Chiếc SUV trắng lao nhanh từ Sân bay Quốc tế Dallas Fort Worth, bon bon hướng về trung tâm thành phố Dallas. Người lái nó là Bob Arndt, hiện đang làm việc cho Alto – startup cung cấp dịch vụ gọi xe cạnh tranh trực tiếp với Uber.
Sân bay được hệ thống tự động chọn là cả điểm đón lẫn điểm đến và vì vậy, Bob Arndt phải lái xe quay ngược trở lại nơi xuất phát. Đối với một tài xế Uber thông thường, quy trình này khá bất cập, thậm chí ảnh hưởng đến số tiền khách hàng sẽ trả cho mỗi chuyến đi.
Tuy nhiên, với Bob Arndt thì khác. Anh không cảm thấy quá lo lắng bởi thu nhập đêm nay không phụ thuộc vào việc đón và trả khách ở đâu.
Đó là điểm hấp dẫn của Alto, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Dallas được thành lập vào năm 2018. Alto tự quảng cáo mình là phiên bản nâng cấp của Uber hoặc Lyft: an toàn hơn, chất lượng cao hơn; các tài xế cũng được công ty tuyển dụng, đào tạo kỹ lưỡng và nhận lương theo giờ. Điều này trái ngược hoàn toàn so với mô hình gọi xe hiện nay- nơi tài xế phải chịu nhiều trách nhiệm mà không có nhiều phúc lợi.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều các vấn đề xoay quanh bóc lột sức lao động bị lên án, Alto cho rằng cách tiếp cận của mình, theo một cách nào đó, sẽ giúp dịch vụ gọi xe công nghệ trở nên hấp dẫn.
“Chúng tôi có văn hóa riêng và sẽ không bao giờ hành động giống đối thủ. Họ không coi tài xế là những nhân viên cốt lõi. Họ chỉ đơn thuần coi đây là đối tác mà thôi”, Will Coleman, đồng sáng lập 41 tuổi của Alto, nói và cho biết hãng có thể làm nên kỳ tích trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ gọi xe cao cấp và cạnh tranh trực tiếp với Uber.

“Nếu Alto thành công, Uber và Lyft có thể sẽ phải học tập mô hình”, Seth Harris, giáo sư kiêm cựu cố vấn Tổng thống Joe Biden, cho biết.
Ý tưởng thành lập Alto xuất phát từ khi co-founder Coleman còn là đối tác tại công ty tư vấn McKinsey. Ở đây, ông đã dành 1 thập kỷ tư vấn cho các công ty vận tải, hãng hàng không, dịch vụ thuê xe, chuỗi khách sạn và nhận ra mô hình tài xế đã bị phá vỡ. Khách hàng không nhận lại được những trải nghiệm nhất quán, tài xế không có thu nhập ổn định, trong khi điều kiện giao thông luôn trong trạng thái tắc nghẽn.
Tại Alto, startup này nỗ lực truyền tải thông điệp về một dịch vụ chất lượng cao. Các tài xế sẽ mặc đồng phục, chủ động mở cửa xe và đưa nước mời khách. Họ cũng sẽ được trả lương theo giờ nên không ngại chờ đợi.
Đổi lại, chuyến đi kéo dài 32 phút từ sân bay về trung tâm thành phố Dallas của anh Bob Arndt sẽ có giá 81 USD; trong khi Uber chỉ tính phí bằng 1 nửa. Khách hàng Alto có thể mua gói đăng ký 13 USD/tháng để tiết kiệm 30% cho mỗi chuyến đi.
Alto theo dõi tài xế từ xa từ các trung tâm điều khiển. Hãng cũng để tâm đến chuyển động mắt để kết luận xem họ có đang bị phân tâm hay không, từ đó giữ an toàn cho hành khách.
Ngoài ra, phía Alto cũng chủ động giúp tài xế tránh các khu vực đang đông đúc phương tiện hoặc tắc nghẽn. Theo Jonathan Campos, giám đốc công nghệ Alto, đây chính là lợi thế lớn so với Uber và Lyft.
Được biết mới đây, để đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ sang xe điện, Alto đã nỗ lực xây dựng các trung tâm sạc nhiên liệu cho đội xe tương lai tại tất cả các thành phố đang hoạt động. Startup này đang hợp tác với công ty dịch vụ sạc theo yêu cầu L-Charge để đẩy nhanh quá trình.

“Sau cùng, khách hàng sẽ sẵn sàng gọi Alto và đợi 10 phút để có một trải nghiệm an toàn, chất lượng hơn thay vì mong đợi thời gian chờ rút gọn còn 3 phút”, co-founder Alto giải thích.
Theo Forbes, công ty có trụ sở tại Dallas, Texas cung cấp điện thông qua các đơn vị được vận chuyển trên xe kéo nhỏ gọn. Các đơn vị này chủ yếu được cung cấp năng lượng bởi khí đốt tự nhiên, theo Tổng giám đốc điều hành L-Charge, Dmitri Lashin.
Lashin cho biết mục tiêu là đưa điện đến nơi cần nó một cách nhanh chóng và tiết kiệm khi khách hàng không đủ khả năng tự xây dựng trạm sạc. “Không chỉ ở Mỹ hay Châu Âu, mà ở khắp mọi nơi”, Lashin nói trong một cuộc phỏng vấn. “Lưới điện hiện tại chưa sẵn sàng để duy trì xe điện”.
Đối với Alto, nhu cầu cấp thiết phải duy trì đội xe đi chung EV là rất lớn. Công ty hiện có 350 chiếc xe điện tại Dallas, Houston, Texas và Los Angeles.
“Chúng tôi cần có hệ thống sạc chuyên dụng riêng bởi việc xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ mất rất nhiều năm”, đồng sáng lập Coleman nói.
Theo mô hình CaaS của L-Charge, khách hàng doanh nghiệp chỉ trả tiền điện, hiện tại là 35 xu cho mỗi kilowatt-giờ tại Mỹ. “Đây thực sự là một cách để đơn giản hóa quá trình điện khí hóa đội xe”, theo Greg Fields, phó chủ tịch bán hàng của L-Charge.
Theo: The New York Times, TechCrunch