Báo cáo kết quả kinh doanh của Nvidia quý III/2024 cho thấy hãng đạt doanh thu kỷ lục 35,1 tỷ USD, tăng 17% so với quý trước và tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu từ mảng trung tâm dữ liệu đã đạt 30,8 tỷ USD, qua đó cho thấy sự thống trị của Nvidia trong việc cung ứng cơ sở hạ tầng cho công nghệ trí thông minh nhân tạo.
Tuy nhiên để đạt được những thành tựu đó, Nvidia đã tăng cường thu hút nhân tài từ Intel, Qualcomm với quy trình khắt khe thuộc hàng cao nhất thế giới. Chính điều này đã góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh của công ty trong lĩnh vực GPU.
Trùng hợp thay, Việt Nam lại là quốc gia có lợi thế về nhân lực giỏi. Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu rằng nguồn nhân lực sẽ là thế mạnh không thể copy của Việt Nam trong mục tiêu trở thành mắt xích quan trọng của ngành bán dẫn toàn cầu.
“Người Việt Nam có gen về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, rất hợp với ngành công nghiệp bán dẫn. Lợi thế về gen không kém gì lợi thế về địa chính trị và đây là một lợi thế độc đáo không thể copy”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Tính đến năm 2023, Việt Nam đã giành 266 huy chương trên tổng số 282 lượt thí sinh tham dự Olympic toán học quốc tế (IMO) kể từ năm 1974, trong đó 69 huy chương vàng, 115 bạc và 82 đồng.
Nếu tính tổng số huy chương vàng kể từ khi IMO được tổ chức lần đầu vào năm 1959, Việt Nam đứng thứ 8 toàn cầu, xếp trên cả Anh, Đức, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ…
Ngay sau khi thông báo về kế hoạch mở nhà máy tại Việt Nam, hiện tại trên LinkedIn, Nvidia đã mở tuyển dụng công khai với loạt vị trí như như Kỹ sư IT – mạng lưới, Kỹ sư kiểm chuẩn thiết kế hệ thống, Kỹ sư hỗ trợ sản phẩm…
Dưới đây là những điểm chính trong quy trình tuyển dụng của Nvidia.
15.000 người
Kể từ khi thành lập vào năm 1993, Nvidia đã trải qua sự tăng trưởng bùng nổ về lực lượng lao động, mở rộng từ một nhóm khiêm tốn gồm 42 nhân viên vào năm 1996 lên khoảng 30.000 nhân viên vào năm 2024.
Ban đầu Nvidia chỉ là một nhà sản xuất GPU chủ yếu dành cho trò chơi nhưng sự bùng nổ của nhu cầu AI đã khiến vai trò của hãng sản xuất chip bán dẫn GPU này ngày càng tăng. Biểu đồ thống kê lao động cho thấy mức độ tăng trưởng nhân lực của Nvidia đã bùng nổ đáng kể từ năm 2021 trở đi, phù hợp với xu thế của AI.
Riêng trong khoảng 2020-2024, Nvidia đã bổ sung hơn 15.000 nhân viên và dù có đông nhân lực nhưng chất lượng nhân sự luôn được công ty kiểm soát gắt gao.
Mặc dù Châu Mỹ chiếm một nửa số nhân viên của Nvidia nhưng Châu Á đang trỗi dậy và dần chiếm một tỷ lệ đáng kể khi hãng này xây dựng ngày càng nhiều trung tâm kỹ thuật tại đây.
Dữ liệu lực lượng lao động cho thấy công ty đã ưu tiên tuyển dụng ở cấp độ cơ sở và trung cấp, phù hợp với tầm quan trọng của việc mở rộng quy mô nhân tài kỹ thuật.
Thật vậy, các chuyên gia đánh giá lực lượng lao động của Nvidia có chất lượng cực tốt về chuyên môn kỹ thuật khi các nhân viên phải biết ít nhất 4 ngôn ngữ lập trình như C, C++, Python và Verilog. Đồng thời họ cũng phải có kiến thức về học máy (Learning Machine) và hệ thống nhúng (Embedded Systems) phục vụ cho phát triển AI.
Biểu đồ của Aura cho thấy nhân viên của Nvidia cũng thành thạo Linux hay MATLAB, qua đó hỗ trợ việc phát triển AI, robot hay điện toán đám mây của công ty.
Đánh giá của Aura cho thấy mật độ nhân tài kỹ thuật công nghệ của Nvidia trong các lĩnh vực trên cao hơn so với bất kỳ lĩnh vực nào khác, qua đó cho thấy tầm quan trọng của lập trình và toán học khi tuyển dụng nhân sự.
Cũng theo Aura, việc tạo ra đội ngũ nhân sự có kỹ năng hàng đầu, Nvidia đã củng cố vai trò là công ty dẫn đầu trong ngành GPU và AI, phản ánh cam kết duy trì vị thế dẫn đầu của mình trong những thị trường đang phát triển nhanh chóng này.
Thậm chí khi so sánh với đối thủ AMD, báo cáo của Aura cũng đánh giá Nvidia cao hơn về chất lượng nhân sự, kể cả khi AMD cắt giảm 4% biên chế gần đây và chuyển hướng chiến lược sang AI và nghiên cứu phát triển (R&D).
Tất nhiên để giữ được chất lượng nhân sự không hề dễ dàng.
Báo cáo của Bridged cho thấy ngay cả những nhân viên công nghệ kỳ cựu cũng cảm thấy áp lực khi phỏng vấn xin việc vào Nvidia. Sự bành trướng quá nhanh của thương hiệu này khiến tỷ lệ cạnh tranh ngày một lớn.
Theo Bridged, Nvidia thu hút những tài năng hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng và những chuyên gia giàu kinh nghiệm từ các công ty công nghệ hàng đầu.
Quảng cáo của Nvidia cho thấy hãng ưa thích tuyển dụng những nhân sự có khả năng học hỏi nhanh, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và có hoài bão lớn. Tuy nhiên đừng để bị những lời quảng cáo này gây ảo tưởng, việc thi tuyển vào Nvidia cực kỳ khó khăn.
4 vòng
Tờ Bridged cho hay Nvidia thông thường sẽ có 4 phần thi tuyển dụng được thiết kế để xác định những ứng viên không chỉ thành thạo về mặt kỹ thuật mà còn phù hợp với văn hóa của công ty.
Đầu tiên là vòng phỏng vấn và sàng lọc.
Quy trình này thường bắt đầu bằng việc nộp đơn trực tuyến thông qua trang tuyển dụng của Nvidia. Vòng này bao gồm việc tải lên sơ yếu lý lịch và bất kỳ hồ sơ, chứng chỉ hoặc công việc dự án có liên quan nào.
Nếu hồ sơ của ứng viên nổi bật, nhà tuyển dụng sẽ liên hệ để tiến hành sàng lọc qua điện thoại ban đầu. Cuộc thảo luận này thường bao gồm lý lịch, kinh nghiệm và sở thích đối với vị trí công việc cũng như doanh nghiệp.
Vòng này yêu cầu các ứng viên nắm vững các cấu trúc dữ liệu, thuật toán và thiết kế hệ thống.
Vòng thứ 2 sẽ liên quan đến kỹ thuật.
Đầu tiên Nvidia sẽ sàng lọc kỹ thuật qua điện thoại, bao gồm một hoặc nhiều cuộc phỏng vấn qua điện thoại với giám khảo kỹ thuật hoặc thành viên nhóm tuyển dụng.
Những cuộc phỏng vấn này thường bao gồm các thách thức về mã hóa hoặc các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực chuyên môn. Ứng viên có thể được yêu cầu giải quyết các vấn đề bằng cách sử dụng nền tảng mã hóa trực tuyến.
Thậm chí trong một số trường hợp, ứng viên có thể nhận được đề bài về nhà để hoàn thành. Chúng có thể bao gồm các nhiệm vụ mã hóa, vấn đề thiết kế hoặc các thách thức kỹ thuật có liên quan khác.
Thông thường các ứng viên cần sử dụng được các nền tảng như LeetCode, HackerRank và CodeSignal để thực hành các vấn đề viết mã.
Vòng thứ 3 sẽ là phỏng vấn trực tiếp hoặc trực tuyến.
Các ứng viên trúng tuyển qua điện thoại thường được mời tham gia phỏng vấn trực tiếp hoặc cũng có thể phỏng vấn trực tuyến. Một cuộc phỏng vấn trực tiếp tại NVIDIA thường bao gồm nhiều vòng, mỗi vòng tập trung vào các khía cạnh khác nhau. Thông thường chúng sẽ bao gồm các yêu cầu như phỏng vấn kỹ thuật, phỏng vấn hành vi và phỏng vấn quản lý.
Phỏng vấn kỹ thuật là cuộc phỏng vấn chuyên sâu về các kỹ năng, kỹ thuật của ứng viên. Người ứng tuyển có thể phải đối mặt với các câu hỏi về thuật toán hay coding trên bảng trắng hay giấy trắng, các vấn đề về thiết kế hệ thống hoặc các câu hỏi kỹ thuật cụ thể về lĩnh vực tùy thuộc vào vai trò ứng tuyển.
Phỏng vấn hành vi thì liên quan đến đánh giá sự phù hợp về mặt văn hóa của ứng viên với công ty cũng như cách tiếp cận làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và các kỹ năng mềm khác. Phần này thường dựa trên kinh nghiệm làm việc cũng như cách xử lý các tình huống công việc khác nhau của ứng viên.
Phỏng vấn quản lý là phần ứng viên sẽ gặp gỡ các nhà quản lý tuyển dụng hoặc các thành viên nhóm cấp cao, những người trực tiếp đánh giá sự phù hợp của người ứng tuyển trong nhóm và tổ chức, thảo luận về nguyện vọng nghề nghiệp của ứng viên và xem xét liệu họ có phù hợp với các mục tiêu của Nvidia hay không.
Tại vòng này, ứng viên cần làm quen trước với các sản phẩm và công nghệ của NVIDIA, chẳng hạn như CUDA, xây dựng mạng lưới thần kinh sâu thông qua giao diện lập trình cấp cao (Deep Learning Frameworks) và GPU.
Vòng 4 là quy trình hậu phỏng vấn.
Nếu nghĩ rằng đã phỏng vấn xong là xong thì mọi người đã lầm. Tại Nvidia, nhóm tuyển dụng không chỉ đánh giá hiệu suất của ứng viên trong các giai đoạn tuyển dụng mà còn để ý đến thái độ, phản hồi và cách làm việc của người ứng tuyển sau vòng phỏng vấn.
Tất nhiên khi đã trúng tuyển thì ứng viên bắt đầu thảo luận các quy trình về phúc lợi, hợp đồng làm việc…
Xin được nhắc rằng Nvidia là một trong những tập đoàn Big Tech hiếm hoi ủng hộ làm việc từ xa (Remote Work). Đó là chưa kể đến mức lương cùng cổ phiếu thưởng hậu hĩnh, cơ hội học hỏi trong ngành AI cũng như một hồ sơ đẹp với cái tên Nvidia.
Báo cáo của Aura cho thấy lực lượng lao động của Nvidia tương đối ổn định và rất hài lòng so với những nơi khác, qua đó cho thấy môi trường làm việc chất lượng của tập đoàn 3,5 nghìn tỷ USD này.
*Nguồn: Aura, Bridged