spot_img
23 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhTrung Quốc duyệt dự án mệnh danh "Mẹ của các con đập":...

Trung Quốc duyệt dự án mệnh danh "Mẹ của các con đập": Vốn khủng nhất thế giới, công suất gấp 3 Tam Hiệp

Dự án thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng, Trung Quốc sẽ nhận được khoản đầu tư chưa từng có để giải quyết những thách thức kỹ thuật to lớn.

Tân Hoa xã hôm 25/12 đưa tin, Trung Quốc đã phê duyệt dự án xây dựng đập thủy điện khổng lồ trên con sông dài nhất Tây Tạng, có thể tạo ra lượng điện gấp 3 lần Đập Tam Hiệp – đập thủy điện lớn nhất thế giới hiện tại, cũng của Trung Quốc.

Dự án thủy điện khổng lồ này dự kiến được xây dựng trên sông Yarlung Tsangpo ở Khu tự trị Tây Tạng, đặt ra những thách thức kỹ thuật chưa từng có.

Tổng vốn đầu tư vào con đập có thể vượt 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 137 tỷ USD), vượt xa bất kỳ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nào khác trên Trái đất.

Tạp chí EurAsian Times mệnh danh con đập này là “Mẹ của những con đập” (Mother Of All Dams).

Trung Quốc duyệt dự án mệnh danh "Mẹ của các con đập": Vốn khủng nhất thế giới, công suất gấp 3 Tam Hiệp- Ảnh 1.

Hẻm núi lớn Yarlung Tsangpo ở thành phố Nyingchi, Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Khu vực giàu tài nguyên thủy điện

Bắt nguồn từ các sông băng ở phía tây Tây Tạng, sông Yarlung Tsangpo cao gần 5.000 mét so với mực nước biển, trở thành con sông cao nhất thế giới khi uốn lượn qua dãy núi Himalaya. Con sông đổ xuống ở độ cao 2.700 mét qua nơi được gọi là Hẻm núi lớn Yarlung Tsangpo, tạo thành một hẻm núi sâu gấp đôi Hẻm Grand Canyon ở Mỹ.

Theo các chuyên gia, sự sụt giảm độ cao đột ngột khiến nơi đây đặc biệt thuận lợi cho việc khai thác tài nguyên thủy điện.

Vào năm 2020, Chủ tịch Tổng công ty xây dựng điện quốc doanh Trung Quốc khi đó là Yan Zhiyong cho biết vị trí trên sông Yarlung Tsangpo là một trong những khu vực giàu tiềm năng thủy điện nhất thế giới.

“Khu vực hạ lưu có độ dốc thẳng đứng 2.000 mét trên khoảng cách 50 km, tương ứng với gần 70 triệu kilowatt tài nguyên [thủy điện] có thể khai thác được”, ông Yan cho biết.

Theo báo cáo năm 2023, dự án thủy điện này sẽ được xây dựng tại một trong những vùng mưa nhiều nhất của Trung Quốc, dự kiến sẽ tạo ra gần 300 tỷ kilowatt giờ (kWh) mỗi năm, đủ để đáp ứng nhu cầu về điện hàng năm của hơn 300 triệu người. Trong khi đó, đập thủy điện có công suất lắp đặt lớn nhất thế giới hiện tại, Đập Tam Hiệp, được thiết kế để sản xuất 88,2 tỷ kWh/năm.

Tân Hoa xã đưa tin, dự án thủy điện được xây dựng trên sông Yarlung Tsangpo này cũng sẽ ưu tiên bảo vệ môi trường sinh thái. Theo đó, “Thông qua các cuộc thăm dò địa chất sâu rộng và những tiến bộ kỹ thuật, một nền tảng vững chắc đã được đặt ra cho sự phát triển dựa trên khoa học, an toàn và chất lượng cao của dự án.”

Tân Hoa Xã cho biết con đập cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nguồn năng lượng mặt trời và gió gần đó, bổ sung vào cơ sở năng lượng sạch của khu vực.

“Đây là một động thái lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và ít carbon của Trung Quốc”, Tân Hoa xã cho hay. “Dự án cũng có tầm quan trọng lớn đối với việc thúc đẩy chiến lược quốc gia [Trung Quốc] về việc đạt đỉnh carbon và trung hòa carbon, và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.”

Tân Hoa Xã không nêu rõ thời điểm bắt đầu thi công, và địa điểm chính xác của dự án cũng chưa được tiết lộ.

Trung Quốc duyệt dự án mệnh danh "Mẹ của các con đập": Vốn khủng nhất thế giới, công suất gấp 3 Tam Hiệp- Ảnh 2.

Đập Tam Hiệp chắn ngang sông Dương Tử đoạn chảy qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Thách thức chưa từng có

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), việc xây dựng dự án khổng lồ này sẽ đặt ra những thách thức chưa từng có về mặt kỹ thuật.

Để khai thác tiềm năng thủy điện của sông Yarlung Tsangpo, phải khoan bốn đến sáu đường hầm dài 20 km xuyên núi để điều hướng một nửa lưu lượng dòng chảy của sông với tốc độ khoảng 2.000 m3/s.

Ngoài ra, địa điểm thi công dự án nằm dọc theo ranh giới mảng kiến tạo – nơi có nguy cơ xảy ra động đất – và địa chất của cao nguyên khác biệt đáng kể so với đồng bằng cũng là một thách thức không nhỏ.

Trong khi đó, các chuyên gia tin rằng việc xây dựng đập trên những con sông như Yarlung Tsangpo sẽ cho phép Trung Quốc kiểm soát dòng chảy của nước ở hạ lưu.

Neeraj Singh Manhas – cố vấn đặc biệt của Sáng kiến Chính sách South Parley có trụ sở tại Hàn Quốc – nói với EurAsian Times rằng: “Điều này cho phép Trung Quốc sử dụng nước như một công cụ địa chính trị, có khả năng thao túng mực nước để tưới tiêu, phát điện hoặc kiểm soát lũ lụt, tác động đến Ấn Độ và Bangladesh [những quốc gia ở hạ lưu dòng sông]”.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật