Liên minh cầm quyền tại Đức tan vỡ
Khủng hoảng chính trị tại Đức diễn ra vào lúc Liên minh châu Âu đang phải tìm cách củng cố vị thế nhằm chuẩn bị cho quan hệ sắp tới không dễ dàng với Mỹ.
Quan điểm xây dựng ngân sách cho năm 2025 quá khác biệt là nguyên nhân làm cho liên minh 3 đảng tại Đức tan vỡ. Đảng Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz muốn dùng 15 tỷ Euro công quỹ hỗ trợ công nghiệp Đức vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính là người của đảng Dân chủ tự do lại muốn giảm thuế cho doanh nghiệp, đồng thời cắt giảm phúc lợi xã hội. Mâu thuẫn âm ỉ đã diễn ra từ vài tháng nay.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu: “Tôi vừa đề nghị Tổng thống bãi nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tôi buộc phải làm như vậy nhằm hạn chế thiệt hại cho đất nước. Chúng ta cần một chính phủ hiệu quả, có đủ sức mạnh để đưa ra những quyết định cần thiết. Đó là điều tôi trăn trở suốt 3 năm qua và đó vẫn điều quan trọng đối với tôi trong lúc này”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Liên bang Đức Christian Lindner là Chủ tịch đảng Dân chủ tự do. Sau khi ông bị bãi nhiệm, các Bộ trưởng từ đảng Dân chủ tự do cũng đồng loạt từ chức, đảng Dân chủ tự do rời bỏ chính phủ. Sáng 7/11, Thủ tướng Đức đã bổ nhiệm các bộ trưởng mới thay cho những người vừa ra đi.
Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố: “Trong kỳ họp Quốc hội đầu năm mới, tôi sẽ kêu gọi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ vào ngày 15/1. Quốc hội sẽ quyết định – vẫn sẽ đặt niềm tin vào chúng tôi hoặc là tổ chức bầu cử sớm. Nếu bầu cử sớm, thời điểm muộn nhất sẽ là cuối tháng 3 năm sau, theo quy định của Hiến pháp”.
Ông Olaf Scholz tiếp tục là Thủ tướng của một liên minh giữa đảng Xã hội trung tả và đảng Xanh – một liên minh còn thiếu tới 42 ghế quốc hội mới đủ đa số, chuyện chưa từng có ở Đức từ 40 năm nay.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Liên bang Đức Christian Lindner (Ảnh: The Guardian)
Bà Jassmin Riedl – Giáo sư chính trị học tại Đại học Munich – nói: “Nếu bầu cử sớm, nước Đức có thể sẽ có một chính phủ mới do đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu dẫn dắt. Nhưng bầu cử sớm cũng sẽ có lợi cho đảng dân túy cánh tả và cả đảng cực hữu. Điều đó sẽ có tác động bất lợi cho vị thế của nước Đức trong Liên minh châu Âu”.
Thế bế tắc của Chính phủ Đức diễn ra khi một chính phủ thiểu số khó có thể đưa ra những chính sách mạnh mẽ mà lại được Quốc hội đồng thuận. Thế bế tắc này xảy ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang cần một đường hướng rõ ràng trong quan hệ với Mỹ. Quan hệ EU – Mỹ sẽ trở nên phức tạp trong vài tháng tới, trong lúc kinh tế suy giảm và tình hình ở Ukraine sát cạnh vẫn chưa tìm ra giải pháp.
Biến động chính trị tại Đức – Dấu hiệu xấu đối với EU
Kế hoạch của Thủ tướng Đức là hỗ trợ ngành công nghiệp, thúc đẩy năng lượng tái tạo, dùng ưu đãi thuế để cải tổ thị trường lao động. Trong ngắn hạn, ông Scholz dự kiến giảm thuế điện và tăng trợ cấp tiền điện cho các hộ gia đình gặp khó. Đối với Liên minh châu Âu, Thủ tướng Đức mong muốn giảm thủ tục đối với doanh nghiệp, đồng thời tăng các hiệp định thương mại tự do, giảm thuế xuất nhập khẩu.
Để có thể theo đuổi kế hoạch đó, nước Đức cần khoảng 100 tỷ Euro, tức là làm cho nợ công của Đức tăng thêm, thậm chí tăng vượt mức mà Quốc hội cho phép, trong khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Liên bang vừa bị bãi nhiệm kiên quyết theo đuổi kỷ luật ngân sách, hạn chế nợ công. Nợ công đã là nguyên nhân chính làm đổ vỡ liên minh cầm quyền.
Bế tắc chính trị tại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu là một dấu hiệu xấu. Thực tế này đặt ra câu hỏi: Liên minh châu Âu sẽ tìm đâu ra động lực mới trong lúc kinh tế suy trầm để đối phó với chính sách thương mại biệt lập mà Mỹ chắc chắn sẽ theo đuổi từ đầu năm 2025.
Pháp và Đức đã nhất trí “hướng tới một châu Âu đoàn kết hơn, mạnh mẽ hơn và có chủ quyền hơn trong bối cảnh mới”. Tuy nhiên, để có thể hành động, Chính phủ Đức phải đủ mạnh, chứ không phải là một chính phủ thiểu số. Chính phủ Đức giờ đây khó có thể đưa ra những cam kết lâu dài. Các thăm dò cũng cho thấy uy tín của 2 đảng còn lại trong Chính phủ Đức đã bj suy yếu nhiều, khó có thể trụ lại nếu như bầu cử diễn ra ngay vào lúc này.
Trước sự sụp đổ của chính phủ, người đứng đầu Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo đã kêu gọi Chính phủ Đức cần tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào tuần tới, thay vì vào năm 2025, đồng thời cảnh báo rằng Đức không thể để tình trạng bất ổn kéo dài trong khi phải đối mặt với suy thoái kinh tế, cơ sở hạ tầng đang xuống cấp và quân đội chưa sẵn sàng cho những thách thức hiện tại. Giới phân tích cho rằng cuộc bầu cử mới có thể phần nào giúp Đức vượt qua bế tắc, khôi phục sự lãnh đạo và định hướng chính sách sau này.