Thông tin này được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei cung cấp trong cuộc phỏng vấn vào ngày 23/12. Ông hy vọng các nhà lãnh đạo của hai quốc gia sẽ ký thỏa thuận “vào cuối tháng 1”.
Hiệp ước mới cho thấy nỗ lực của Nga và Iran nhằm tăng cường sức mạnh để đối phó với sự cô lập ngày càng gia tăng trên trường quốc tế. Hai quốc gia này đã bị Mỹ và các đồng minh trừng phạt nặng nề trong vài năm qua, vì cuộc xung đột ở Ukraine và chương trình làm giàu nhiên liệu hạt nhân ở Iran.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, hiệp ước với Iran đã được chuẩn bị trong nhiều năm. Vào đầu năm 2022, bộ tuyên bố rằng một “thỏa thuận liên quốc gia mới quan trọng” đang được hoàn thiện, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Vào cuối tháng 10, vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tại hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 ở Kazan, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết thỏa thuận sẽ sẵn sàng để hai nhà lãnh đạo ký kết trong tương lai gần. Điều này sẽ “chính thức hóa cam kết của các bên về hợp tác và phối hợp quốc phòng chặt chẽ, vì hòa bình và an ninh khu vực cũng như toàn cầu”.
Thỏa thuận song phương mới sẽ thay thế thỏa thuận chiến lược kéo dài 20 năm được ký kết giữa hai nước vào năm 2001 và được gia hạn vào năm 2020. Thỏa thuận này sẽ bao gồm các cam kết hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất, vận tải và nông nghiệp.
Iran và Nga đã và đang hợp tác trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, quân sự và năng lượng. Vào tháng 10, Tổng thống Pezeshkian mô tả mối quan hệ giữa hai quốc gia là “chiến lược và chân thành”. Ông cũng cho biết hai nước sẽ hợp tác kinh tế và văn hóa “ngày càng mạnh mẽ hơn”.
Nga hiện là chủ tịch luân phiên của BRICS, nhóm các nền kinh tế mới nổi với tham vọng trở thành đối trọng của phương Tây. Trong số các thành viên mới gia nhập BRICS vào năm 2024 có cường quốc dầu mỏ hàng đầu thế giới là Iran. Việc mở rộng thêm thành viên của BRICS được đánh giá sẽ giúp nâng tầm vị thế và sức ảnh hưởng của BRICS trên trường quốc tế.