spot_img
35 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài Chính"Siêu thị thế giới" Nghĩa Ô trước cơn bão thuế quan

"Siêu thị thế giới" Nghĩa Ô trước cơn bão thuế quan

Nghĩa Ô – nơi được gọi là "siêu thị thế giới", bán "đủ mọi thứ trên đời" cũng đang chịu những tác động nhất định của cơn bão thuế quan.

Tuyết rơi bên ngoài nhưng bên trong nhà nhạc Giáng sinh vẫn vang lên, không khí rực rỡ với cây thông Noel được trang trí bởi đèn dây, những đôi tất và ngôi sao lấp lánh. Đây là cảnh tượng được hầu hết người Mỹ yêu thích mỗi khi Giáng sinh đến. Tuy nhiên, ít ai biết được chính xác những đồ trang trí ấy đến từ đâu. 

Theo CNN, hầu hết đồ trang trí trên cây thông Noel tại các gia đình Mỹ đều có xuất xứ từ một thành phố nhỏ ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc – Nghĩa Ô. Có biệt danh là “Thị trấn Giáng sinh”, Nghĩa Ô cung cấp gần 90% các mặt hàng trang trí cho dịp nghỉ lễ quan trọng nhất năm tại Mỹ. 

Rộng bằng 750 lần bóng đá

Theo CNN, chợ Nghĩa Ô là khu phức hợp có diện tích gần 1.000 mẫu Anh, tương đương với khoảng 750 sân bóng đá. 

Bên trong, người mua đi lại trên những hành lang hẹp tràn ngập hàng hóa, từ búp bê ông già Noel biết chơi đàn piano đến cây thông Noel nhân tạo, cũng như vô số mặt hàng khác được dùng trong các gia đình Mỹ, như mũ “Make America Great Again”, súng massage hay ghế cắm trại.

"Siêu thị thế giới" Nghĩa Ô trước cơn bão thuế quan- Ảnh 1.

Toàn cảnh chợ Nghĩa Ô – nơi được coi là “siêu thị của thế giới” (Ảnh: CNN)

Những ngày gần đây, có một luồng lo lắng tiềm ẩn ở Nghĩa Ô khi mức thuế đối ứng áp cho hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đã lên tới 145%. Đây là mức thuế cao nhất mà Mỹ áp cho hàng hóa của một quốc gia trong gần 1 thế kỷ. 

Với nhiều thương nhân ở Nghĩa Ô, mức thuế này khiến họ mất khách hàng, lợi nhuận bị cắt giảm và buộc họ phải chuyển hướng sang các thị trường khác. 

Trả lời phỏng vấn của kênh CNN, nhiều người đã bày tỏ sự lo ngại và hoang mang trước những diến biến mới. Hầu hết thương nhân đều mong muốn có một “giải pháp tốt” trước khi mọi thứ bị gián đoạn nghiêm trọng.

“Một số khách hàng lâu năm đã ngừng giao dịch và tất cả chúng tôi đều rất buồn”, cô Ran Hongyan, 43 tuổi, người đã bán đồ trang trí Giáng sinh trong 15 năm, cho biết.

Sau khi mức thuế mới được áp dụng, cô đã cố gắng giảm giá cho khách hàng Mỹ để cứu vãn nhưng không hiệu quả. Tám trong số mười người đã hủy hợp đồng trong năm nay, gây ra khoản lỗ hơn 135.000 USD.

Cô Ran cho biết lượng hàng xuất khẩu từ Hoa Kỳ chỉ chiếm một phần trong tổng số khách hàng của mình, nhưng vấn đề ở đây không chỉ là những con số. Nhiều người là đối tác lâu năm. Ran đã gặp một khách hàng Mỹ ở hội chợ thương mại Trung Quốc cách đây nhiều năm và họ đã làm việc cùng nhau trong gần một thập kỷ. Khách này thậm chí còn đến thăm nhà máy sản xuất của cô tại Trung Quốc 

“Vì vấn đề thuế quan, anh ấy nói rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc hủy bỏ đơn hàng trong năm nay và xem điều gì sẽ xảy ra sau đó”, Ran nói với CNN.

 “Chúng tôi đã hợp tác với nhau trong một thời gian dài”, cô buồn bã nói thêm.

"Siêu thị thế giới" Nghĩa Ô trước cơn bão thuế quan- Ảnh 2.

Cô Ran Hongyan, 43 tuổi, người đã bán đồ trang trí Giáng sinh ở chợ Nghĩa Ô 15 năm (Ảnh: CNN)

Người tiêu dùng các nước tiết kiệm, các quốc gia chi tiêu ít đi. Điều này cũng không tốt cho “thủ phủ hàng hoá” Nghĩa Ô. 

CNN nhận định, theo tổng thống Donald Trump, việc áp thuế đối ứng một phần nhằm khôi phục sản xuất ở Mỹ, nơi mà theo ông Trump là “đã bị phá hủy bởi các thỏa thuận thương mại tồi tệ”.

“Nhưng thật khó để thấy một tương lai mà các sản phẩm được bán ở Nghĩa Ô có thể được sản xuất tại Mỹ. Trừ khi người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một thứ phổ biến và hiện đang rẻ như đồ trang trí Giáng sinh bằng nhựa”, CNN viết. 

Campuchia là quốc gia xuất khẩu đồ trang trí Giáng sinh lớn thứ hai sang Hoa Kỳ nhưng quốc gia này cũng đang bị áp thuế 49%. Hiện mức thuế này đang tạm dừng 90 ngày. 

Thủ phủ hàng hóa của thế giới

Nghĩa Ô là thành phố tương đối nhỏ theo tiêu chuẩn ở Trung Quốc. Dân số ở đây chưa đến hai triệu người nhưng thành phố lại có dấu ấn to lớn trong thương mại toàn cầu. Năm ngoái, Nghĩa Ô đã xuất  81 tỷ USD hàng hóa ra nước ngoài, trong đó khoảng 11,5 tỷ  USD được chuyển đến Hoa Kỳ, theo dữ liệu hải quan thành phố.

Dấu ấn này được thể hiện rõ ngay khi du khách đặt chân đến thành phố. Hàng loạt những biển hiệu nổi bật ở sân bay với nội dung: “Kinh doanh toàn cầu tại Nghĩa Ô!”. 

Sau khi mức thuế đối ứng được áp lên hàng hóa Trung Quốc, không khí ở Nghĩa Ô vẫn rất nhộn nhịp. Hoa Kỳ hiện là quốc gia duy nhất áp dụng thuế đối ứng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Khu phức hợp nhiều tầng, nhiều khối nhà này tự hào có hàng trăm nghìn loại hàng hóa khác nhau. Uớc tính có khoảng 70.000 gian hàng tại nơi được coi là “siêu thị của thế giới này”. 

Tuy nhiên, cơn bão thuế quan cũng phần nào ảnh hưởng đến Nghĩa Ô. 

"Siêu thị thế giới" Nghĩa Ô trước cơn bão thuế quan- Ảnh 3.

Mũ thuê dòng chữ “Make America great again” được bán ở Nghĩa Ô (Ảnh: CNN)

Theo ghi nhận của CNN, những ngày qua, người mua ở nhiều quốc gia khác nhau vẫn đến Nghĩa Ô nhưng vắng bóng các thương nhân Mỹ. Nhiều người bán hàng tỏ ra lo lắng với tình hình mới. 

Cô Li Xinyao kinh doanh hoa giả ở Nghĩa Ô kể từ năm khu chợ này được thành lập là 1993. Mặc dù hiện khách hàng của cô không có ai từ Mỹ nhưng doanh thu của cửa hàng vẫn bị ảnh hưởng sau những biến động thuế quan trên toàn thế giới.

“Khi có căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, tất cả mọi người sẽ lo lắng về điều đó. Khách hàng của chúng tôi có thể sẽ giữ lại (đơn đặt hàng)”, cô Li chia sẻ. 

Nền kinh tế toàn cầu đầy biến động đang gây tổn hại đến doanh số bán hàng của Li vì đồ trang trí, giống như hoa nhựa, có thể là mặt hàng đầu tiên bị cắt giảm đối với những người cần thắt chặt chi tiêu.

“Nếu chúng ta không thể có một cuộc sống hạnh phúc, ai sẽ quan tâm đến đồ trang trí?”, Li nói. 

Với những thương nhân có mối làm ăn chặt chẽ với các đối tác Mỹ, giờ đây họ sẽ cần tìm những cơ hội khác.

Sự chuyển hướng này đã diễn ra trong nhiều năm qua. Theo CNN, kể từ năm 2018, “Bắc Kinh đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng quan hệ thương mại với phần còn lại của thế giới, qua đó giảm thị phần xuất khẩu vào Mỹ”. 

"Siêu thị thế giới" Nghĩa Ô trước cơn bão thuế quan- Ảnh 4.

Hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc ở Thượng Hải (Ảnh: AP)

Theo số liệu chính thức, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ chiếm 19,2% tổng số lô hàng xuất khẩu ra nước ngoài vào năm 2018 nhưng đã  hiện giảm xuống còn 14,7% vào năm 2024.

Điều này có nghĩa là Trung Quốc hiện phụ thuộc ít hơn vào các doanh nghiệp Hoa Kỳ so với trước đây. Đây cũng là cách tiếp cận mà những người bán hàng ở Nghĩa Ô đang áp dụng. 

“Tôi hiện đang chuyển tất cả hàng hóa bị dừng lại ở Mỹ sang tuyến EU”, Nie Ziqin, 39 tuổi, chủ cửa hàng bán đồ trang trí Halloween tại Nghĩa Ô cho hay.

Mặc dù doanh số bán hàng bị giảm “đáng kể” vì mức thuế quan cao, Nie vẫn bày tỏ sự lạc quan. 

“Tôi vẫn còn thị trường trong nước và thị trường EU. Tôi cũng bán hàng qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Năm ngoái, chúng tôi đã bắt đầu thiết kế các sản phẩm có thể bán cho thị trường nội địa”, Nie nói thêm.

Tuần trước, Trung Quốc đã tăng thuế đối với hàng hóa của Hoa Kỳ lên 125%. Bắc Kinh cũng khẳng định nước này “không sợ hãi” với những đòn thuế quan mới. 

“Chính phủ của chúng tôi đang làm tốt những việc này”, cô Li, chủ cửa hàng bán hoa giả cho hay. 

Tuy nhiên, dù lạc quan nhưng các thương nhân ở đây vẫn lo lắng và chuẩn bị cho những tác động mạnh mà biến động của kinh tế thế giới có thể mang lại. 

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật