spot_img
23.2 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhSiêu dự luật 'to đẹp' của ông Trump vừa được thông qua...

Siêu dự luật 'to đẹp' của ông Trump vừa được thông qua có gì đặc biệt?

Đây là một trong những dự luật trọng tâm chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump, và được các nghị sĩ Cộng hòa gọi là “dự luật to đẹp”.

Hôm 1/7 (giờ địa phương), Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật chi tiêu và thuế lớn với tỷ lệ sít sao 51-50. Phó Tổng thống JD Vance đã phải bỏ phiếu phá vỡ thế cân bằng để đảm bảo dự luật được thông qua. Đây là một trong những dự luật trọng tâm của chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump, và được các nghị sĩ Cộng hòa gọi là “dự luật to đẹp”.

Siêu dự luật

Trọng tâm chính của dự luật là việc gia hạn Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm năm 2017, vốn dự kiến hết hiệu lực vào cuối năm nay. Theo đó, phần lớn các điều khoản cắt giảm thuế sẽ trở thành vĩnh viễn, đồng thời tăng đáng kể ngân sách cho an ninh biên giới, quốc phòng và sản xuất năng lượng.

Siêu dự luật 'to đẹp' của ông Trump vừa được thông qua có gì đặc biệt?- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Business Insider)

Tuy nhiên, để bù đắp một phần chi phí, dự luật cũng bao gồm các biện pháp cắt giảm ngân sách cho các chương trình y tế và dinh dưỡng như Medicaid và SNAP (chương trình trợ cấp hỗ trợ tiền mua thực phẩm hàng tháng cho người có thu nhập thấp thông qua thẻ điện tử). Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), dự luật này có thể làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang thêm 3,3 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới và khiến hàng triệu người mất bảo hiểm y tế. Dự báo này bị Nhà Trắng và phe Cộng hòa bác bỏ.

Về mặt y tế, dự luật đặt ra nhiều hạn chế mới đối với chương trình Medicaid, trong đó có yêu cầu đi làm đối với một số người thụ thưởng là trưởng thành có khả năng lao động, cùng với việc tăng cường kiểm tra điều kiện thụ hưởng. Ngoài ra, thuế nhà cung cấp – một công cụ tài trợ Medicaid tại cấp bang – cũng sẽ bị cắt giảm dần từ 6% xuống còn 3,5% vào năm 2032.

Nhằm xoa dịu lo ngại từ một số thượng nghị sĩ Cộng hòa về ảnh hưởng của dự luật đến các bệnh viện nhỏ, dự luật thiết lập quỹ 50 tỷ USD để hỗ trợ hệ thống bệnh viện ở vùng nông thôn trong giai đoạn thực hiện cắt giảm.

Về an ninh và di trú, dự luật phân bổ hơn 46,5 tỷ USD cho việc xây dựng tường biên giới và các chi phí liên quan, đồng thời cấp 45 tỷ USD để mở rộng năng lực giam giữ người nhập cư và khoảng 30 tỷ USD để tăng cường tuyển dụng, huấn luyện và trang bị cho lực lượng ICE (Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan).

Một khoản phí tối thiểu 100 USD cũng được áp dụng cho người xin tị nạn, thay cho mức 1.000 USD trong đề xuất ban đầu của Hạ viện, vốn bị bác bỏ do vi phạm quy tắc Thượng viện.

Một thay đổi đáng chú ý khác là việc tăng giới hạn khấu trừ thuế tiểu bang và địa phương (SALT) từ 10.000 USD lên 40.000 USD trong vòng 5 năm, trước khi quay lại mức ban đầu. Đây là nhượng bộ quan trọng dành cho các nghị sĩ Cộng hòa từ các bang có mức thuế cao như New York và California.

Đối với chương trình tem phiếu thực phẩm SNAP, liên bang sẽ tiếp tục tài trợ đầy đủ cho các bang có tỷ lệ lỗi thanh toán dưới 6%. Các bang vượt mức này sẽ phải gánh 5–15% chi phí từ năm 2028. Đồng thời, độ tuổi yêu cầu làm việc để đủ điều kiện nhận SNAP sẽ được mở rộng từ 18–54 tuổi lên 18–64 tuổi, với một số ngoại lệ cho các bậc cha mẹ. Alaska và Hawaii có thể được miễn yêu cầu này nếu chứng minh được nỗ lực tuân thủ.

Dự luật cũng bao gồm việc tăng trần nợ công thêm 5.000 tỷ USD, cao hơn mức 4.000 tỷ USD trong phiên bản Hạ viện. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã cảnh báo rằng Quốc hội cần phải hành động trước giữa tháng 7 để tránh tình trạng Mỹ không thể thanh toán các nghĩa vụ tài chính vào tháng 8 khi Quốc hội nghỉ hè. Việc gộp trần nợ vào gói chi tiêu lớn này cho phép đảng Cộng hòa tránh đàm phán trực tiếp với đảng Dân chủ.

Về mặt thuế, dự luật nâng mức giảm trừ thuế cho gia đình nuôi trẻ nhỏ (child tax credit) từ 2.000 USD lên 2.200 USD và giữ ở mức đó vĩnh viễn, thấp hơn mức 2.500 USD trong đề xuất của Hạ viện. Dự luật của Hạ viện sẽ quay lại mức 2.000 USD sau năm 2028.

Ngoài ra, dự luật cũng cho phép người lao động được khấu trừ một phần thu nhập từ tiền boa và làm thêm giờ khỏi thu nhập chịu thuế liên bang đến hết năm 2028. Thượng viện đặt giới hạn khấu trừ ở mức 25.000 USD/năm, và chỉ áp dụng với người có thu nhập dưới 150.000 USD (hoặc 300.000 USD nếu khai thuế chung), trong khi phiên bản Hạ viện không giới hạn mức khấu trừ và đặt ngưỡng thu nhập ở mức cao hơn.

Cuối cùng, dự luật của Thượng viện đề xuất mở rộng vĩnh viễn mức khấu trừ tiêu chuẩn đã được tăng gần gấp đôi vào năm 2017, trong khi Hạ viện chỉ đề xuất gia hạn đến năm 2028.

Các ảnh hưởng chính của dự luật

Theo các phân tích, với dự luật chi tiêu và cắt giảm thuế mới, những người được lợi chủ yếu là các doanh nghiệp và hộ gia đình thu nhập cao, trong khi người gặp khó khăn hơn có thể là các hộ thu nhập thấp, ngành y tế và năng lượng sạch.

Cụ thể, doanh nghiệp nhận được các chính sách giảm thuế lâu dài, ưu đãi đầu tư. Người có thu nhập cao được tăng mức khấu trừ thuế địa phương và di sản, giảm thuế thu nhập từ tiền tip và làm thêm. Đối với ngành dầu khí, họ loại bỏ nhiều quy định môi trường, được ưu đãi thuế mới.

Trong khi đó, các hộ thu nhập thấp có thể bị cắt giảm mạnh thụ hưởng từ Medicaid và SNAP nếu không đủ điều kiện, khiến hàng triệu người có thể mất bảo hiểm. Ngành y tế đứng trước nguy cơ mất khoảng 500.000 việc làm do giảm chi tiêu y tế.

Ngành năng lượng sạch mất hỗ trợ thuế, bị áp thêm điều kiện đầu tư, ảnh hưởng đến hàng nghìn dự án và việc làm.

Ngoài ra, dự luật làm tăng thêm khoảng 3.000 tỷ USD nợ công, được cho là gây gánh nặng lâu dài cho thế hệ trẻ, đồng thời có thể giảm linh hoạt tài chính cho nước Mỹ trong tương lai.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật