Tờ South China Morning Post (SCMP) mới đây đưa tin, một dự án bị trì hoãn từ lâu, xây dựng tuyến đường sắt nối liền các căn cứ quân sự và trung tâm kinh tế quan trọng ở Philippines, đã được khôi phục, lần này là với sự hỗ trợ của Mỹ và Nhật Bản, thay thế cho một kế hoạch trước đó do Trung Quốc tài trợ đã bị hủy bỏ một cách âm thầm.
Các nhà phân tích coi việc khôi phục dự án đường sắt này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ và Nhật Bản nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, định vị dự án này vừa là tuyến đường thương mại vừa là một tài sản chiến lược giúp tăng cường quan hệ an ninh quân sự với Philippines.
Tuyến đường sắt Subic–Clark–Manila–Batangas (SCMB) dài 212 km sẽ được xây dựng để trở thành xương sống của Hành lang Kinh tế Luzon – một sáng kiến trọng điểm được Mỹ, Nhật Bản và Philippines khởi xướng vào tháng 4 năm ngoái nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng và kết nối chuỗi cung ứng trong khu vực.
Hôm 27/6, Đại sứ quán Mỹ tại Manila cho biết Washington sẽ khởi động dự án bằng cách tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật thông qua Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA), mặc dù không nêu rõ số tiền cụ thể.
“Tuyến đường sắt này được kỳ vọng sẽ là xương sống của Hành lang Kinh tế Luzon, giúp đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng và thúc đẩy chuyển đổi kinh tế tại Philippines”, USTDA cho biết.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (phải) bắt tay Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington vào ngày 9/6. Ảnh: AFP
Thomas Hardy – quyền giám đốc USTDA – cho biết dự án này nhấn mạnh “vai trò quan trọng” của liên minh Mỹ – Philippines trong việc duy trì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”, đồng thời sẽ giúp tạo ra “một tuyến đường thương mại thiết yếu mang lại lợi ích chung cho công dân Mỹ và Philippines”.
USTDA đã chọn The Cadmus Group – một công ty tư vấn có trụ sở tại Virginia (Mỹ) – để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm mô hình hóa giao thông, phân tích tích hợp cảng-đường sắt và lập kế hoạch pháp lý. Ông Hardy cho biết thêm rằng nguồn tài trợ cho việc xây dựng tuyến đường sắt dự kiến sẽ đến từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch mới này cho phép Washington đối phó với chính sách ngoại giao cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và thể hiện sức mạnh mềm trong khu vực vào thời điểm ảnh hưởng của Mỹ được cho là đang suy yếu.
“Dự án đường sắt này có thể là một cách để Mỹ sánh ngang với ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc, vốn đang tạo nên làn sóng ở Indonesia và các nước ASEAN khác thông qua dự án tàu cao tốc nối Bandung ở Indonesia, và Malaysia muốn sao chép dự án này”, Roland Simbulan – Chủ tịch Trung tâm Trao quyền cho Người dân trong Quản trị (Philippines) – trả lòi phỏng vấn SCMP.
“Mỹ muốn chứng tỏ rằng họ không chỉ có sức mạnh quân sự mà còn có sức mạnh kinh tế và các hình thức sức mạnh mềm khác để hỗ trợ cho ảnh hưởng đang suy giảm của mình trong khu vực, sau khi USAID [Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ] rút lui”, Simbulan – chuyên gia đã viết nhiều về quan hệ quân sự Mỹ-Philippines – cho biết thêm.
Theo SCMP, tầm quan trọng về chiến lược của tuyến đường sắt này không phải là điều gì mới mẻ. Kế hoạch ban đầu được Trung Quốc tài trợ theo sáng kiến “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” của cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, kết nối những căn cứ quân sự cũ của Mỹ ở các đô thị Subic và Clark của Campuchia, hiện đã được chuyển đổi mục đích thành các khu thương mại nhưng vẫn được sử dụng cho các hoạt động quân sự.
Vào tháng 12/2020, China Harbour Engineering đã trúng thầu xây dựng tuyến đường sắt dài 71 km này, sau khi các nghiên cứu kỹ thuật hoàn tất. Tuy nhiên, mặc dù Manila đã nộp đơn đề nghị vay vốn vào năm 2021, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank) vẫn chưa xử lý.

Căn cứ Không quân Basa – một trong chín căn cứ quan trọng của Lực lượng Vũ trang Philippines – đã được mở cửa cho quân đội Mỹ theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường. Ảnh: Wikipedia
Đến giữa năm 2022, Bộ trưởng Tài chính Philippines vào thời điểm đó Carlos Dominguez III tuyên bố rằng đơn đề nghị vay vốn “được coi là đã bị rút lại” do phía Trung Quốc không hành động.
Một người từng làm việc trong chính phủ của cựu Tổng thống Duterte nói với SCMP rằng một trong những lý do khiến dự án bị đình trệ là do quân đội và các quan chức Philippines đã phản đối vì những lý do liên quan đến an ninh quốc phòng.
Các căn cứ quân sự cũ của Mỹ ở Clark và Subic đều đang được quân đội Philippines sử dụng, và tuyến đường sắt sẽ nối liền các khu vực gần ba cơ sở quân sự quan trọng của Philippines: Doanh trại O’Donnell ở tỉnh lân cận Tarlac; Fort Magsaysay – doanh trại quân đội lớn nhất của Philippines ở tỉnh Nueva Ecija; và Căn cứ Không quân Basa ở tỉnh lân cận Pampanga.
Đại tá Margareth Francel Padilla – người phát ngôn Lực lượng Vũ trang Philippines – từ chối bình luận về những tác động an ninh rộng lớn hơn của dự án đường sắt. “Hãy yên tâm, Lực lượng Vũ trang Philippines vẫn cam kết hỗ trợ tất cả các nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia theo đúng sứ mệnh của chúng tôi là đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển”, bà nói.
‘Rất có lợi’
Theo kế hoạch mới được đề xuất, tuyến đường sắt SCMB chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa, sẽ dài gần gấp 3 lần tuyến đường sắt do Trung Quốc hậu thuẫn và sẽ được kéo dài đến cảng Batangas và đến tận Manila.
Ron Acoba – một chiến lược gia đầu tư sáng lập tổ chức tư vấn tài chính Trading Edge Training & Consultancy (Philippines) – nói với SCMP rằng: “Việc phát triển tuyến đường sắt chở hàng mang lại những lợi ích kinh tế đáng kể, chủ yếu thông qua việc cắt giảm chi phí vận chuyển, kích thích thương mại và mở rộng công nghiệp, cũng như giảm bớt tình trạng tắc nghẽn đường bộ.”
Ông gọi tuyến đường sắt này là “rất có lợi”, “đặc biệt là khi phần lớn hàng hóa hiện đang được vận chuyển bằng xe tải, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông đáng kể và khiến đất nước thiệt hại hàng tỷ [peso Philippines] do mất năng suất mỗi ngày”.
Chuyên gia Acoba cho biết tuyến đường sắt này có thể “vận chuyển khối lượng lớn hàng hóa một cách hiệu quả trên những khoảng cách xa, từ đó tạo điều kiện kết nối chặt chẽ hơn giữa các trung tâm công nghiệp trọng điểm và mạng lưới phân phối”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, vẫn có nguy cơ “mất liên tục về mặt chính trị” nếu chính quyền tiếp theo của Philippines – sẽ tiếp quản vào năm 2028 – hủy bỏ dự án.
“Có một danh sách dài các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và hợp tác công tư đã bị trì hoãn hoặc gác lại sau khi thay đổi chính quyền”, Acoba nói. “Dự án Đường sắt phía Bắc, ban đầu được tài trợ bởi Trung Quốc, đã nhiều lần bị hủy bỏ và được khôi phục qua nhiều đời chính quyền.”

Tuyến đường sắt được đề xuất có thể vận chuyển khối lượng lớn hàng hóa một cách hiệu quả và giảm áp lực lên đường bộ tại Philippines. Ảnh: Swarajya
Jonathan Ravelas – cựu chiến lược gia thị trường chính của ngân hàng lớn nhất Philippines BDO – cũng rất hào hứng với tuyến đường sắt này, mô tả đây là “một dự án mang tính chuyển đổi với tiềm năng mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường quan hệ chiến lược và an ninh” với cả Mỹ và Nhật Bản.
Ngoài việc giảm ùn tắc tại Cảng Manila, dự án còn giúp giảm chi phí vận tải, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo việc làm, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, hậu cần và xây dựng, Ravelas – hiện là giám đốc điều hành của eManagement for Business and Marketing Services – chia sẻ với SCMP.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn như vấn đề tài chính dài hạn và chi phí bảo trì, nguy cơ chậm tiến độ và vượt chi phí… có thể gây áp lực lên nguồn lực của Manila “nếu không được quy hoạch bền vững” và cản trở sự thành công cũng như niềm tin của công chúng vào dự án.
“Các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn cũng có thể phá vỡ hệ sinh thái và cộng đồng nếu không được quản lý cẩn thận”, Ravelas nói.
Theo SCMP