
Trung Quốc đã âm thầm cấp hạn ngạch khai thác và tinh luyện đất hiếm đầu tiên cho năm 2025 mà không công bố rộng rãi như thường lệ, Reuters dẫn nguồn tin quen thuộc với vấn đề cho biết.
Đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tăng cường kiểm soát ngành công nghiệp quan trọng này trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
Hạn ngạch đất hiếm – gồm nhóm 17 nguyên tố thiết yếu dùng cho xe điện, tua-bin gió, robot và tên lửa – được theo dõi sát sao vì ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu. Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới và thường công bố hạn ngạch 2 lần mỗi năm, chủ yếu dành cho các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, năm nay việc công bố bị trì hoãn.
Nguồn tin cho biết hạn ngạch đầu tiên chỉ mới được cấp vào tháng trước và các doanh nghiệp được yêu cầu không tiết lộ con số vì lý do an ninh.
Chính phủ Trung Quốc ngày càng thận trọng với đất hiếm và kiểm soát chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu quan trọng này. Đất hiếm từng được Bắc Kinh sử dụng làm “đòn bẩy” trong đàm phán thương mại với Mỹ và EU.
Trung Quốc đã bổ sung nhiều nguyên tố đất hiếm và nam châm đất hiếm vào danh sách hạn chế xuất khẩu để đáp trả việc Mỹ tăng thuế. Động thái này khiến các hãng ô tô toàn cầu phải giảm công suất và thậm chí tạm ngừng sản xuất một phần.
Trong 4 năm qua, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc thường công bố hạn ngạch đợt đầu vào quý I trên website. Tuy nhiên, năm nay không có thông báo chính thức nào.
Năm 2023, Trung Quốc cấp 2 đợt hạn ngạch khai thác với tổng cộng 270.000 tấn, tăng 5,9% so với năm 2022. Hạn ngạch tinh luyện và tách chiết năm 2024 là 254.000 tấn, tăng 4,2% so với năm trước đó.
Từ năm 2006, Bắc Kinh áp dụng hệ thống hạn ngạch kết hợp với việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm kiểm soát sản lượng. Năm ngoái, chỉ có 2 tập đoàn nhà nước – China Rare Earth Group và China Northern Rare Earth Group High-Tech – được cấp hạn ngạch, so với 6 đơn vị trước đó.
Tháng 6, Mỹ và Trung Quốc đã ký kết thoả thuận khung về thương mại – đánh dấu giai đoạn tạm ngưng thương chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thỏa thuận này cho phép các công ty Mỹ tiếp cận nguồn cung đất hiếm và nam châm từ Trung Quốc.
Theo Reuters