
Tờ Business Insider (BI) cho hay trong bối cảnh kinh tế bất ổn và sự trỗi dậy mạnh mẽ của AI, vị trí entry-level cho tân cử nhân đang dần khan hiếm, đặc biệt tại các ngành công nghệ, tài chính và tư vấn.
Việc tự động hóa các công việc cơ bản, từ viết mã đến xử lý tài liệu pháp lý, đang khiến nhà tuyển dụng ưu tiên ứng viên có kinh nghiệm hoặc các giải pháp trí thông minh nhân tạo (AI) hơn là đào tạo “người mới” từ đầu.
Đồng thời, sinh viên Gen Z ngày càng lo ngại tương lai nghề nghiệp: 62% tỏ ra quan ngại về tác động của AI lên cơ hội việc làm, trong khi số lượng hồ sơ nộp tăng 21% còn các tin tuyển dụng lại giảm 15% trong năm nay so với năm trước.
Số lượng thực tập sinh cũng chững lại khi tin đăng tuyển cho vị trí này hiện đã xuống dưới mức năm 2019 trước khi đại dịch diễn ra.
Trong bối cảnh đó”, nhiều bạn trẻ chọn cách tự trang bị kỹ năng AI, săn chứng chỉ, hoặc sáng tạo cách ứng tuyển mới để nổi bật. Một số chuyên gia thì khuyến nghị doanh nghiệp cần cam kết đầu tư đào tạo nhân viên mới để không đứt gãy nguồn nhân lực tương lai thay vì quá phụ thuộc vào AI.

Đứng im
Từ cuối năm 2024, căng thẳng thương mại khiến thị trường lao động Mỹ lâm vào trạng thái “đứng im”, số lượng việc làm giảm trong khi nhiều người lao động vẫn giữ được công việc chỉ vì nhờ cắt giảm tuyển dụng.
Điều này khiến doanh nghiệp thận trọng hơn khi mở thêm vị trí mới, đặc biệt là cho những nhân viên chưa có kinh nghiệm.
Trong khi đó, sự bùng nổ của các nền tảng AI mạnh mẽ như ChatGPT, Claude.ai…với công nghệ và khả năng ngày càng tinh vi trong việc viết mã, xử lý văn bản pháp lý hay tổng hợp dữ liệu thị trường khiến các công ty lớn tự hào về việc nâng cao hiệu suất lao động nhờ AI.
Một phân tích từ Brookings cho thấy hơn 30% công việc hiện tại có ít nhất một nửa nhiệm vụ được làm bởi AI,và 85% người lao động thấy ít nhất 10% công việc của họ có thể bị ảnh hưởng vì công nghệ mới này.
Trước tình hình đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng, đào tạo nhân viên mới tốt nghiệp, thay vào đó là sử dụng AI.
Từ đầu năm 2023 đến tháng 3/2025, số lượng tin tuyển dụng ngành công nghệ giảm từ khoảng 625.000 xuống còn 467.000, với tỉ lệ vị trí công việc không cần kinh nghiệm (Entry Level) chỉ chiếm 21%, thấp hơn so với 24% đầu năm 2023.
Trái lại, nhu cầu ứng viên có 7 năm kinh nghiệm trở lên tăng thêm 3 điểm phần trăm, qua đó chứng tỏ nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp đang có sự chuyển biến rõ rệt.
Các nền tảng như Handshake và Indeed đều ghi nhận số lượng đăng tuyển thực tập sinh hiện nay thấp hơn mức của năm 2019. Điều này đặt ra thách thức lớn cho sinh viên vốn dựa vào thực tập để tích lũy kinh nghiệm.
Điều này tạo thành một vòng luẩn quẩn, không có việc để tích lũy kinh nghiệm nhưng các công ty lại chỉ cần lao động có kinh nghiệm.
“Nếu tự động hóa thực sự tiếp quản công việc cấp đầu vào trong toàn bộ ngành hoặc một vài mảng lao động văn phòng thì chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh lại về nhu cầu tuyển dụng các vị trí không cần kinh nghiệm”, giám đốc đào tạo Christine Cruzvergara của Handshake cho biết.

Băng giá
Theo BI, tâm lý lo ngại của Gen Z đang lan rộng ở Mỹ.
Khảo sát của Handshake ghi nhận 62% sinh viên có thể dùng thuần thục công cụ AI nhưng vẫn bày tỏ “có chút quan ngại” về triển vọng nghề nghiệp, cao hơn so với 44% năm trước.
Sinh viên ngành khoa học máy tính là nhóm bi quan nhất, với 28% “rất bi quan” về cơ hội khởi nghiệp, cao hơn so với 18% năm trước.
Chính sự bi quan này khiến ngày càng nhiều bạn trẻ nghi vấn về giá trị của tấm bằng đại học so với lợi ích chúng đem lại.
Báo cáo của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chi nhánh New York cho thấy gần một nửa Gen Z cho rằng đại học “lãng phí tiền bạc”, với tỉ lệ thất nghiệp của cử nhân dưới 27 tuổi lên tới gần 6%, gấp đôi mức 2,6% chung cho cử nhân nói chung.
Không những vậy, ngày càng nhiều lao động than vãn về hiệu suất ảo nhưng gánh nặng thật do AI tạo ra.
Tờ BI cho hay 96% số lãnh đạo cao cấp kỳ vọng AI sẽ giúp tăng năng suất nhưng 77% nhân viên lại cho biết khối lượng công việc tăng và hiệu suất giảm do phải kiểm tra, sửa lỗi do AI tạo ra.
Báo cáo của Brookings thì cho thấy một số vị trí như chuẩn bị tài liệu pháp lý hay phân tích dữ liệu marketing có nguy cơ bị tự động hóa rất cao, trong khi công việc quản lý ít chịu ảnh hưởng hơn.
Số liệu của Anthropic thì chỉ ra 37% tương tác với Claude.ai liên quan tới khối công việc máy tính và toán học, nhóm công việc dễ bị thay thế bởi AI nhất.
Khảo sát của trường Hult International Business School cho thấy 37% giám đốc nhân sự thà chọn robot/AI làm việc hơn tuyển tân cử nhân, và 30% sẵn lòng để vị trí đó “đóng băng” trong bối cảnh hiện nay.
Tờ BI kết luận các tân cử nhân Gen Z đang đối mặt với “mùa đông” việc làm cho các vị trí không cần kinh nghiệm, khi AI và kinh tế bất ổn cùng tác động.
Để vượt qua, chính sinh viên phải chủ động đào tạo những kiến thức mới nếu muốn sống sót trên thị trường khắc nghiệt hiện nay.
“Không có cách nào bạn có thể theo kịp trừ khi biến việc học hỏi và nâng cao kỹ năng liên tục thành một phần công việc hàng ngày của mình”, chuyên gia Danielle Farage nói với tờ BI.
*Nguồn: BI