Tổng thống Joe Biden đã suy ngẫm về “niềm tin và tình bạn” mà ông tìm thấy ở bang Nam Carolina ở một số thời điểm quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Ông Biden đã dành trọn ngày cuối cùng tại nhiệm ở Nam Carolina, một tiểu bang mà ông cho là đã giúp mình bước vào Nhà Trắng và là nơi ông trở về trong những giờ cuối cùng với tư cách là Tổng thống Mỹ để kêu gọi những người ủng hộ ông tiếp tục tham gia vào cuộc đấu tranh vì một quốc gia công bằng hơn.
Trong chuyến thăm một nhà thờ lịch sử của người da màu và một bảo tàng của người Mỹ gốc Phi, ông Biden đã suy ngẫm về sự nghiệp của mình với một nơi mà ông cho biết đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp mình, nơi đã thúc đẩy ông trong nỗ lực khôi phục “linh hồn của quốc gia”.
“Đức tin, đức tin dạy chúng ta rằng nước Mỹ trong mơ luôn gần hơn chúng ta nghĩ”, ông Biden phát biểu ngày 19/1 trước giáo đoàn của Nhà thờ Royal Missionary Baptist – địa điểm nổi tiếng với người da màu ở North Charleston.
Ông Biden tại Nhà thờ Royal Missionary Baptist ở Charleston, Nam Carolina, ngày 19/1. (Ảnh: NYTimes)
Ông nói thêm: “Chúng ta phải giữ vững hy vọng. Chúng ta phải tiếp tục tham gia, luôn giữ vững niềm tin vào một ngày tốt đẹp hơn sắp tới. Tôi sẽ không đi đâu cả. Tôi không đùa đâu. Người dân Nam Carolina, cảm ơn các bạn đã giữ vững niềm tin. Được phục vụ với tư cách Tổng thống của các bạn là vinh dự của cuộc đời tôi”.
Ông Biden, người cùng các thành viên trong gia đình trong chuyến đi đến Nam Carolina, đã chia sẻ về cách ông tìm thấy “niềm tin và tình bạn” với cộng đồng người da màu tại đây, trong những thời điểm quan trọng của cuộc đời mình.
Trong số những điều quan trọng nhất, ông Biden cho biết, là sự ủng hộ của nghị sĩ Dân chủ James E. Clyburn vào năm 2020. Ông Clyburn, một người bạn lâu năm và là cố vấn thân cận, đã tháp tùng ông Biden trong chuyến lưu diễn chia tay ngày hôm qua.
Ông Biden ôm người bạn lâu năm James E. Clyburn, ngày 19/1 (Ảnh: NY Times)
Năm 2020, ông Biden đã giành chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Nam Carolina, tận dụng sự ủng hộ của cử tri da màu và nổi lên như ứng cử viên của đảng Dân chủ từ một nhóm ứng cử viên đông đúc.
Năm 2015, khi còn là Phó Tổng thống, ông Biden đã tham dự lễ tang của Mục sư Clementa Pinckney, người đã bị một đối tượng theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng sát hại cùng với 8 người khác, tại Nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal. Chưa đầy 1 tháng sau cái chết của con trai cả Beau, một Biden đau buồn đã khiến giáo dân ngạc nhiên khi ông quyết định tham dự và phát biểu tại buổi lễ, điều mà Biden cho biết đã giúp ông lấy lại sức mạnh trong thời gian đau buồn của chính mình.
Ông Biden đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ giáo dân trong chuyến thăm ngày hôm qua. Mục sư của Nhà thờ Royal Missionary, Tiến sĩ Isaac J. Holt Jr., cho biết mối quan hệ của ông Biden với người Mỹ da màu sẽ là một phần lâu dài trong di sản của Tổng thống Mỹ thứ 46.
Tổng thống Biden đã cố gắng thể hiện lòng biết ơn của mình đối với những đóng góp của người Mỹ da màu. Ông thực sự xúc động trong các bài giảng về Tiến sĩ Martin Luther King Jr. tại một buổi lễ nhà thờ, và trong chuyến thăm Bảo tàng Quốc tế Người Mỹ gốc Phi, ông dành nhiều thời gian để nghe một dàn hợp xướng phúc âm hát về ông trên và ngoài sân khấu.
Tổng thống Biden đã dành trọn ngày cuối cùng tại nhiệm ở Nam Carolina, một tiểu bang mà ông cho là đã giúp ông bước vào Nhà Trắng. (Ảnh: NY Times)
Ông Biden đã nói về tầm quan trọng của người Mỹ da màu, không chỉ đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông mà còn đối với lịch sử và tương lai của quốc gia. “Tôi nợ các bạn rất nhiều”, ông Biden xúc động nói.
Ông Biden kết thúc ngày làm việc của mình tại Bảo tàng Quốc tế Người Mỹ gốc Phi, được xây dựng trên một bến tàu cũ, nơi hàng ngàn người nô lệ đã xuống tàu. Ông cho biết bảo tàng này “hiện thân cho vết thương và chiến thắng của của người Mỹ gốc Phi, là hiện thân cho sự thật rằng lịch sử người da màu chính là lịch sử nước Mỹ”.
Ông Clyburn cũng đã phát biểu tại sự kiện, ca ngợi tính cách và những thành tựu về chính sách của ông Biden: “Joe Biden chính là điều mà đất nước này cần”, ông Clyburn nói, nghẹn ngào: “Nhưng, mọi người không phải lúc nào cũng trân trọng điều đó”.
Ông Biden nhậm chức tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ vào ngày 20/1/2021. Ở tuổi 78 khi đó, ông là người lớn tuổi nhất đảm nhiệm chức vụ này.
Lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Donald Trump sẽ diễn ra vào lúc 12h trưa ngày 20/1/2025 (0h ngày 21/1 giờ Hà Nội), tại Đồi Capitol, bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống 2025-2029. Khi đón người kế nhiệm Donald Trump đến Nhà Trắng cũng là lúc Tổng thống Joe Biden kết thúc sự nghiệp kéo dài hơn 50 năm, với những thăng trầm trên chính trường Mỹ.
Tổng thống Joe Biden rời Nhà Trắng với một nền kinh tế vững mạnh, thị trường lao động ghi dấu ấn lịch sử, đặt nền tảng cho hoạt động sản xuất mở rộng trong tương lai, đồng thời kiểm soát được lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ mà không gây ra suy thoái.
Các nhà kinh tế nhận định những thành tựu này càng ấn tượng hơn khi ông Biden nhậm chức giữa lúc nước Mỹ đang chìm sâu trong đại dịch COVID-19, gây tổn thương nghiêm trọng đến kinh tế.
Tuy nhiên, di sản của ông cũng bao gồm mức nợ công cao hơn, thâm hụt thương mại lớn hơn và chi phí tăng vọt trong lĩnh vực nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đại học và chăm sóc trẻ em.