spot_img
32.4 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhRobot hình người chơi xúc xắc, rót trà, rửa bát: Trung Quốc...

Robot hình người chơi xúc xắc, rót trà, rửa bát: Trung Quốc tiến tới giấc mơ mỗi nhà sở hữu 1 robot

Theo doanh nghiệp Trung Quốc, trong vòng 5 năm tới giá của một robot hình người AI² có thể giảm xuống ngang bằng một chiếc ô tô hạng phổ thông mà một gia đình trung lưu có thể mua được.

Trung Quốc phát triển robot hình người

AlphaBot 2 muốn đánh bại con người trong các trò chơi. Khi được hỏi có muốn chơi xúc xắc không, robot do công ty Trung Quốc sản xuất có thể diễn giải câu hỏi và lập tức hành động – nhấn nút trên máy lăn xúc xắc tự động khiến viên xúc xắc bắt đầu quay. Thậm chí, nó có thể phản ứng với điểm số của đối thủ bằng cách giơ ngón tay cái nếu người đó thắng.

Đây là robot hình người do AI² Robotics có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc phát triển.

Khả năng hiểu hướng dẫn của AlphaBot 2 đến từ trí tuệ nhân tạo tích hợp – tức sự kết hợp của các hệ thống AI với thực thể vật lý – cho phép robot tương tác và học hỏi từ môi trường xung quanh.

“Trong kỷ nguyên robot trước đây, con người cần lập trình để robot biết phải làm gì,” Yandong Guo, CEO của AI² Robotics, nói với phóng viên CNN Kristie Lu Stout bên lề hội nghị. “Giờ đây, bạn chỉ cần ra lệnh và robot có thể hiểu môi trường xung quanh.”

Guo cho biết robot chỉ mất vài phút để học cách chơi. “Chúng tôi chỉ cần cho robot xem từ năm đến mười mẫu, và robot có thể học được.”

Robot hình người chơi xúc xắc, rót trà, rửa bát: Trung Quốc tiến tới giấc mơ mỗi nhà sở hữu 1 robot- Ảnh 1.

AlphaBot2 chơi xúc xắc tại Beyond Expo ở Macao vào tháng 5/2025.  Tom Booth/CNN

Dù chatbot AI như ChatGPT đã trở nên quen thuộc, nhiều chuyên gia cho rằng AI tích hợp sẽ là xu hướng lớn tiếp theo trong lĩnh vực công nghệ.

Các công ty toàn cầu như Tesla và Figure AI tại California cũng đang phát triển robot hình người tích hợp AI, với sự hậu thuẫn từ các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft và Nvidia.

Tại Trung Quốc, công nghệ AI hiện thân đang được quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ thông qua các khoản tài trợ, trung tâm đổi mới sáng tạo và cả trường đào tạo robot. Chỉ riêng Thâm Quyến đã có hơn 200 công ty hoạt động trong lĩnh vực này, theo truyền thông địa phương.

Các quan chức Trung Quốc xem đây là động lực tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế. Robot do Trung Quốc sản xuất đang gây chú ý toàn cầu nhờ khả năng thực hiện các động tác như đá vòng cầu hay chạy bán marathon – dù chưa nhanh.

Người quản gia robot

Hiện tại, robot đang được sử dụng trong các môi trường công nghiệp như nhà máy sản xuất ô tô. Phần lớn robot được lập trình để thực hiện các nhiệm vụ thường nhật. Tuy nhiên, theo Harry Yang – phó giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông – xu hướng đang chuyển sang robot AI hiện thân. “Khi nhiệm vụ trở nên phức tạp hơn, bạn cần robot có khả năng nhìn, hiểu và hành động dựa trên từng tình huống cụ thể,” ông nói.

AlphaBot 2 – sử dụng mô hình AI hiện thân do AI² Robotics phát triển – hiện đã có khách hàng trong các lĩnh vực dịch vụ công nghiệp, công nghệ sinh học và dịch vụ công cộng.

Tại một nhà máy của hãng xe Dongfeng Liuzhou Motor Co., công nhân sử dụng robot để bốc dỡ vật liệu, kéo xe đẩy và dán nhãn kính chắn gió.

Tuy nhiên, Guo hy vọng robot có thể bước ra khỏi nhà máy và tiến vào các gia đình.

Robot hình người chơi xúc xắc, rót trà, rửa bát: Trung Quốc tiến tới giấc mơ mỗi nhà sở hữu 1 robot- Ảnh 2.

AlphaBot 2 tại Beyond Expo ở Macao vào tháng 5/2025.  Tom Booth/CNN

Hiện nay, đa số robot chưa đủ khả năng hỗ trợ công việc nhà. UBTech Robotics – một công ty niêm yết tại Hồng Kông – dự kiến ra mắt robot đồng hành giá 20.000 USD trong năm nay. Tuy nhiên, họ thừa nhận công nghệ này vẫn còn xa mới có thể giúp việc nhà hoặc chăm sóc người.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do thiếu dữ liệu đào tạo phản ánh đầy đủ các môi trường sống đa dạng của con người. Dù vậy, Morgan Stanley ước tính đến năm 2050 sẽ có khoảng 80 triệu robot hình người được sử dụng trong các hộ gia đình.

Guo chia sẻ tầm nhìn của mình: “Nếu bạn muốn uống trà, robot sẽ biết nơi lấy túi trà, biết nơi lấy nước nóng và biết cách rót nước vào cốc để pha trà cho bạn.”

Ông nói thêm: “Sau khi ăn xong, tôi hy vọng robot của chúng tôi có thể rửa sạch bát đĩa. Chúng tôi thích nấu ăn, nhưng không thích dọn dẹp.”

Mỗi gia đình sở hữu 1 robot

Tuy nhiên, tầm nhìn đó vẫn còn xa. Vấn đề giá cả là một rào cản. AI² không công bố giá của AlphaBot 2 vì được thiết kế theo yêu cầu khách hàng, không có mức giá cố định. Một số công ty khác ở Trung Quốc bán robot hình người với giá dưới 15.000 USD. Theo người phát ngôn, trong vòng 5 năm, giá một robot AI² có thể ngang bằng một chiếc ô tô phân khúc phổ thông mà gia đình trung lưu có thể mua.

“Vấn đề là tạo ra loại máy móc này rất tốn kém,” Yang nói. “Có thể thuê người làm sẽ rẻ và dễ hơn.”

An toàn cũng là một mối lo ngại. Robot ngã đè lên người có thể gây thương tích. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo về rủi ro riêng tư, vì robot có thể thu thập dữ liệu qua camera và micro.

Guo thừa nhận người tiêu dùng Trung Quốc còn lo lắng khi dùng robot hình người, nhưng công ty đã cân nhắc các vấn đề về an toàn và quyền riêng tư trong quá trình phát triển. Ông nói thêm: “Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết có rất nhiều người ở Trung Quốc sẵn sàng mua robot.”

Yang dự đoán sẽ mất khoảng 5 đến 10 năm nữa để robot hình người thực sự hữu ích trong các gia đình.

AI² Robotics cho biết trong quý III/2025, robot của họ sẽ bắt đầu được triển khai tại các sân bay lớn của Trung Quốc để thực hiện các nhiệm vụ như sắp xếp xe đẩy hành lý. Trong vòng ba đến năm năm tới, chúng có thể được sử dụng tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

Robot sẽ học hỏi trong suốt quá trình hoạt động. “Chúng ta cần thu thập thật nhiều dữ liệu để robot học hỏi, từ đó có được khả năng hiểu biết thông thường,” Guo nói.

Ông kết luận: “Ước mơ của chúng tôi là mỗi gia đình đều có một robot.”

Theo CNN

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật