước và cho phép người dùng tùy biến thiết kế như màu sắc, chất liệu và khắc tên cá nhân. Chiến lược này nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trước 2 đối thủ Apple và Samsung.

Với nhà máy rộng hơn 70.000 m² và đội ngũ gần 3.800 lao động, Moto X từng đạt sản lượng 100.000 chiếc mỗi tuần. Công ty kỳ vọng lợi thế thời gian giao hàng nhanh và tiết kiệm chi phí vận chuyển sẽ bù đắp cho mức lương cao gấp 3 lần so với công nhân Trung Quốc.

Tuy nhiên, một thực tế trái ngược đã xảy ra. Trong quý I/2014, Motorola bán được 900.000 chiếc Moto X trên toàn cầu – quá ít so với 26 triệu iPhone 5s mà Apple tiêu thụ cùng kỳ. Sau chưa đầy 1 năm, Motorola buộc phải cắt giảm nhân sự xuống còn 700 người, giảm giá Moto X từ 579 USD xuống 399 USD/chiếc.

Những người trong cuộc khẳng định việc sản xuất tại Mỹ không phải là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại. Vấn đề nằm ở việc doanh số không đủ lớn để đạt được lợi thế kinh tế quy mô (economies of scale), trong khi mức độ tùy biến cao khiến quy trình sản xuất phức tạp và tỉ lệ hoàn trả hàng tăng.

Thêm vào đó, ngân sách marketing hạn chế khiến Moto X không thể cạnh tranh với các chiến dịch quảng cáo quy mô lớn từ Apple và Samsung. Quan trọng hơn, yếu tố “sản xuất tại Mỹ” không đủ hấp dẫn người tiêu dùng vốn quan tâm nhiều hơn đến hiệu năng và thương hiệu.

Dưới sức ép chính trị từ Tổng thống Trump yêu cầu Apple chuyển sản xuất iPhone về Mỹ, bài học từ Moto X gây chú ý trở lại. Dù Apple có lợi thế quy mô, kiểm soát chuỗi cung ứng và biên lợi nhuận cao hơn, nhưng vẫn còn nhiều rào cản để sản xuất tại Mỹ như chi phí lao động cao, thiếu nhân lực kỹ thuật tay nghề cao, và phụ thuộc lớn vào linh kiện nhập khẩu.

CEO Apple Tim Cook từng nhấn mạnh rằng vấn đề không nằm ở chi phí nhân công mà ở năng lực kỹ thuật. Ông cho rằng số kỹ sư cơ khí chuyên thiết kế khuôn mẫu tại Mỹ quá ít, không đủ để vận hành sản xuất như tại Trung Quốc nơi mà số kỹ sư “có thể lấp đầy nhiều sân vận động”.

Một số chuyên gia cho rằng, nếu buộc phải đáp ứng yêu cầu chính trị, Apple có thể lựa chọn lắp ráp iPhone phiên bản giới hạn tại Mỹ như một sản phẩm biểu tượng thay vì dịch chuyển toàn bộ chuỗi sản xuất.

Mặt khác, Apple cũng có thể cân nhắc hình thức lắp ráp cuối (final assembly) trong nước – giống chiến lược từng áp dụng với Moto X – nhằm né thuế và duy trì chi phí hiệu quả.

Đã 12 năm sau thất bại của Moto X, không một hãng smartphone lớn nào dám thử lại giấc mơ sản xuất điện thoại tại Mỹ. Bài học từ Motorola cho thấy để cạnh tranh được trong ngành công nghệ toàn cầu, “Made in America” cần nhiều yếu tố hơn bên cạnh lòng yêu nước, đó là chiến lược dài hạn, hạ tầng công nghiệp hiện đại, nhân lực chất lượng cao và sự bền bỉ để vượt qua khó khăn ban đầu.

Tham khảo: Fortune

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật