Quân Ukraine đồng loạt rút lui khỏi nhiều mặt trận
Nổ phát súng cuối cùng trước khi rút khỏi Kharkiv
Hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 24/2 dẫn lời ông Vitaly Ganchev, người đứng đầu chính quyền quân sự – dân sự tỉnh Kharkiv (do Nga bổ nhiệm) cho biết, lực lượng vũ trang Ukraine đã nổ những phát súng cuối cùng vào các khu định cư do Nga vừa giành quyền kiểm soát tại đây trước khi rút lui.
“Lực lượng Ukraine – trong cơn đau đớn của một cuộc rút lui không thể tránh khỏi – đã pháo kích vào các khu định cư mà Nga vừa giành quyền kiểm soát ở Kharkiv. Một số ngôi nhà của dân thường đã bị thiệt hại nhưng không có thương vong nào về người” – Ông Ganchev cho hay.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày tuyên bố, lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát khu định cư Topoli ở Kharkiv. Quân đội Nga đã sử dụng đạn dẫn đường chính xác và máy bay không người lái (UAV) để tấn công các sân bay quân sự Ukraine, các trung tâm đào tạo kíp vận hành máy bay không người lái (UAV) và địa điểm tập kết tạm thời của quân Ukraine ở tỉnh Kharkiv.

Quân Ukraine đang buộc phải rút khỏi nhiều mặt trận. Ảnh: NBC News
Theo hãng tin DW (Đức), Kharkiv là một trung tâm kinh tế – văn hóa và biểu tượng cho sức chống chọi của Ukraine trong chiến tranh. Hiện tại tỉnh này do Nga kiểm soát một phần.
Vào tháng 5/2024, Nga đã kiểm soát được một số khu định cư ở phía bắc Kharkiv, làm dấy lên suy đoán rằng họ đang nhắm tới cả thành phố Kharkiv – thủ phủ tỉnh này. Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó cho biết các lực lượng Nga tiến vào khu vực Kharkiv để tạo ra một vùng đệm bảo vệ Nga khỏi các cuộc tấn công.
Với diện tích khoảng 350km2 và là nơi sinh sống của khoảng 1,3 triệu người, thành phố Kharkiv có diện tích gần bằng thành phố Munich (Đức).
Năm 2014, khi lực lượng thân Nga nắm quyền kiểm soát Donetsk và Lugansk và xung đột bắt đầu lan rộng hơn, Kharkiv trở thành tâm điểm của lực lượng vũ trang và tình nguyện viên Ukraine. Nơi đây được thừa hưởng một số cơ sở quân sự từ thời Liên Xô, bao gồm 1 kho vũ khí và 1 căn cứ không quân.
Theo DW, tại thành phố này chỉ có một số tuyến phòng thủ, khu vực xung quanh thành phố không được bảo vệ. Trong khi đó, Nga có lợi thế chiến lược và Ukraine phần lớn chỉ có thể phản công bằng vũ khí tầm ngắn.
Gần đây nhất, ngày 5/2, quân đội Nga vừa tiến hành một chiến dịch ở biên giới và tiến vào khu vực Kharkiv do Ukraine kiểm soát từ tỉnh Belgorod (Nga). Đây là một hướng đột phá hoàn toàn mới, khiến lực lượng vũ trang Ukraine bất ngờ và không kịp phòng.
Theo kênh truyền hình Tsagrad TV (Nga) ngày 24/2, số phận Kharkiv “gần như đã được định đoạt”.
Hỗn loạn tại Zaporizhia trước khi rút lui
Cũng trong ngày 24/2, tờ RG (Nga) dẫn lời ông Vladimir Rogov – Chủ tịch Hội đồng Điều phối về hội nhập các khu vực mới của Nga cho biết, lực lượng Ukraine đã ở trong tình trạng hỗn loạn khi rút lui khỏi Zaporizhia.
“Đối phương (quân Ukraine) bắt đầu rải mìn một cách hỗn loạn trên các cánh đồng”, ông Rogov nói, “phía Kiev lo sợ rằng chúng tôi sẽ đột phá vào đó nên đang làm mọi cách để làm chậm cuộc tấn công trong quá trình họ rút lui”.
Nga đã sáp nhập Zaporizhia sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 9/2022. Hiện tại, hơn 70% khu vực Zaporizhia đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, tuy nhiên, Kiev không công nhận kết quả này.
Theo RG, chỉ trong 4 ngày (từ 21/2 – 24/2), quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát 7 khu định cư tại Ukraine, khiến Kiev không kịp xoay xở vì đang gặp khó khăn với nguồn viện trợ từ Mỹ.
Ông Putin đưa đề xuất nóng với ông Trump
Trong bối cảnh tình hình chiến trường đang nguy ngập với Ukraine và Tổng thống Volodymir Zelensky tỏ ra lưỡng lự trước đề xuất đổi khoáng sản lấy viện trợ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra, theo tờ Washington Post (WaPo) ngày 25/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “đi trước một bước”.
Trong cuộc phỏng vấn phát sóng trên truyền hình nhà nước Nga tối 24/2, ông Putin tuyên bố, Moscow “sẽ mở cửa để Mỹ được phép tiếp cận các khoáng sản quý hiếm của Nga”.
WaPo đánh giá đây là một chiến thuật phản biện và gây sức ép rõ ràng giữa lúc chính quyền ông Trump đang thúc đẩy Ukraine ký thỏa thuận về khoáng sản.
Trước đó cùng ngày, ông Putin đã chủ trì một cuộc họp về sự phát triển của ngành công nghiệp kim loại đất hiếm. Cuộc họp được tổ chức thông qua hội nghị trực tuyến.

Ông Putin trong cuộc họp trực tuyến với quan chức về đất hiếm. Ảnh:
Trong cuộc họp, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh Nga sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên đáng kể hơn so với Ukraine.
“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp (sự hợp tác) cho các đối tác Mỹ. Khi tôi nói đến các đối tác, tôi không chỉ muốn nói đến cấu trúc hành chính, chính phủ mà còn cả các doanh nghiệp – nếu họ thể hiện mối quan tâm đến việc hợp tác đôi bên”, ông Putin nói, “Chúng tôi chắc chắn có nhiều hơn đáng kể so với Ukraine về nguồn tài nguyên như vậy. Nga là một trong những quốc gia dẫn đầu về kim loại đất hiếm”.
Bên cạnh đó, ông Putin nhấn mạnh đến trữ lượng nhôm khổng lồ của Nga – loại được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và điện tử tiêu dùng. Ông lưu ý, Moscow có thể tiếp tục cung cấp vật liệu này cho Mỹ và hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ để phát triển hơn nữa nguồn cung cấp từ Nga.
Hiện tại, Mỹ phải nhập khẩu khoảng một nửa lượng nhôm mà nước này cần sử dụng, phần lớn từ Canada. Trong khi đó, Nga là 1 trong 4 nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới.
Ông Putin cho biết, Moscow “có thể mời các công ty Mỹ” khai thác trữ lượng nhôm tại vùng Krasnoyarsk của Siberia. Ông cũng gợi ý Nga có thể cấp cho Mỹ quyền tiếp cận các mỏ khoáng sản trên lãnh thổ mà nước này nắm quyền kiểm soát ở miền đông Ukraine.
“Chúng tôi sẵn sàng thu hút các đối tác nước ngoài đến vùng lãnh thổ mới, vùng lãnh thổ lịch sử của chúng tôi đã được trả lại cho Nga”, ông Putin nói, “Cũng có một số trữ lượng nhất định ở đó. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các đối tác của mình, bao gồm cả người Mỹ, ở đó nữa”.
Tháng trước, quân đội Nga tuyên bố kiểm soát một mỏ lithium tại làng Shevchenko ở vùng Donetsk của Ukraine. Giới chuyên gia cho biết lithium “có tầm quan trọng chiến lược” đối với châu Âu và Mỹ, cho rằng Moscow có thể tận dụng nó trong bất kỳ cuộc đàm phán nào để chấm dứt chiến tranh.
Khi được hỏi về thỏa thuận khoáng sản mà ông Trump muốn có từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Putin đã đặt câu hỏi ngược lại về quy mô trữ lượng của Ukraine và gợi ý rằng Washington có thể đầu tư vào việc phát triển các mỏ của Nga.
“Người ta nên đánh giá xem thực sự có bao nhiêu tài nguyên, thực tế như thế nào, chúng tốn bao nhiêu tiền”, ông Putin nói, “Nhưng đó không phải là việc của chúng tôi. Việc của chúng tôi là những gì chúng tôi đã thảo luận trong cuộc họp: làm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực đó”.
Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna ngày 24/2 cho biết, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ukraine về việc khai thác tài nguyên của Ukraine đang trong “giai đoạn cuối cùng”. Tuy nhiên, ông Zelensky vẫn có phần lưỡng lự.
Trước việc ông Putin bất ngờ đưa ra đề xuất hấp dẫn này, giới phân tích cho rằng, nếu không nhanh chân hành động, Kiev có thể sẽ vuột mất cơ hội cứu vãn tình thế vào phút chót.