Việt Nam làm chủ công nghệ radar “bắt máy bay tàng hình”
Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024 tổ chức tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, từ ngày 19-23/12/2024, Tổng công ty công nghiệp – viễn thông quân đội (Viettel) đã giới thiệu mẫu radar thụ động “bắt máy bay tàng hình”, bên cạnh nhiều loại khí tài công nghệ cao khác.
Các hệ thống radar do Viettel nghiên cứu, thiết kế và chế tạo luôn được ứng dụng những công nghệ mới nhất và có tính cơ động cao, cho thấy nỗ lực phát triển và làm chủ vũ khí của tập đoàn này nói riêng, cũng như ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam nói chung.
Đáng lưu ý, đây không phải lần đầu tiên quốc phòng Việt Nam thu hút sự chú ý với các loại radar chống máy bay tàng hình.
Trước đó, hãng tin Sputnik (Nga) có loạt bài viết bình luận về khả năng chế tạo radar “bắt máy bay tàng hình” của Việt Nam cho biết, từ năm 2018, quân đội Việt Nam đã cho thấy rõ rệt khả năng làm chủ công nghệ radar chống tàng hình và radar cảnh giới.
Trước đó 1 năm, nhiều dự án nghiên cứu, chế tạo khí tài của Việt Nam đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm để tiến tới triển khai, gây bất ngờ với “năng lực kỹ thuật hàng không quân sự đáng nể”.
Nổi bật trong số các loại radar chống tàng hình của Việt Nam có thể kể tới radar RV-02 do Việt Nam chủ động hoàn toàn về công nghệ thiết kế, chế tạo, gia công ở tất cả các khâu. Đây là sản phẩm dựa trên nền tảng radar RV-01 hợp tác thiết kế với Belarus.
Để đảm bảo tính cơ động, RV-02 tích hợp trên 2 xe thiết bị được thiết kế riêng. Trong đó, trừ khung gầm xe cơ sở và một số cụm thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài, các thành phần còn lại do Viện Kỹ thuật Quân sự Phòng không – Không quân phối hợp cùng các đơn vị khác chủ động thiết kế – chế tạo.
Với giàn anten có chiều dài 21,6m mang 28 chấn tử được gia công bằng công nghệ tiên tiến, RV-02 đã khắc phục được những hạn chế của RV-01, mang tới nhiều đột phá về tính năng kỹ chiến thuật, cho phép phát hiện mục tiêu ở cự ly cách xa tới vài trăm km trên mọi điều kiện địa hình và thời tiết khác nhau.
Một cải tiến quan trọng của RV-02 là có các vị trí được cố định trên giàn để lắp đặt cáp quang truyền sóng, cho phép quá trình truyền tín hiệu diễn ra nhanh chóng hơn, cũng như chính xác hơn nhiều so với các đài radar cũ trang bị hệ thống dây cáp cao tần.
Đặc biệt, quá trình phát – thu sóng được tối ưu hóa trên RV-02 với 28 kênh xử lý số, tương đương 28 chấn tử anten, cùng 28 khối thu-phát được thiết kế theo tiêu chuẩn.
Giàn anten của RV-02 có trọng lượng xấp xỉ 18 tấn được đặt trên bệ radar dạng xoay và vững chắc. Chiều cao 11m tính từ mặt đất giúp đảm bảo khả năng bám bắt tốt nhất các mục tiêu đường không trong phạm vi hàng trăm km.
Theo báo Phòng không – Không quân, nhờ trang bị hệ thống thủy lực điều khiển tự động, RV-02 có thời gian triển khai – thu hồi chỉ khoảng 10-15 phút, thấp hơn nhiều so với thời gian tương ứng trên các đài radar cũ (45 phút – 1 giờ).
Bài viết trên báo Phòng Không – Không quân số ra kỳ 2 tháng 1/2018 cho biết, radar RV-02 do Việt Nam chế tạo đã được đưa vào biên chế của Trạm radar 61, Trung đoàn 291 – Đoàn radar Ba Bể để canh giữ vùng trời Đông Bắc.
Theo tạp chí Army Recognition (Bỉ), Triển lãm – Hội chợ Việt Bắc 2019 được tổ chức tại Thái Nguyên từ ngày 20-26/12/2019 nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã giới thiệu các trang thiết bị quân sự mới nhất gây ấn tượng mạnh, trong đó có radar RV-02.
Hai lợi thế lớn của Việt Nam
Theo Sputnik, điều gây ngạc nhiên nhất là radar RV-02 gần như “Made in Vietnam” 100%, do những đơn vị đầu ngành về cơ khí – chế tạo và phần mềm điều khiển – tự động của Việt Nam thực hiện.
Việc tự chủ gần như hoàn toàn đối với công tác chế tạo radar hiện đại này mang tới cho Việt Nam 2 lợi thế lớn. Đầu tiên, Việt Nam sẽ không phải phụ thuộc nhiều vào đối tác nước ngoài trong công nghệ chế tạo, có thể đảm bảo tính bí mật trong thông số kỹ thuật của khí tài nội địa.
Thứ hai, với việc Việt Nam tự chủ từ công nghệ tới chế tạo, giá thành sản xuất các loại radar như RV-02 sẽ hợp lý hơn so với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo trang tin quân sự Jane’s (Anh), với RV-02 và mạng lưới radar hiện đại đang sở hữu, Việt Nam hoàn toàn có thể phát hiện tốt các loại máy bay tàng hình.
“Có thể nói radar RV của Việt Nam có khả năng phát hiện các loại máy bay tàng hình tiên tiến từ khoảng cách lên tới trên 100km” – Tạp chí Jane’s bình luận, đồng thời đánh giá cao việc hệ thống của Việt Nam có thể đảm bảo ít tiêu thụ điện năng và hoạt động liên tục được trong nhiều giờ.
Trong khi đó, trang mạng Sina (Trung Quốc) nhận định, radar RV-02 có khả năng cơ động rất lớn nhờ được đặt trên khung gầm xe tải việt dã và có thời gian triển khai – thu hồi nhanh.
Theo Sina, đài radar Vostok (nguyên mẫu của RV-02) có thể phát hiện được tiêm kích như Su-27 từ cự ly 350km trong môi trường không có nhiễu điện từ, thậm chí theo dõi máy bay F-117A hay B-2 (Mỹ) với khoảng cách tương đương.
Trong trường hợp bị gây nhiễu điện từ mạnh, loại radar này vẫn có thể phát hiện được tiêm kích F/A-18 (Mỹ) từ cự ly 255km, F-117A ở cự ly 57km. Mặc dù mức này đã bị rút ngắn so với môi trường không có nhiễu điện từ nhưng khoảng cách phát hiện mục tiêu của Vostok vẫn đủ để dẫn hướng cho các tổ hợp tên lửa phòng không như S-300 hay Pechora-2TM phóng đạn diệt mục tiêu.