Doanh nghiệp Trung Quốc né thuế châu Âu
Khi Liên minh châu Âu (EU) áp thuế cao đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc vào năm ngoái, BYD cùng các hãng ô tô Trung Quốc khác tưởng như sẽ chịu một đòn nặng.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc chuyển sang xuất khẩu xe hybrid hoặc xe chạy xăng – những loại được miễn thuế. Đồng thời, họ nhập khẩu các mẫu xe giá rẻ hơn và tập trung vào các thị trường như Ý và Tây Ban Nha, nơi các hãng ô tô Đức và Pháp không thống lĩnh như ở Bắc Âu.
Dù một số công ty bị áp thuế lên tới 35%, dữ liệu đăng ký từ công ty nghiên cứu JATO Dynamics cho thấy các thương hiệu Trung Quốc đã tăng gấp đôi thị phần ô tô tại châu Âu trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự linh hoạt và năng lực sản xuất của BYD, Geely, Chery, SAIC cùng các nhà sản xuất khác.
Pier Giacomo Capella, tổng giám đốc chuỗi đại lý ô tô Ý phân phối dòng xe mang thương hiệu DR (do Chery sản xuất), nhận xét: “Những công ty lớn của Trung Quốc này có thể làm bất cứ điều gì họ muốn”.

Một chiếc xe hybrid do Chery Automobile Co. của Trung Quốc sản xuất tại một phòng trưng bày ở Rome. Ảnh: NYT
Capella – người cũng phân phối xe Đức như Porsche và Audi – cho biết một số hãng xe Trung Quốc chỉ mất sáu tháng để thiết kế và sản xuất một mẫu xe mới, trong khi người Đức cần ít nhất hai năm.
Tại phòng trưng bày của ông ở Rome, các mẫu xe DR được bày bán bao gồm chiếc SUV chạy dầu diesel ICH-X K2, trông gần giống Jeep Wrangler bốn cửa nhưng rẻ hơn 10.000 USD, với giá 51.500 euro.
Theo dữ liệu từ JATO, các thương hiệu ô tô Trung Quốc chiếm 4,9% thị phần xe mới tại EU trong tháng 4, tương đương 53.000 xe, tăng từ mức 2,4% cùng kỳ năm ngoái.
Ngay cả trong phân khúc xe điện, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng xoay chuyển tình thế. Sau giai đoạn suy giảm ban đầu, doanh số xe điện của BYD và các hãng Trung Quốc khác đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 4, tăng 59% trong khi các nhà sản xuất khác chỉ tăng 26%, theo JATO.
Tại châu Âu – nơi xe điện là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất, theo dữ liệu từ Schmidt Automotive Research – cứ năm xe điện bán ra trong quý đầu năm thì có một chiếc được sản xuất tại Trung Quốc.
Đáng chú ý, phần lớn sự tăng trưởng của các hãng xe Trung Quốc đến từ sự sụt giảm doanh số của Tesla. Một phần nguyên nhân là người tiêu dùng châu Âu không hài lòng với hành vi của CEO Elon Musk – người ủng hộ các đảng cực hữu ở Đức, Pháp và Anh.
Tháng 4, BYD lần đầu vượt Tesla về doanh số xe điện tại châu Âu, dù chênh lệch không lớn: 7.331 xe điện BYD được đăng ký, so với 7.165 xe của Tesla. Việc ra mắt phiên bản nâng cấp của Model Y – mẫu xe bán chạy nhất của Tesla – vẫn chưa thể đảo ngược xu hướng sụt giảm này.
Sự trỗi dậy của xe Trung Quốc ở châu Âu
Việc EU áp thuế cao với xe điện Trung Quốc dẫn đến một hệ quả không mong muốn là các mức thuế này lại thúc đẩy việc bán xe chạy xăng của Trung Quốc tại châu Âu – đi ngược nỗ lực của EU nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Schmidt Automotive, trong quý đầu năm nay, chỉ khoảng một phần ba số xe Trung Quốc bán tại châu Âu là xe điện. Phần còn lại là xe hybrid hoặc xe chạy xăng – đều được miễn thuế.
Matthias Schmidt, chủ sở hữu Schmidt Automotive, gọi đây là “một trong những nghịch lý” của thuế quan.
Mức thuế cụ thể như sau: xe Tesla sản xuất tại Thượng Hải chịu thuế 8%, SAIC (chủ sở hữu thương hiệu MG) chịu thuế 35%, còn xe điện của BYD bị đánh thuế 17%. Các mức thuế này cộng thêm vào thuế nhập khẩu 10% áp dụng cho tất cả xe vào EU.
Dù nổi tiếng với xe điện, các nhà sản xuất Trung Quốc sẵn sàng cung cấp bất kỳ loại xe nào thị trường cần, theo phản ánh từ các đại lý. Điều này giúp họ thu hút người mua tại những nơi như Ý, nơi xe điện còn khó phổ biến do thiếu trạm sạc.
Gabriele Gabrieli, giám đốc thương mại đại lý Leonori ở Rome – vốn bán xe của Stellantis như Peugeot và Citroën – đã mở thêm phòng trưng bày BYD năm ngoái. Ông cho biết khoảng hai phần ba số xe BYD ông bán là xe hybrid.
“Thật khó để sở hữu một chiếc xe điện ở Rome,” ông nói.
Châu Âu vốn là thị trường khó khăn với các nhà sản xuất nước ngoài. Ở Đức và Pháp – hai thị trường lớn nhất – người mua có xu hướng ủng hộ các thương hiệu nội địa như Volkswagen, Renault và Peugeot.
Volkswagen (cũng sản xuất Audi, Skoda, Seat) chiếm 28% doanh số xe mới tại EU. Stellantis (sở hữu Peugeot, Citroën, Opel) chiếm 16%.
Theo Schmidt Automotive, ba nước Ý, Tây Ban Nha và Anh chiếm hai phần ba số xe Trung Quốc bán tại châu Âu trong quý đầu năm. Anh – không thuộc EU – không áp thuế bổ sung với xe Trung Quốc. Fiat không còn giữ được lòng trung thành của người mua Ý như trước. Còn Tây Ban Nha và Anh không có hãng xe nội địa lớn để cạnh tranh.
Các hãng xe Trung Quốc đang mở rộng thị phần nhanh hơn nhiều so với các đối thủ nước ngoài lâu đời như Hyundai và Toyota – vốn hiện chiếm khoảng 8% số xe mới đăng ký tại EU vào tháng 4, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu.
Thị phần của Ford tại châu Âu đã giảm còn 3%, còn General Motors gần như không đáng kể, chỉ bán một lượng nhỏ xe điện Cadillac tại một số thị trường.
BYD dự kiến sẽ gia tăng doanh số mạnh vào năm tới, khi bắt đầu sản xuất xe tại Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ – những nơi không bị đánh thuế của EU.
Felipe Munoz, chuyên gia phân tích ô tô toàn cầu tại JATO, nhận định: “Khi họ bắt đầu sản xuất ở Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, bạn thậm chí không thể tưởng tượng nổi họ sẽ phát triển nhanh đến mức nào”.
Fabrizio Trentino – một khách hàng gần đây ghé thăm phòng trưng bày BYD của Gabrieli – đang tìm xe để nộp đơn xin làm tài xế taxi ở Rome. Anh quan tâm đến xe điện BYD.
“Trông có vẻ ổn,” anh nhận xét, cho rằng xe điện giúp tiết kiệm chi phí dài hạn do không cần thay dầu và điện thường rẻ hơn xăng.
Tuy nhiên, sau đó Trentino cho biết qua email rằng chi phí trả trước của xe điện vượt quá khả năng tài chính của anh.
“Có lẽ lần sau, khi có điều kiện hơn, tôi sẽ mua xe BYD – hy vọng khi đó giá sẽ rẻ hơn,” anh nói.
(Theo NYT)