Sau hơn một thập kỷ nghiên cứu chuyên sâu tại Trung Quốc, một công nghệ khử quặng sắt mới đã sẵn sàng để cách mạng hóa ngành sản xuất thép toàn cầu.
Theo các kỹ sư tham gia dự án, phương pháp này bao gồm việc phun bột quặng sắt nghiền mịn vào một lò nung cực nóng, kích hoạt một “phản ứng hóa học gây nổ”.
Kết quả là các giọt kim loại lỏng nóng đỏ sẽ chảy xuống và tích tụ ở đáy lò, hình thành kim loại có độ tinh khiết cao có thể dùng trực tiếp để đúc hoặc sản xuất sắt xốp – nguyên liệu đầu vào để sản xuất các loại thép không rỉ, thép hợp kim cao cấp.
Giáo sư Zhang Wenhai, học giả của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc danh tiếng, là trưởng nhóm dự án này. Ông gọi đây là luyện sắt “chớp nhoáng”. Phương pháp này có thể hoàn thành quá trình khử quặng sắt chỉ trong 3 -6 giây, nhanh hơn nhiều lần so với 5-6 tiếng của lò cao truyền thống. Đồng nghĩa tốc độ khử quặng sắt đã được tăng tốc gấp 3.600 lần hoặc hơn.
Theo các nhà nghiên cứu, phương pháp mới này cũng hoạt động cực kỳ hiệu quả đối với quặng có hàm lượng kim loại thấp hoặc trung bình, vốn rất dồi dào ở Trung Quốc.
Các phương pháp sản xuất hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào quặng có hàm lượng kim loại cao. Trung Quốc phải chi một khoản tiền lớn để nhập khẩu các loại quặng này từ Australia, Brazil và châu Phi.
Theo tính toán của giáo sư Zhang và các cộng sự, công nghệ mới này có thể cải thiện hiệu quả hơn 1/3 năng lượng sử dụng trong ngành công nghiệp thép Trung Quốc. Ngoài ra, công nghệ này loại bỏ hoàn toàn nhu cầu về than nên ngành công nghiệp thép cũng có thể đạt được mục tiêu đáng mơ ước là “phát thải CO2 gần bằng không”.
Theo SCMP