Vào ngày 22/12, tàu Fan Zhou 8 đã hoàn thành năm ngày thử nghiệm và chính thức đạt điều kiện vận hành trên biển.
Con tàu khổng lồ này dài 256 mét và rộng 51 mét, có phạm vi hoạt động là 16.000 hải lý (tương đương khoảng 29.600 km).
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin rằng con tàu có thể đạt tốc độ trên 15 hải lý/giờ (khoảng 28 km/h) và đi qua những khu vực có các tảng băng trôi nhỏ, đủ điều kiện để được coi là “sẵn sàng hoạt động ở vùng cực”.
Thành tích này đưa Fan Zhou 8 trở thành một trong những tàu thương mại tiên tiến nhất thế giới. Kích thước boong tàu được so sánh với hàng không mẫu hạm Phúc Kiến – tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự phát triển.
Chuyến đi thử nghiệm kéo dài năm ngày của tàu Fan Zhou 8 bắt đầu tại cơ sở đóng tàu Taizhou Zhonghang ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc – nơi tàu trải qua nhiều cuộc đánh giá chuyên nghiệp về khả năng đi biển ở vùng biển phía đông Thượng Hải.
Theo CCTV, con tàu đã vượt qua tất cả các cuộc thử nghiệm về khả năng đi biển, có thể đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của Bộ luật quốc tế đối với các tàu hoạt động ở vùng biển cực (Polar Code).
Boong tàu Fan Zhou 8 chiếm phần lớn thân tàu và được thiết kế để chở nhiều loại hàng hóa khác nhau, bao gồm thiết bị khai thác dầu ngoài khơi, máy móc điện gió và điện hạt nhân, cũng như các kết cấu thép lớn… Điều này khiến con tàu trở thành phương tiện vận chuyển thương mại đa năng có khả năng hỗ trợ các dự án công nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tạp chí EurAsian Times nhận định, việc chế tạo được một con tàu như vậy ngày càng củng cố vị thế của Trung Quốc như quốc gia dẫn đầu thế giới về đóng tàu, đặc biệt là trong việc sản xuất các tàu chuyên dụng có kích thước lớn, phản ánh trọng tâm chiến lược của nước này trong việc mở rộng cơ sở hạ tầng hàng hải và sản lượng công nghiệp.
Ngành đóng tàu của Trung Quốc đã chứng minh sự thống trị của mình khi chiếm 59% đơn đặt hàng toàn cầu vào năm 2023.
Tham vọng phá kỷ lục của Trung Quốc
Theo EurAsian Times, nỗ lực không ngừng của Trung Quốc nhằm vượt qua các đối thủ cạnh tranh toàn cầu và thiết lập các chuẩn mực mới đã trở thành đặc điểm xác định sự trỗi dậy của nước này trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tham vọng này đã tiếp tục được Trung Quốc khẳng định, với những tiến bộ lớn trong ngành đóng tàu, cơ sở hạ tầng, công nghệ và thám hiểm không gian.
Fan Zhou 8 chỉ là một ví dụ. Hải quân Trung Quốc hiện cũng đang cho đóng tàu đổ bộ tấn công lớn nhất thế giới. Con tàu được phân loại theo lớp Vân Nam này dự kiến sẽ được hạ thủy sớm nhất vào năm 2025 và có thể trở thành một trong những tàu lớn nhất cùng loại trên toàn cầu, cho thấy năng lực quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Trung Quốc gần đây đã trở thành tâm điểm với kế hoạch đầy tham vọng xây dựng sân bay lớn nhất thế giới trên một hòn đảo nhân tạo ngoài khơi bờ biển đông bắc nước này. Sân bay quốc tế Vịnh Cẩm Châu Đại Liên sau khi hoàn thành có thể phục vụ tới 540.000 chuyến bay với 80 triệu hành khách mỗi năm. Sân bay này dự kiến bắt đầu hoạt động giai đoạn I vào năm 2035, sẽ trở thành trung tâm trong mạng lưới giao thông đang phát triển của Trung Quốc, vượt qua Sân bay quốc tế Hồng Kông (Trung Quốc) và Sân bay Kansai của Nhật Bản.
Trong một kỳ tích kỹ thuật khác, Trung Quốc gần đây đã lập kỷ lục mới về việc xây dựng đường hầm chắn dưới nước có đường kính lớn nhất thế giới. Đường hầm do Tập đoàn Cục 14 Đường sắt Trung Quốc xây dựng tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, và đã hoàn thành trong thời gian cực ngắn chỉ 110 ngày, thể hiện khả năng thực hiện các dự án hạ tầng phức tạp với tốc độ chưa từng có của Trung Quốc.
Hơn nữa, vào tháng 7/2024, Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới tại Khu tự trị Nội Mông. Dự án trị giá 10,6 tỷ USD có công suất 8 gigawatt, sẽ cung cấp điện cho cụm đô thị Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc. Trang trại năng lượng mặt trời này dự kiến sẽ cung cấp điện cho khoảng 6 triệu hộ gia đình, tương đương hơn một nửa tổng công suất năng lượng mặt trời hiện đang được lắp đặt tại Anh.
Tuy nhiên, theo EurAsian Times, Trung Quốc thực sự đã thu hút sự chú ý của toàn cầu với những thành tựu đột phá trong không gian vũ trụ. Gần đây, nước này đã phá vỡ kỷ lục của Mỹ về chuyến đi bộ ngoài không gian dài nhất.
Vào ngày 17/12/2024, các phi hành gia Thái Húc Triết và Tống Lệnh Đông trên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc đã lập kỷ lục mới bằng cách hoàn thành hoạt động ngoài tàu vũ trụ (EVA) kéo dài 9 tiếng, phá vỡ kỷ lục trước đó là 8 tiếng 56 phút do các phi hành gia Mỹ nắm giữ kể từ năm 2001.
EurAsian Times nhận định, từ việc lập kỷ lục với các loại tàu biển cho đến đạt được những bước tiến lớn trong không gian, những nỗ lực trong năm 2024 của Trung Quốc nhằm phá vỡ các kỷ lục toàn cầu cho thấy tham vọng mạnh mẽ và ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trong nhiều lĩnh vực.