spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhTiền mặt vẫn chiếm thế "thượng phong" tại Eurozone

Tiền mặt vẫn chiếm thế "thượng phong" tại Eurozone

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa công bố báo cáo khảo sát cho thấy, người tiêu dùng tại Eurozone vẫn ưu tiên và giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt.

Sự quan tâm tới tiền kỹ thuật số càng tăng cao

Nghiên cứu này được thực hiện trong bối cảnh tiền kỹ thuật số ngày càng phổ biến bất chấp các biến động mạnh và những tranh cãi lớn, chẳng hạn như vụ sụp đổ của nền tảng giao dịch FTX.

Theo khảo sát của ECB tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), 9% số người được hỏi sở hữu tiền kỹ thuật số như Bitcoin hoặc Ether, tăng mạnh so với con số 4% vào năm 2022.

Thực tế cho thấy, sự quan tâm của người dân trong khu vực Eurozone đối với tiền kỹ thuật số càng tăng cao, nhất là sau khi đồng Bitcoin vượt ngưỡng 100.000 USD vào đầu tháng 12 vừa qua. Mức tăng đột phá này diễn ra sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, khi ông cam kết đưa Mỹ thành “thủ phủ của Bitcoin và tiền mã hóa toàn cầu.”

Tuy nhiên, ECB vẫn giữ thái độ chỉ trích đối với tiền kỹ thuật số và cho rằng đây không phải là phương tiện thanh toán đáng tin cậy.

Chiến lược gia trưởng của Quỹ giao dịch vàng hàng đầu thế giới State Street Global Advisors mới đây cảnh báo, đà tăng giá của bitcoin đang tạo ra một cảm giác an toàn giả tạo cho các nhà đầu tư. Tiền điện tử không mang lại sự ổn định dài hạn.

Theo thống kê của ECB, trong số 20 quốc gia thuộc Eurozone, có tới 13 quốc gia ghi nhận tỷ lệ sở hữu tiền kỹ thuật số vượt 10%, dẫn đầu là Slovenia với 15%, tiếp theo là Hy Lạp với 14%. Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, chỉ 6% người tiêu dùng tham gia khảo sát sở hữu tiền mã hóa, trong khi tiền mặt vẫn được ưa chuộng đáng kể.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của ECB cũng cho thấy người thuộc độ tuổi 25-39 là nhóm sở hữu tiền kỹ thuật số cao nhất, tiếp theo là nhóm 18-24 tuổi.

Đáng chú ý, ECB cũng ghi nhận xu hướng rõ ràng rằng phần lớn người dùng chọn tiền kỹ thuật số như một phương tiện đầu tư, thay vì sử dụng để thanh toán. Ví như tại Hà Lan, 90% số người được hỏi cho biết họ chỉ sử dụng tiền mã hóa để đầu tư, trong khi tỷ lệ này tại Đức là 82%.

Tiền mặt vẫn chiếm thế thượng phong

Người dân khu vực Eurozone sở hữu tiền kỹ thuật số đã tăng hơn gấp đôi trong 2 năm qua, với phần lớn người sử dụng loại tiền này như một kênh đầu tư. Tuy nhiên, dù tiền kỹ thuật số và các phương thức thanh toán hiện đại khác đang tăng trưởng, tiền mặt vẫn chiếm ưu thế về số lượng giao dịch tại Eurozone

Mặc dù tiền kỹ thuật số và các phương thức thanh toán hiện đại khác đang tăng trưởng, tiền mặt vẫn chiếm ưu thế về số lượng giao dịch tại Eurozone, với 52% giao dịch tại điểm bán hàng. Mặc dù tỷ lệ này đã giảm so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức khá cao.

Theo báo cáo của ECB, về giá trị giao dịch, thẻ ngân hàng dẫn đầu với 45%, tiếp theo là tiền mặt và các ứng dụng di động.

Trước đó, nhiều cuộc nghiên cứu của ECB cũng cho thấy, một nghịch lý khá thú vị là trong khi người dân khu vực Eurozone luôn khẳng định thích thanh toán bằng thẻ hơn, thế nhưng thực tế họ lại dùng tiền mặt nhiều hơn trong hầu hết các lần giao dịch mua hàng.

Nhiều nhà phân tích từng dự báo, tiền mặt chẳng mấy mà bị thay thế bởi các phương tiện thanh toán phi tiền mặt khác tại châu Âu. Trên thực tế, nhiều người khi được hỏi về hình thức thanh toán ưa thích, phần lớn người trả lời lại chọn thẻ chứ không phải tiền mặt. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát lại cho thấy, họ dùng nhiều tiền mặt hơn các hình thức khác.

Tjheo các chuyên gia, sự mâu thuẫn này có thể được lý giải là do gần 2/3 số giao dịch chỉ có giá trị dưới 15 euro như mua cà phê, xổ số…và thường được người mua trả bằng tiền mặt. Những món hàng thường nhật, giá trị thanh toán nhỏ như vậy thường không lưu lại trong tâm trí người tiêu dùng. 

Người tiêu dùng châu Âu chi tiêu dè dặt dịp cuối năm

Ở một diễn biến khác, trong khác khảo sát gần đây cũng cho thấy, sự phục hồi kinh tế chậm chạp và niềm tin tiêu dùng giảm sút tại châu Âu là lý do khiến người dân ở nhiều nước Eurozone chi tiêu tiết kiệm hơn trong mùa mua sắm Giáng sinh 2024.

Các báo cáo chỉ ra rằng, các kỳ nghỉ năm nay trên khắp châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về kinh tế của người tiêu dùng, tác động trực tiếp đến chi tiêu cuối năm của họ.

Điển hình, báo cáo điều kiện tiêu dùng mới nhất do GfK và Viện Quyết định Thị trường Nuremberg (NIM) vừa công bố cho thấy, tại Đức, niềm tin tiêu dùng dự kiến sẽ giảm từ mức âm 18,4 điểm trong tháng 11 xuống âm 23,3 điểm trong tháng 12/2024. Điều này cho thấy người Đức đang chuẩn bị thắt chặt chi tiêu hơn là thúc đẩy tiêu dùng cá nhân.

Còn theo Viện thống kê quốc gia Pháp INSEE, niềm tin tiêu dùng của hộ gia đình đã giảm xuống còn 90 điểm trong tháng 11, từ mức 93 điểm trong tháng 10, và vẫn ở dưới mức trung bình dài hạn là 100 điểm. Hộ gia đình Pháp dự đoán giá cả sẽ tăng mạnh và tình hình tài chính sẽ xấu đi trong 12 tháng tới.

Tương tự, Slovakia cũng đang chứng kiến sự giảm sút về niềm tin tiêu dùng. Theo văn phòng thống kê của nước này, niềm tin tiêu dùng đã giảm 1,5 điểm xuống mức âm 20,5 điểm vào tháng trước, mức thấp nhất trong 15 tháng…

Dự báo Kinh tế mùa Thu của Ủy ban châu Âu dự kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng trưởng 0,9% trong năm 2024 và 0,8% trong khu vực Eurozone. Trong năm 2025, hoạt động kinh tế dự kiến sẽ tăng tốc lên 1,5% ở EU và 1,3% ở Eurozone.

Các chuyên gia cảnh báo rằng đà phục hồi kinh tế của châu Âu diễn ra chậm do tác động của bất ổn địa chính trị.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật