Theo nhóm nghiên cứu từ Đại học Kasetsart, Đại học Mahasarakham và Bảo tàng Sirindhorn (Thái Lan), ba chiếc răng hóa thạch đã được xác định là của một loài quái thú chưa từng được ghi nhận ở bất cứ đâu trên thế giới.
Theo Sci-News, kết quả phân tích ban đầu cho thấy con quái thú đã để lại những chiếc răng trên thuộc nhánh khủng long Tyrannosauroidea, là một nhánh của nhóm “khủng long chân thú” theropod, bao gồm các loài khủng long ăn thịt nổi tiếng như Tyrannosaurus rex (T-rex).
Như vậy, có thể nói loài quái thú mới ở Thái Lan là họ hàng xa của T-rex lừng danh.
Tiến sĩ Chatchalerm Ketwetsuriya từ Đại học Kasetsart cho biết tuy Tyrannosauroidea phân bố chủ yếu ở Bắc Mỹ và sinh trưởng mạnh vào kỷ Phấn Trắng nhưng những thành viên lâu đời nhất của nhánh – có từ giữa kỷ Jura – lại được phát hiện ở châu Âu và châu Á.
Phần lớn lục địa Âu – Á ngày nay cũng như Bắc Mỹ đều thuộc về siêu lục địa cổ đại Laurasia trong thời kỳ đó.
Điều này có nghĩa nhánh khủng long này rất có thể bắt nguồn từ phía châu Á ngày nay trước khi lan rộng sang phần phía Tây của Laurasia.
Hầu hết các loài gần gũi với T-rex được tìm thấy ở Trung Quốc và Mông Cổ, nhưng phát hiện mới ở Thái Lan góp thêm vào chuỗi bằng chứng cho thấy chúng xuất hiện ở cả phần phía Đông Nam của Laurasia cổ đại.
Ba chiếc răng quái thú ở Thái Lan có niên đại là cuối kỳ Tithon của thế Jura muộn, kỷ Jura – khoảng 145 triệu năm trước.
Khu vực Phu Noi nổi tiếng là một trong những mỏ động vật có xương sống thuộc đại Trung Sinh (gồm các kỷ Tam Điệp – Jura – Phấn Trắng, bao trùm thời kỳ tồn tại của khủng long) phong phú nhất ở Đông Nam Á.
“Nhiều loài đã được khai quật tại địa điểm này, bao gồm cá mập nước ngọt, cá vây tia, cá phổi, động vật lưỡng cư, rùa, cá sấu, thằn lằn bay và khủng long” – các tác giả cho biết.
Ba loài khủng long khác – trong đó có 1 loài khủng long chân thú – từng được xác định tại địa điểm này trước đây.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Tropical Natural History.