Hãng tin CNN cho hay lần cuối cùng cổ phiếu Sony có giá cao như hiện nay là từ thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton còn đương nhiệm và máy Play Station 2 sắp ra mắt cách đây 25 năm
Kể từ năm 2000 đến nay, Sony đã trải qua rất nhiều khó khăn nhưng cuối cùng lại thành công bất ngờ. Tập đoàn 78 năm tuổi này dù phát minh ra Walkman và PlayStation, từ lâu đã trở thành biểu tượng của ngành điện tử tiêu dùng nhưng lại bỏ lỡ cuộc cách mạng điện thoại di động.
Chi phí sản xuất thiết bị điện tử tăng lên còn nhu cầu giảm khiến Sony cũng tương tự như nhiều tên tuổi nổi tiếng của Nhật Bản khác như Toshiba, Sharp hay Panasonic phải lâm vào khó khăn.
Thế nhưng mảng làm game của Sony, hiện đang là tập đoàn lớn thứ 3 Nhật Bản về tổng vốn hóa, lại đang có lãi, khiến thương hiệu này dần chuyển từ chuyên đi bán thiết bị điện tử như tivi sang làm mảng giải trí, trò chơi điện tử.
Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy Sony đạt doanh thu 2,91 nghìn tỷ Yên, tương đương 19 tỷ USD trong quý III/2024. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của hãng đạt 458 tỷ Yên, tương đương 2,98 tỷ USD, mức tăng 76% so với cùng kỳ năm trước.
Trong ba năm qua, cổ phiếu của Sony đã bắt đầu thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài hàng thập kỷ. Chuyên gia Damian Thong tại Macquarie nhận định giá cổ phiếu của Sony tại Nhật Bản gần đây đã đóng cửa ở mức cao kỷ lục đầu tiên kể từ tháng 3/2000, cho thấy sự tự tin vào khả năng phát triển các dịch vụ trò chơi và hướng đến giải trí của công ty.
“Nếu bạn quay ngược lại 30 năm trước, Sony là một công ty điện tử nổi tiếng chuyên bán thiết bị điện tử gia dụng. Thế nhưng ngày nay, công ty chủ yếu tạo ra lợi nhuận từ giải trí, bao gồm trò chơi, âm nhạc và phim ảnh”, chuyên gia Thong nói.
Cổ phiếu của Sony đã tăng gần 18% trong tháng qua, vượt qua các công ty giải trí lớn như Disney và Netflix.
Tính từ khi dịch chuyển sang mảng giải trí từ năm 2013, giá cổ phiếu của Sony đã tăng hơn 10 lần.
Bỏ tivi đi làm game
Sony Group, công ty lớn thứ ba của Nhật Bản theo giá trị thị trường, đã tự cứu mình khỏi số phận tương tự như Toshiba, Sharp hay Panasonic bằng cách đổi mới hoạt động kinh doanh sang tập trung vào trò chơi điện tử.
Chuyên gia Joost van Dreunen của trường NYU Stern nhận định bên cạnh việc phát triển máy chơi game, Sony còn mở rộng nghiệp vụ bằng các cuộc mua lại, sáp nhập. Ví dụ hãng đã mua lại công ty Anime Crunchyroll vào năm 2021, sau đó mua lại công ty trò chơi điện tử Mỹ Bungie vào năm 2022 với giá 3,6 tỷ USD.
Ngoài Sony Interactive Entertainment chuyên sản xuất máy chơi game PlayStation, tập đoàn khổng lồ Sony Group còn bao gồm Sony Pictures, vốn sản xuất các bộ phim như loạt phim Người Nhện, và Sony Music trong mảng âm nhạc, vốn là chủ sở hữu của Columbia Records.
Theo chuyên gia Joost van Dreunen, Sony đang bành trướng và đa dạng hóa các nội dung giải trí của mình, chuyển mình mạnh mẽ từ một thương hiệu điện tử gia dụng thành tập đoàn giải trí.
Chiến lược tận dụng sở hữu trí tuệ trên khắp các thương hiệu của mình đã trở nên rõ ràng tại Lễ trao giải Emmy lần thứ 75 vào tháng 1/2024 khi loạt phim truyền hình “The Last of Us” giành được 8 giải thưởng.
Đây là lần đầu tiên một chương trình truyền hình chuyển thể từ trò chơi điện tử được cân nhắc lớn tại lễ trao giải của Hollywood.
Việc không có hệ thống phát trực tuyến riêng như Netflix, Disney và Amazon khiến Sony chỉ còn nhắm vào doanh thu cấp phép sở hữu trí tuệ và nội dung gốc để cạnh tranh với các gã khổng lồ khác.
Giám đốc truyền thông Robert Lawson của Sony Group cho biết kể từ năm 2018, khi công ty mua lại EMI publishing, đưa Sony Music trở thành nhà xuất bản âm nhạc lớn nhất thế giới thì Sony đã đầu tư khoảng 1,5 nghìn tỷ Yên vào bản quyền nội dung trên nhiều doanh nghiệp giải trí khác nhau.
“Sony đã chuyển hướng chiến lược theo hướng tăng cường tài sản sáng tạo, giải trí và bản quyền sở hữu trí tuệ”, giám đốc Lawson nói.
Trong năm tài chính gần nhất kết thúc vào tháng 3/2024, mảng kinh doanh giải trí của Sony, bao gồm âm nhạc, phim ảnh và trò chơi, chiếm 60% tổng doanh thu. Con số này gấp đôi so với một thập kỷ trước, khi mảng kinh doanh giải trí chỉ chiếm 30% tổng doanh thu.
Nhọc nhằn 78 năm
Việc Sony đi làm game hiện nay hoàn toàn trái ngược với những gì nhà sáng lập tập đoàn này từng hướng tới.
Hai nhà sáng lập Akio Morita và Masaru Ibuka đã thành lập nên Tokyo Telecommunications Engineering Corporation, tiền thân của Sony vào năm 1946. Công ty này phát hành đĩa băng từ đầu tiên của Nhật Bản vào năm 1950 và đến năm 1958 đã đổi tên thành Sony Corporation.
Vào những năm 1960, Sony đã thành lập doanh nghiệp của mình tại Mỹ. Trong ba thập kỷ tiếp theo, công ty Nhật Bản này nổi lên như một cái tên quen thuộc trong ngành điện tử tiêu dùng, sản xuất các thiết bị mang tính biểu tượng từ tivi màu Trinitron năm 1968 đến máy nghe băng cassette Walkman năm 1979, máy nghe CD đầu tiên trên thế giới năm 1982, ngoài ra còn có nhiều máy ảnh và máy ghi video.
Sony cũng tham gia vào lĩnh vực âm nhạc từ thập niên 1960 thông qua một liên doanh với CBS, sau đó trở thành Sony Music Entertainment vào năm 1991. Tuy nhiên, tập đoàn này khi đó vẫn chủ yếu được biết đến với các thiết bị điện tử gia dụng.
Thập niên 1990 là thời kỳ đỉnh cao của Sony khi hãng này đột phá vào thị trường máy chơi game. Với việc phát hành PlayStation vào năm 1994, Sony đã làm đảo lộn ngành công nghiệp trò chơi điện từ.
Kể từ đó, Sony đã trở thành một thương hiệu thống lĩnh trong ngành kinh doanh máy chơi game điện tử với các phiên bản PlayStation. Dữ liệu của Ampere Analysis cho thấy vào năm 2020, sản phẩm PlayStation 5 mới phát hành của Sony liên tục bán chạy hơn các đối thủ cạnh tranh chính như Xbox Series X của Microsoft và Switch của Nintendo.
Chính mảng phát triển game này đã cứu Sony một bàn thua trông thấy khi ngành điện tử gia dụng suy tàn.
Ngành tivi-vốn từng làm nên tên tuổi Nhật Bản như Sony, Sharp nhưng những thương hiệu này lại không chuyển đổi thành công sang dạng tivi màn hình phẳng, không bắt kịp xu thế vì sự bảo thủ.
Hậu quả là cuộc cách mạng màn hình phẳng khiến LG và Samsung của Hàn Quốc trỗi dậy.
“Đã từng có thời điểm ai cũng có đồ Sony trong nhà, nhưng giờ đây chẳng ai nhìn thấy lại hình ảnh đó một lần nào nữa”, chuyên gia phân tích Tony Costa của Forrester Research nhận định.
Trong bối cảnh đó, sự thay đổi là điều tất yếu và Sony có vẻ đã thành công hơn so với những ông lớn cùng ngành.
Vào tháng 11/2024, Sony công bố mức tăng 69% lợi nhuận ròng theo quý, một phần là nhờ vào phân khúc trò chơi của mình.
Nguồn tin của CNN cho hay Sony hiện đang đàm phán để mua lại Kadokawa, một công ty trò chơi điện tử lớn của Nhật Bản sản xuất trò chơi điện tử nổi tiếng “Elden Ring”.
Tại hội nghị cổ đông thường niên của Sony vào tháng 5/2024, Tổng giám đốc điều hành Kenichiro Yoshida cho biết công ty đang theo đuổi “tầm nhìn giải trí sáng tạo”, cho thấy sự chuyển mình hoàn toàn của tập đoàn Nhật Bản.
“Tôi cho rằng Sony đã trải qua một vài năm khó khăn thực sự nhưng đã vượt qua được nhờ mảng làm game”, chuyên gia Thong tại Macquarie cho hay.
Từ game sang điện ảnh
Trong số những mảng giải trí mạnh nhất của Sony thì hoạt hình (Anime) được đánh giá là chủ chốt bởi đây không chỉ là miếng bánh béo bở tại Nhật Bản mà còn đang dần bùng nổ mạnh trên khắp thế giới nhờ Internet và toàn cầu hóa.
Chuyên gia Joost van Dreunen cho biết trước đây nhu cầu chuyển thể trò chơi điện tử thành phim và truyền hình không cao. Tuy nhiên, chiến thắng của “The Last of Us” cho thấy Sony có cơ hội đưa nhiều tác phẩm trò chơi, truyện tranh hơn lên màn ảnh rộng.
Trước “The Last of Us”, Sony cũng đã thử sức với việc chuyển thể trò chơi điện tử với “Uncharted”, một bộ phim năm 2022 có sự tham gia của nam diễn viên Tom Holland dựa trên một loạt trò chơi điện tử được Sony phát hành lần đầu tiên vào năm 2007.
Ngoài ra, Sony đang có kế hoạch chuyển thể loạt trò chơi điện tử “God of War”, được phát hành lần đầu tiên vào năm 2005, lên màn ảnh rộng vào năm tới.
Năm 2020, Sony đã mua lại dịch vụ streaming hoạt hình Crunchyroll từ AT&T với giá 1,2 tỷ USD và hiện kênh này đã có 10 triệu lượt đăng ký. Mục tiêu của Sony là xây dựng một đế chế kinh doanh hoạt hình lớn nhất thế giới.
Bởi vậy tập đoàn công nghệ Nhật Bản này đã đi một nước cờ táo bạo khi phân phối các sản phẩm phim hoạt hình của mình cho cả những nền tảng streaming trực tuyến đối thủ của Crunchyroll để tối đa hóa lợi nhuận.
“Nếu xét về quyền phân phối các bộ phim anime thì Sony đang sở hữu bản quyền. Họ đang đi những nước cực kỳ đúng đắn trong ngành game, hoạt hình và cả phim ảnh nữa. Sony giờ đây là tập đoàn giải trí chứ chẳng phải công nghệ nữa rồi”, chuyên gia phân tích Atul Goyal của Jefferies thừa nhận.
Số liệu mới nhất cho thấy tổng giá trị thị trường toàn cầu của ngành hoạt hình Nhật Bản đã đạt kỷ lục 2,7 nghìn tỷ Yên, tương đương 20 tỷ USD trong năm 2021.
Các ước tính của hãng SkyQuest Technology Consulting và nhiều chuyên gia phân tích của Sony cho thấy thị trường anime toàn cầu đang tăng trưởng 10%/năm và có thể đạt 47,14 tỷ USD vào năm 2028.
Mặc dù Sony vẫn đang kinh doanh sản phẩm điện tử như cảm biến hình ảnh hợp tác với các công ty như Apple hoặc sản xuất máy ảnh cao cấp. Tuy nhiên, các chuyên gia đều đồng ý tập đoàn 78 năm này đã từ bỏ vị thế là một công ty điện tử tiêu dùng đại chúng trước đây.
Thậm chí trong năm 2025, Sony còn có ý định tách riêng các mảng kinh doanh để dồn nguồn lực tăng gấp đôi dịch vụ giải trí, trò chơi điện tử đang kiếm nhiều lợi nhuận về cho hãng.
*Nguồn: CNN