
Giá vàng thế giới tiếp đà giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần khi thị trường đánh giá căng thẳng thương mại đang dịu đi. Bên cạnh đó, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới là Trung Quốc đang trong kỳ nghỉ lễ cũng ảnh hưởng đến nhu cầu.
Theo chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn của RJO Futures, một đợt chốt lời tài sản trú ẩn an toàn đã diễn ra khi có những dấu hiệu cho thấy Mỹ và một số quốc gia sắp đạt được thỏa thuận thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ có “khả năng” đạt thỏa thuận thương mại với Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản và có “cơ hội rất tốt” để đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin Mỹ đã liên hệ với Trung Quốc để thảo luận về thương mại.
Hiện thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ Quốc tế Lao động từ ngày 1-5/5. Trong một lưu ý, TD Securities cho biết “vàng đang bị hút vào khoảng trống thanh khoản do kỳ nghỉ lễ ở Trung Quốc gây ra”.
Dữ liệu mới công bố cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đã chậm lại trong quý đầu tiên và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ không đổi trong tháng 3. Thị trường hiện tập trung vào báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 4 của Mỹ để đánh giá triển vọng kinh tế. Đây được xem là điểm dữ liệu quan trọng nhất của Mỹ trong năm 2025 cho đến nay, với con số bảng lương phi nông nghiệp được dự báo tăng 133.000, thấp hơn mức 228.000 của tháng 3.
Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, lãi suất sẽ không thay đổi cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng về việc lạm phát sẽ giảm xuống mức mục tiêu 2% hoặc thị trường việc làm có khả năng xấu đi.
Giá vàng giao ngay, dù giảm gần 300 USD từ mức đỉnh lịch sử 3.500 USD/oz thiết lập vào ngày 22/4/2025, vẫn được dự báo sẽ duy trì xu hướng tăng mạnh trong năm nay, với mức trung bình lần đầu tiên vượt ngưỡng 3.000 USD/oz.
Theo cuộc thăm dò quý mới nhất của Reuters, 29 chuyên gia và nhà đầu tư dự đoán giá vàng trung bình năm 2025 đạt 3.065 USD/oz, tăng đáng kể so với mức 2.756 USD/oz trong cuộc thăm dò cách đây ba tháng. Dự báo cho năm 2026 cũng được nâng từ 2.700 USD/oz lên 3.000 USD/oz, phản ánh niềm tin vào triển vọng dài hạn của kim loại quý.
Các yếu tố chính thúc đẩy giá vàng bao gồm căng thẳng thương mại toàn cầu và xu hướng phi đô la hóa ngày càng gia tăng. Vàng giao ngay đã tăng hơn 25% từ đầu năm 2025, gần bằng mức tăng 27% của cả năm 2024, khẳng định sức hút mạnh mẽ trong bối cảnh bất ổn.
“Vàng đang chuẩn bị cho một năm hoành tráng. Giống như đầu thập niên 2000, vàng được mua vào khi giá tăng, tạo hiệu ứng tự củng cố”, chuyên gia Ross Norman nhận định, đồng thời nhấn mạnh rằng các chính sách thuế quan liên tục thay đổi của Mỹ và các cuộc đàm phán thương mại kéo dài với Trung Quốc sẽ tiếp tục là bệ đỡ cho giá vàng.
Ole Hansen, Giám đốc Chiến lược Hàng hóa tại Saxo Bank, khẳng định vàng sẽ được hỗ trợ vững chắc miễn là thị trường tập trung vào phi đô la hóa và tác động của thuế quan Mỹ lên tăng trưởng toàn cầu cũng như ổn định tài chính. L
“Vận may của vàng gắn liền với khó khăn của các thị trường khác”, Hansen cho biết và nhấn mạnh vai trò của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh niềm tin vào đồng USD suy giảm.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà phân tích đều lạc quan. Chuyên gia Suki Cooper từ Standard Chartered cảnh báo rằng thị trường vàng đang trở nên đông đúc, với rủi ro từ nhu cầu vật chất yếu đi, đặc biệt trong lĩnh vực trang sức, do giá vàng tăng cao.
“Dòng vốn từ các ngân hàng trung ương, dù vẫn tích cực, đang có dấu hiệu chậm lại. Nếu rủi ro thuế quan giảm bớt hoặc lo ngại suy thoái mờ nhạt, sức hút của vàng như một kênh trú ẩn an toàn có thể suy yếu”, chuyên gia này lưu ý.