spot_img
30 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhQuyết định sai lầm khiến một đế chế chao đảo: CEO Goldman...

Quyết định sai lầm khiến một đế chế chao đảo: CEO Goldman Sachs suýt mất ghế vì canh bạc cho vay tiêu dùng 2 tỷ USD và cuộc ‘thay máu’ chưa từng có

CEO nhà băng Goldman Sachs là một vị trí quyền lực nhưng ít người biết, vị lãnh đạo này từng suýt mất ghế vì một quyết định sai lầm.

Năm 2022 và 2023, David Solomon – Giám đốc điều hành của ngân hàng Goldman Sachs – trải qua giai đoạn đầy sóng gió. Từ một CEO bị chỉ trích gay gắt và đối mặt với khủng hoảng niềm tin trong nội bộ, ông dần tái thiết quyền lực và hình ảnh, để rồi đến năm 2024 trở thành một lãnh đạo không thể thay thế tại một trong những định chế tài chính quyền lực nhất Phố Wall.

Câu chuyện dưới đây là hành trình củng cố quyền lực của ông, đậm màu tranh đấu nội bộ và chiến lược xử lý khủng hoảng.

CANH BẠC CHO VAY TIÊU DÙNG

Ngòi nổ của mâu thuẫn nội bộ là chiến lược mở rộng mảng cho vay tiêu dùng do chính Solomon thúc đẩy. Sáng kiến này – mang thương hiệu Marcus – từng được xem là bước đi đột phá nhằm đa dạng hóa nguồn thu ngoài ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản truyền thống. Solomon muốn Goldman tiếp cận nhóm khách hàng phổ thông, lấy cảm hứng từ những mô hình fintech như Chime.

Nhưng thực tế đã diễn ra theo chiều hướng khác. Việc mua lại GreenSky – công ty chuyên cung cấp tài chính cho người tiêu dùng – với giá gần 2 tỷ USD vào năm 2021 đã trở thành một vết đen trong sự nghiệp của ông. Mảng kinh doanh tiêu dùng nhanh chóng rơi vào thua lỗ nặng nề, và đến năm 2023, Goldman phải bán GreenSky với khoản lỗ không nhỏ.

Trong khi các bộ phận truyền thống như ngân hàng đầu tư mang về lợi nhuận kỷ lục năm 2021, thì mảng tiêu dùng lại âm thầm “đốt tiền”. Đến khi hoạt động ngân hàng đầu tư chững lại, thua lỗ của Marcus lộ rõ, kéo theo sự bất mãn âm ỉ từ đội ngũ đối tác và lãnh đạo cấp cao. Các khoản thưởng giảm sút, nhiều nhân sự rời đi, và các cuộc họp trở thành nơi thể hiện bất đồng sâu sắc.

Trong bối cảnh đó, Solomon không im lặng. Ông cho rằng những người chỉ trích đang phá hoại uy tín của mình – không chỉ bằng lời nói mà còn qua các vụ rò rỉ thông tin cho báo chí. Một cuộc điều tra nội bộ quy mô lớn được mở ra nhằm truy tìm người đã “tuồn tin” ra ngoài.

Hội đồng quản trị – dù có đánh giá lại thất bại của mảng tiêu dùng – vẫn đứng về phía Solomon. Với sự hậu thuẫn đó, ông tiến hành chiến dịch thanh lọc nội bộ chưa từng có: Những lãnh đạo chỉ trích ông hoặc gây “ồn ào” đều lần lượt rời khỏi công ty.

Trong số đó có những tên tuổi như Ed Emerson – nhà giao dịch kỳ cựu từng phát biểu công khai rằng Solomon nên từ chức – và Jim Esposito – đồng Giám đốc mảng ngân hàng và thị trường toàn cầu, người từng phản đối gay gắt chiến lược tiêu dùng và gửi bản ghi nhớ đề xuất định hướng mới cho Goldman. Cả hai đều rời công ty trong im lặng sau các cuộc đối thoại bất thành với CEO.

Ngay cả khi một số đối tác tỏ thái độ không hợp tác hoặc “một chân trong một chân ngoài”, Solomon cũng cắt đứt. Ông gửi đi thông điệp rõ ràng: Goldman không cần những người không toàn tâm toàn ý – dù họ là ai.

Quyết định sai lầm khiến một đế chế chao đảo: CEO Goldman Sachs suýt mất ghế vì canh bạc cho vay tiêu dùng 2 tỷ USD và cuộc ‘thay máu’ chưa từng có- Ảnh 1.

Song song với việc củng cố quyền lực, Solomon cũng thay đổi chiến lược. Ông quyết định rút khỏi mảng cho vay tiêu dùng – lĩnh vực từng là “đứa con tinh thần” gây tranh cãi – và đưa Goldman trở lại các mảng kinh doanh cốt lõi: Ngân hàng đầu tư, giao dịch, quản lý tài sản và tư vấn cho khách hàng giàu có.

Từ cuối năm 2023 sang đầu năm 2024, kết quả kinh doanh cho thấy dấu hiệu phục hồi. Lợi nhuận dần cải thiện. Cổ phiếu Goldman Sachs tăng hơn 55%, thậm chí đạt mức cao kỷ lục. Người phát ngôn Tony Fratto khẳng định: “Chúng tôi đã đạt hoặc vượt hầu hết các mục tiêu trong chiến lược 2020”.

Dù vậy, vẫn có những ý kiến nội bộ cho rằng Solomon chỉ “ăn may” nhờ sự phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu. Nếu không sa lầy vào Marcus, có thể kết quả còn rực rỡ hơn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cổ phiếu Goldman đã vượt trội so với Morgan Stanley hay JPMorgan Chase trong 5 năm qua.

BƯỚC NGOẶT

Giữa lúc Solomon đang tái định vị vai trò của mình, thì một biến động bất ngờ khác xảy ra: Chủ tịch John Waldron – người được xem là “kế nhiệm tiềm năng” – bắt đầu tìm kiếm cơ hội bên ngoài. Waldron từ lâu đã nuôi tham vọng làm CEO nhưng không nhận được tín hiệu rõ ràng từ Solomon. Khi Apollo Global Management đề nghị Waldron gia nhập, ông không giấu diếm và thẳng thắn thông báo sẽ ra đi.

Cú sốc khiến Solomon không thể đứng yên. Ông thuyết phục hội đồng rằng Goldman không thể để mất Waldron. Kết quả là cả hai được đề nghị khoản thưởng giữ chân trị giá 80 triệu USD, cùng cam kết ở lại thêm 5 năm. Waldron được mời vào hội đồng quản trị. Solomon thì được tăng lương lên 39 triệu USD – một phần thưởng cho việc “đưa Goldman trở lại quỹ đạo”.

Và rồi, câu hỏi lớn trong nội bộ ngân hàng không còn là “Solomon có trụ được không?”, mà là: “Khi nào ông ấy sẽ trao quyền cho Waldron?”

Sau cú “đảo chiều” ngoạn mục, Solomon bắt đầu một chiến dịch thuyết phục quy mô lớn. Ông đi khắp thế giới, gặp gỡ nhóm nhỏ gần như tất cả hơn 400 đối tác của Goldman. Tại mỗi cuộc gặp, ông nhấn mạnh: “Công ty là ưu tiên số một” và kêu gọi họ không nên tin vào những câu chuyện truyền thông bên ngoài.

Quyết định sai lầm khiến một đế chế chao đảo: CEO Goldman Sachs suýt mất ghế vì canh bạc cho vay tiêu dùng 2 tỷ USD và cuộc ‘thay máu’ chưa từng có- Ảnh 2.

Không chỉ dừng lại ở thông điệp, ông thực hiện một loạt thay đổi có hệ thống. Ông thành lập các ủy ban điều hành mới cho mảng ngân hàng đầu tư và giao dịch, bổ sung nhân tố trẻ vào đội ngũ lãnh đạo – một phần là để mở đường cho những thế hệ kế cận, phần khác là để tạo cảm giác đổi mới và kiểm soát tốt hơn nội bộ.

Ở cấp chiến lược, Solomon tăng cường cho vay đối với các tổ chức và khách hàng siêu giàu, đồng thời tái cấu trúc mảng quản lý tài sản theo hướng tập trung và hiệu quả hơn.

Từng bị nghi ngờ, bị chỉ trích là “quản trị cảm tính”, từng được biết đến nhiều hơn vì sở thích làm DJ hơn là một CEO nghiêm túc, David Solomon hiện nay đang ở vị trí vững vàng hơn bao giờ hết.

Ông đã vượt qua khủng hoảng nội bộ, rút khỏi sai lầm chiến lược, tái thiết niềm tin từ hội đồng quản trị, giữ chân nhân sự then chốt và đưa kết quả kinh doanh phục hồi rõ nét. Dù vẫn còn tranh cãi về vai trò thực sự của ông trong thành công tài chính gần đây, không thể phủ nhận: Solomon hiện là người không thể thay thế tại Goldman Sachs.

Và có thể, bài học lớn nhất từ hành trình của ông không nằm ở thành công tài chính, mà ở khả năng giành lại quyền kiểm soát, tái lập trật tự, và viết lại câu chuyện lãnh đạo cho chính mình – ngay cả sau khi đã phạm sai lầm chiến lược lớn nhất sự nghiệp.

Theo: WSJ

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật