Xiaomi làm được điều Apple phải bó tay
Kể từ khi đồng sáng lập Xiaomi vào năm 2010, Lôi Quân, Giám đốc điều hành của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, đã liên tiếp tạo nên những kỳ tích bằng khả năng bán hàng bậc thầy của mình.
Một thập kỷ trước, ông ghi tên vào Sách Kỷ lục Guinness Thế giới khi bán được 2,1 triệu chiếc điện thoại thông minh trực tuyến chỉ trong 24 giờ. Thế nhưng ngày nay, thứ ông bán ra không chỉ là những chiếc điện thoại giá rẻ. Tháng trước, Xiaomi đã bán hết hơn 200.000 chiếc SUV điện đầu tiên của hãng, mẫu YU7, chỉ trong vòng ba phút sau khi mở bán.

Đà tăng trưởng của Xiaomi trong vài năm qua thực sự phi mã. Trên toàn cầu, chỉ có Apple và Samsung bán được nhiều smartphone hơn họ. Công ty còn kinh doanh một hệ sinh thái thiết bị khổng lồ có thể kết nối với điện thoại, từ máy điều hòa, robot hút bụi cho đến xe scooter và TV.
Sau giai đoạn sụt giảm vào năm 2022, được cho là do “cuộc cạnh tranh khốc liệt” trên thị trường điện tử tiêu dùng Trung Quốc, Xiaomi đã tăng trưởng trở lại một cách mạnh mẽ với doanh thu năm ngoái tăng 35%. Kể từ đầu năm 2024, giá trị vốn hóa thị trường của công ty đã tăng gần gấp bốn lần, chạm mốc 190 tỷ USD.
Với màn ra mắt thành công của YU7 – mẫu xe điện (EV) thứ hai của hãng sau chiếc sedan thể thao SU7 trình làng vào tháng 3 năm ngoái – Xiaomi đã làm được điều mà ngay cả Apple cũng phải bó tay.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã phải từ bỏ kế hoạch sản xuất xe điện sau khi “đốt” hàng tỷ đô la trong suốt một thập kỷ. Trong khi đó, Xiaomi, sau khi công bố tham vọng xe hơi vào năm 2021, đã đưa hơn 300.000 chiếc EV lăn bánh trên đường phố Trung Quốc chỉ trong 15 tháng qua. Lượng đơn đặt hàng còn lại của hãng hiện đã đủ để sản xuất trong hơn một năm tới.
Dù mảng kinh doanh EV đến nay vẫn thua lỗ, Lôi Quân tin rằng công ty sẽ bắt đầu có lãi vào cuối năm nay – một thành tích đáng nể trong thị trường ô tô cạnh tranh tàn khốc của Trung Quốc.
Giờ đây, Xiaomi đang hướng tầm nhìn ra thế giới. Trong vài năm tới, công ty dự định mở 10.000 cửa hàng ở nước ngoài, một bước nhảy vọt so với con số vài trăm của năm ngoái. Đây sẽ là nơi hãng trưng bày những mẫu xe hơi mới đầy bóng bẩy bên cạnh các sản phẩm điện tử tiêu dùng quen thuộc. Liệu có điều gì cản được đà thăng tiến đáng kinh ngạc này?
Bí quyết Lôi Quân

CEO Lôi Quân của Xiaomi.
Thành công của Xiaomi trong lĩnh vực xe điện một phần đến từ việc có mặt đúng nơi, đúng thời điểm. Trung Quốc hiện là một “bể” nhân tài và nắm giữ nhiều bí quyết sản xuất ô tô, giúp Lôi Quân có thể chiêu mộ những tài năng hàng đầu từ nhiều công ty khác.
Giá cả linh kiện và máy móc cũng đã giảm mạnh do tình trạng dư cung. Hơn nữa, việc xin giấy phép và xây dựng nhà máy ở Trung Quốc cũng nhanh hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác.
Tuy nhiên, công lao của cá nhân Lôi Quân là không thể phủ nhận. Giới thạo tin cho biết, không giống như Tim Cook của Apple, ông trực tiếp nắm quyền điều hành dự án xe hơi của công ty. Thành công này đòi hỏi những thay đổi sâu sắc trong cách vận hành của Xiaomi.
Trước khi lấn sân sang xe điện, Xiaomi không hề sở hữu nhà máy nào mà thuê ngoài toàn bộ việc sản xuất điện thoại và các thiết bị khác, tương tự như Apple. Thế nhưng, công ty đã quyết định tự xây dựng nhà máy EV tại Bắc Kinh và hiện đang tiếp tục mở rộng để đảm bảo quy trình giám sát chất lượng nghiêm ngặt nhất.
Cách tiếp cận này đang được nhân rộng sang các mảng kinh doanh khác: năm ngoái, Xiaomi bắt đầu tự sản xuất smartphone tại một nhà máy khác ở Bắc Kinh và đang xây dựng thêm một nhà máy ở Vũ Hán để sản xuất các thiết bị kết nối khác, mở đầu là máy điều hòa.
Chiến lược marketing của Xiaomi, vốn dựa rất nhiều vào sức hút gần như sùng bái của cá nhân Lôi Quân tại Trung Quốc, cũng là bệ phóng cho việc mở rộng sang lĩnh vực EV, giống như cách mà sự ngưỡng mộ dành cho Steve Jobs đã giúp Apple bán những chiếc iPhone đầu tiên.
Người ta nói rằng Đại học Vũ Hán đã nhận được sự quan tâm tăng vọt chỉ vì Lôi Quân từng theo học tại đây khoảng 30 năm trước. “Mi Fans”, cộng đồng những khách hàng trung thành của Xiaomi, không chỉ sưu tầm các vật phẩm của công ty mà còn luôn săn đón mọi sản phẩm mới.

Xiaomi thậm chí còn duy trì được sức nóng cho dòng xe điện của mình bất chấp một vụ tai nạn thảm khốc vào tháng 3, khi ba sinh viên đại học thiệt mạng trong một chiếc SU7 đang vận hành bằng hệ thống lái tự động.
Vụ việc đã dấy lên làn sóng chỉ trích về tiêu chuẩn an toàn của Xiaomi và khiến cổ phiếu tạm thời sụt giảm, nhưng cũng không thể làm nguội đi nhu cầu dành cho mẫu YU7 khi nó ra mắt ba tháng sau đó.
Một lợi thế khác là Xiaomi sở hữu một tệp khách hàng khổng lồ để có thể giới thiệu các sản phẩm mới. Cuối năm ngoái, công ty công bố có 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên các thiết bị của mình toàn cầu, tăng khoảng 10% so với năm trước.
Nhiều người trong số họ chơi game trên kho ứng dụng của Xiaomi và xem quảng cáo do công ty phân phối (theo hãng môi giới Bernstein, mảng này đóng góp một nửa tổng lợi nhuận của công ty).
Một bộ phận không nhỏ người dùng mua sản phẩm Xiaomi trực tiếp qua ứng dụng của hãng. Công ty đã chứng tỏ khả năng thuyết phục khách hàng nâng cấp lên các dòng điện thoại đắt tiền hơn. Giờ đây, họ chỉ cần một phần nhỏ trong số đó mua xe hơi là đủ để biến dự án này thành một thành công vang dội.
Nhiều khách hàng Trung Quốc của Xiaomi chỉ mới ngoài 20 tuổi khi mua những chiếc smartphone đầu tiên của hãng hơn một thập kỷ trước. Hiện nay, họ đã ở độ tuổi giữa 30, nhóm khách hàng mục tiêu mà các dòng xe điện của Xiaomi đang nhắm tới.
Lôi Quân cũng đang nhìn xa hơn thị trường Trung Quốc. Gần một nửa doanh thu từ smartphone và các thiết bị kết nối của công ty đến từ nước ngoài, chủ yếu là các thị trường đang phát triển như Ấn Độ và Indonesia.

Ông muốn Xiaomi bắt đầu bán xe điện ra nước ngoài từ năm 2027. Dĩ nhiên, những chiếc xe này có thể sẽ không nhận được sự chào đón nồng nhiệt như ở sân nhà, bởi lòng trung thành thương hiệu dành cho Xiaomi ở các thị trường quốc tế chưa cao, và cũng ít người biết đến tên tuổi Lôi Quân.
Điều này lý giải tại sao Xiaomi đang đầu tư mạnh vào việc xây dựng một mạng lưới cửa hàng vật lý rộng lớn ở nước ngoài để nâng cao độ nhận diện.
Song song đó, công ty vẫn tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới. Hãng đã tự phát triển robot hình người CyberOne, và vào tháng 5 vừa qua đã công bố một con chip 3 nanomet tiên tiến do chính mình thiết kế.
Khoảng một nửa nhân sự của Xiaomi làm việc trong bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D), với chi tiêu cho mảng này tăng 26% vào năm ngoái, lên tới 3,4 tỷ USD – cao hơn cả lợi nhuận ròng mà công ty tạo ra. Triết lý kinh doanh của họ là bằng cách tự phát triển công nghệ từ gốc, công ty có thể tối ưu hóa hiệu suất và dựng nên những rào cản cạnh tranh vững chắc.
Có lẽ, rủi ro lớn nhất đối với Xiaomi là việc họ đang phải tham chiến trên quá nhiều mặt trận. Cuộc chiến về giá trên thị trường xe điện Trung Quốc ngày càng khốc liệt, và dù đang tăng trưởng, Xiaomi vẫn chỉ là một tay chơi nhỏ.
Hãng hiện bán được khoảng 20.000 xe mỗi tháng, chưa bằng một phần mười so với BYD, kẻ thống trị thị trường. Cuộc đua trên thị trường smartphone cũng đang nóng lên với sự trở lại của Huawei, một gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc từng bị các lệnh trừng phạt của Mỹ làm tê liệt mảng kinh doanh di động vào năm 2019. Dù vậy, tài năng bán hàng của Lôi Quân vẫn là một yếu tố không thể xem thường.