spot_img
30.7 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhTrung Quốc vẫn chịu thuế 30% từ Mỹ, nền kinh tế 18,5...

Trung Quốc vẫn chịu thuế 30% từ Mỹ, nền kinh tế 18,5 nghìn tỷ USD 'nơm nớp' lo sợ vì có thể trở thành điểm đến của "cơn lũ" hàng giá rẻ

Dù thoả thuận hạ thuế tạm thời đã được Mỹ và Trung Quốc nhất trí, song cường quốc xuất khẩu của thế giới vẫn đang nỗ lực đi tìm nơi hấp thụ 440 tỷ USD hàng hoá. Và EU đang lo sợ về điều này.
Trung Quốc vẫn chịu thuế 30% từ Mỹ, nền kinh tế 18,5 nghìn tỷ USD 'nơm nớp' lo sợ vì có thể trở thành điểm đến của "cơn lũ" hàng giá rẻ- Ảnh 1.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, thặng dư thương mại ngày càng tăng của Bắc Kinh với Liên minh châu Âu (EU) đang khiến giới chức Brussels ngày càng lo ngại rằng khối 27 quốc gia này có thể trở thành “bãi đáp” cho hàng hóa giá rẻ Trung Quốc.

Theo dữ liệu mới công bố, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, thặng dư thương mại của Trung Quốc với EU đã đạt mức kỷ lục 90 tỷ USD. Con số này vượt xa mức trung bình của những năm trước và là dấu hiệu cảnh báo rõ ràng về xu hướng dịch chuyển hàng xuất khẩu của Trung Quốc ra khỏi Mỹ để hướng đến các thị trường “dễ thở” hơn như châu Âu.

Trung Quốc vẫn chịu thuế 30% từ Mỹ, nền kinh tế 18,5 nghìn tỷ USD 'nơm nớp' lo sợ vì có thể trở thành điểm đến của "cơn lũ" hàng giá rẻ- Ảnh 2.

Dù đã có một thỏa thuận tạm thời được ký kết tại Geneva giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong và các quan chức Mỹ, Trung Quốc vẫn phải phải tìm lối thoát mới để duy trì thị phần toàn cầu.

“Các thị trường ngoài Mỹ, bao gồm châu Âu, sẽ chứng kiến làn sóng nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc gia tăng,” Maxime Darmet, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Allianz Trade nhận định.

Darmet cho hay: “Trung Quốc sẽ cố gắng giữ vững vị thế toàn cầu bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các khu vực khác.”

Hiện tại, phần lớn hàng hóa Trung Quốc bị “chặn đường” vào Mỹ đang tìm cách đi đường vòng thông qua Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Tuy nhiên, lượng hàng Trung Quốc đang tràn vào châu Âu kể từ sau đại dịch cho thấy xu hướng này có thể tăng tốc khi mức thuế nhập khẩu của Mỹ được duy trì ở mức cao.

Trong khi đó, châu Âu, vốn theo đuổi chính sách thương mại cởi mở, hiện đang phải đối mặt với thách thức lớn khi buộc phải cân nhắc lại chiến lược của mình trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dần sang chủ nghĩa bảo hộ.

Mặc dù Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí hạ thuế thỏa thuận “ngừng bắn” kéo dài 90 ngày, song các rào cản thương mại vẫn còn rất lớn, khi thuế nhập khẩu của Mỹ đối với hàng Trung Quốc hiện cao hơn 30 điểm phần trăm so với mức đầu năm.

Trung Quốc vẫn chịu thuế 30% từ Mỹ, nền kinh tế 18,5 nghìn tỷ USD 'nơm nớp' lo sợ vì có thể trở thành điểm đến của "cơn lũ" hàng giá rẻ- Ảnh 3.

Tình hình càng trở nên phức tạp khi đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ so với đồng euro, khiến hàng Trung Quốc rẻ hơn và hấp dẫn hơn với người tiêu dùng châu Âu.

“Trong thời đại của chủ nghĩa bảo hộ, bạn không thể duy trì thương mại tự do, vì điều đó sẽ bóp nghẹt ngành công nghiệp trong nước,” bà Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis SA, cho hay.

Theo bà, EU cần có hàng rào thuế quan để bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà khối này muốn cạnh tranh dài hạn như ô tô điện, công nghệ xanh…

Trung Quốc vẫn chịu thuế 30% từ Mỹ, nền kinh tế 18,5 nghìn tỷ USD 'nơm nớp' lo sợ vì có thể trở thành điểm đến của "cơn lũ" hàng giá rẻ- Ảnh 4.

Hiện tại, mối quan hệ thương mại giữa Pháp và Trung Quốc cũng đang căng thẳng sau khi EU áp thuế chống bán phá giá đối với ô tô điện Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả bằng việc áp thuế cao lên rượu mạnh, đặc biệt là rượu cognac – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Pháp.

Dữ liệu từ Bắc Kinh công bố hôm thứ Sáu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang EU trong năm nay đạt mức cao thứ hai trong lịch sử, chỉ sau đợt bùng nổ do đại dịch năm 2022. Cùng lúc đó, nhập khẩu từ châu Âu vào Trung Quốc lại giảm đều do nhu cầu nội địa yếu và doanh nghiệp Trung Quốc dần thay thế nhà cung cấp châu Âu.

Ngay cả trước khi ông Trump quay lại Nhà Trắng vào tháng 1, cán cân thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu đã bắt đầu thay đổi đáng kể. Mối quan hệ thương mại Đức – Trung, vốn từng nghiêng về phía Đức, giờ đây đang đảo chiều. Từ mức thặng dư 18 tỷ USD năm 2020, đến năm 2023, Trung Quốc đã đạt thặng dư 12 tỷ USD với Đức. Nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, con số đó có thể vượt 25 tỷ USD trong năm nay.

Lĩnh vực ô tô là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi này. Dù EU đã áp thuế lên ô tô điện từ Trung Quốc, các hãng xe Trung Quốc nhanh chóng thích nghi bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu xe hybrid và xe động cơ đốt trong sang châu Âu, đồng thời tận dụng giá thành thấp và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ trong nước.

Trung Quốc vẫn chịu thuế 30% từ Mỹ, nền kinh tế 18,5 nghìn tỷ USD 'nơm nớp' lo sợ vì có thể trở thành điểm đến của "cơn lũ" hàng giá rẻ- Ảnh 5.

Ủy viên Thương mại EU, Maros Sefcovic, gần đây cho biết EU đang theo dõi sát sao “nguy cơ chuyển hướng thương mại” và sẽ có báo cáo sơ bộ vào giữa tháng 5. Đây cũng sẽ là chủ đề nóng tại cuộc họp các bộ trưởng thương mại EU diễn ra ở Brussels trong tuần này.

Theo Darmet, bối cảnh mới sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách châu Âu phải đưa ra các biện pháp tích cực hơn để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.

Vị chuyên gia cho biết: “Chúng ta từng nghĩ đây chỉ là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng thực tế, cả thế giới, đặc biệt là châu Âu, sẽ phải chịu tác động trực tiếp và có thể buộc phải chuyển hướng sang chính sách bảo hộ.”

Thâm hụt thương mại với Trung Quốc gia tăng không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là dấu hiệu cho thấy EU đang dần mất khả năng cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong bối cảnh đó, việc đánh giá lại chính sách thương mại, đầu tư vào năng lực sản xuất nội khối, và kiểm soát chặt chẽ hơn luồng hàng nhập khẩu giá rẻ đang trở thành nhu cầu cấp thiết đối với khối kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật