Viết trên chuyên san The Conversation, hai nhà khoa học Daniel García-Castellanos từ Viện Địa lý Barcelona (Tây Ban Nha) và Paul Carling từ Đại học Southampton (Anh) cho biết nghiên cứu của họ đã vén màn quy mô đáng kinh ngạc của trận siêu lũ lụt Zanclean.
Các bằng chứng mới nhất xác nhận trận đại hồng thủy này kinh khủng đến mức đã tạo ra Địa Trung Hải ngày nay chỉ trong vài tháng.

Địa Trung Hải lẫn hòn đảo lớn Sicily của Ý có diện mạo như ngày nay là nhờ có siêu lũ lụt Zanclean – Ảnh: TRUNG TÂM HẢI DƯƠNG HỌC QUỐC GIA ANH
Nhóm tác giả đã tìm hiểu đá trầm tích thuộc tầng Zanclean của thế Thượng Tân, kỷ Tân Cận.
Tầng địa chất này kéo dài từ khoảng 5,33 triệu năm trước đến 3,6 triệu năm trước. Các bằng chứng cho thấy vào đầu tuần này, siêu lũ lụt Zanclean đã xảy ra.
Vào thời điểm đó, Địa Trung Hải là một lưu vực chủ yếu là khô và mặn.
Thế nhưng vào lúc hơn 5 triệu năm trước, trận lũ lụt khủng khiếp đã khiến nước từ Đại Tây Dương tìm được đường đi qua eo biển Gibraltar ngày nay.
Theo nhóm nghiên cứu, dòng nước tuôn vào lưu vực Địa Trung Hải đã chảy nhanh hơn một chiếc ô tô đang lao dốc, khoét một rãnh sâu bằng tòa nhà chọc trời trên đường đi, đủ để tạo ra một con đường lâu dài cho dòng nước.
Tổng lượng nước đổ vào Địa Trung Hải lúc đó gấp khoảng 1.000 lần so với lượng nước của sông Amazon ngày nay, nhanh chóng biến thung lũng khô cằn thành một vùng biển rộng lớn.
Không chỉ vậy, trận đại hồng thủy cổ đại còn tràn qua khu vực Sicily của Ý ngày nay và “điêu khắc” địa hình nơi đây.
Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy dấu vết cho thấy các ngọn đồi và vùng trũng phức tạp ở Sicily liên quan đến trận lũ này.
Những gì còn lại là vô số mảnh đá vụn lẫn đá tảng lộn xộn và méo mó dọc theo các ngọn đồi.
Để kiểm tra lại, họ đã phát triển một mô phỏng máy tính về cách nước lũ có thể đã vượt qua một phần của vùng Sill Sicily.
Hướng mà các ngọn đồi được sắp xếp hoàn toàn phù hợp với giả thuyết này.
Mô hình cũng chỉ ra những ngọn đồi Sicily đã được tạo nên bằng dòng nước sâu tới 40 m, di chuyển với tốc độ 115 km/giờ.