
Tín hiệu này được đưa ra giữa lúc nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu cảm nhận rõ tác động tiêu cực của căng thẳng thương mại. Dữ liệu công bố gần đây cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy tại nước này trong tháng 4 đã giảm mạnh nhất kể từ năm 2023, khi các đơn hàng xuất khẩu gần cạn kiệt. Điều này cho thấy áp lực đang gia tăng đối với nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu như Trung Quốc.
Financial Times trích dẫn bài đăng từ tài khoản Yuyuan Tantian, một kênh truyền thông xã hội liên kết với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), viết trên nền tảng Weibo: “Trung Quốc không nhất thiết phải đàm phán với Mỹ trước khi Washington đưa ra hành động thực. Nhưng nếu Mỹ muốn trao đổi, thì vào thời điểm này, việc đàm phán không gây hại gì cho Trung Quốc.”
Bài viết dẫn nguồn giấu tên cho biết các quan chức Mỹ đã “chủ động liên hệ với Trung Quốc qua nhiều kênh khác nhau với mong muốn tổ chức đàm phán về vấn đề thuế quan”. Đồng thời, bài viết cũng nhấn mạnh các dữ liệu kinh tế đáng lo ngại từ Mỹ, như tình trạng cảng biển không còn nhộn nhịp và GDP sụt giảm trong quý I, cho rằng Washington đang là bên “sốt ruột hơn” trong việc nối lại đàm phán.
“Cánh cửa đàm phán luôn rộng mở,” Yuyuan Tantian viết. “Nhưng nếu là cuộc chiến, chúng tôi sẵn sàng đi đến cùng.”
Trước đó, ngày 29/4, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết chính quyền Tổng thống Trump đã đạt được thoả thuận thương mại đầu tiên.
Giới quan sát nhận định giọng điệu trong bài viết thể hiện lập trường của Bắc Kinh đang trở nên linh hoạt hơn so với tuyên bố tuần trước của Bộ Thương mại Trung Quốc, khi cơ quan này từng khẳng định rằng Mỹ phải dỡ bỏ các mức thuế cao mới có thể bắt đầu đàm phán.
Andrew Polk, đồng sáng lập công ty tư vấn Trivium China, cho rằng thông điệp trên giống như đang “chuẩn bị tâm lý cho việc 2 bên sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán”.
Zichen Wang, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Toàn cầu hóa và Trung Quốc tại Bắc Kinh, nhận định việc sử dụng mạng xã hội để phát tín hiệu chính sách là một chiến lược tương đối mới của Trung Quốc, dù Bắc Kinh từng áp dụng cách tiếp cận tương tự trong cuộc chiến thương mại trước đó với Mỹ. Tuy nhiên, Wang cũng nhấn mạnh rằng để đạt được tiến triển thực chất, “Mỹ cần thể hiện sự tôn trọng, tránh phát ngôn thù địch và thể hiện thiện chí.”
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump cho biết ông mong muốn trao đổi với Chủ tịch Tập Cận Bình “vào một thời điểm nào đó”. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc đã làm rõ rằng lãnh đạo 2 nước chỉ có thể gặp nhau nếu 2 bên đạt được một số đồng thuận nhất định trước.
Dù vậy, các thông tin từ cả Washington và Bắc Kinh đều phủ nhận những tuyên bố gần đây của ông Trump về các cuộc đàm phán đang diễn ra. Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer hôm thứ Tư cho biết Mỹ và Trung Quốc chưa tổ chức bất kỳ vòng đàm phán nào kể từ khi ông Trump tái nhậm chức vào tháng 1.
Trong phát biểu với báo giới, ông Trump cho rằng: “Hiện tại, Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn vì hoạt động của các nhà máy của họ không còn trơn tru.” Ông cũng khẳng định Mỹ không cần hàng hóa từ Trung Quốc, dù các hãng bán lẻ lớn như Walmart và Target đã cảnh báo rằng chiến tranh thương mại sẽ khiến họ không có hàng để bán.
Mặc dù cuộc chiến thuế quan vẫn chưa có kết quả rõ ràng, cả Mỹ và Trung Quốc đã nỗ lực xoa dịu tác động bằng cách miễn trừ thuế cho một số mặt hàng thiết yếu như iPhone và hóa chất công nghiệp. Tuy nhiên, những tác động kinh tế đã bắt đầu lan rộng. Lưu lượng hàng hóa tại các cảng Mỹ giảm mạnh, trong khi tại Trung Quốc, nhiều nhà máy xuất khẩu đã phải cho công nhân nghỉ việc tạm thời.
Tham khảo FT