spot_img
30.3 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhTrung Quốc vượt mặt Mỹ ở lĩnh vực quan trọng với khoảng...

Trung Quốc vượt mặt Mỹ ở lĩnh vực quan trọng với khoảng cách lớn như ‘vực sâu’, cửa nào cho Washington lấy lại ngôi vương?

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump thúc đẩy cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu có thể khiến Mỹ không còn cơ hội cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Trung Quốc đang ngày càng nới rộng khoảng cách với Mỹ trong cuộc đua dẫn đầu khoa học toàn cầu, bảng xếp hạng Nature Index 2025 do tạp chí Nature công bố mới đây cho biết.

Theo Nature, từ năm 2023, Trung Quốc đã vượt Mỹ trong bảng xếp hạng các quốc gia đóng góp nhiều nhất vào các công trình nghiên cứu khoa học chất lượng cao từ năm 2023. Nhưng đến nay, khoảng cách đó đã trở thành “một vực sâu”, Nature nhận định.

Cụ thể, tỷ lệ tạp chí khoa học sức khỏe và khoa học tự nhiên chất lượng cao do Trung Quốc đóng góp tăng lên 17,4%, trong khi Mỹ giảm 10,1%.

Xét về đóng góp của tác giả cho các tạp chí khoa học, Trung Quốc dẫn đầu năm 2024 với 32.122 điểm, vượt xa 22.083 của Mỹ. Sự sụt giảm của Mỹ rõ rệt nhất ở các lĩnh vực khoa học vật lý (giảm 10,6%) và hóa học (giảm 11,6%). Ngay cả các lĩnh vực Mỹ từng dẫn đầu như y học và sinh học cũng giảm lần lượt 2,7% và 5,4%. Trong khi đó, Trung Quốc tăng 20,4% riêng ở ngành sinh học.

Theo bà Joanne Carney, Giám đốc Quan hệ chính phủ của Hiệp hội Vì sự Tiến bộ Khoa học Mỹ (AAAS), Mỹ đã tự rút khỏi vị trí dẫn đầu trongcuộc đua toàn cầu về nghiên cứu – phát triển.

Chính sách cắt giảm ngân sách nghiên cứu dưới thời Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ ngày càng nới rộng khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ. Dự thảo ngân sách năm 2026 đề xuất cắt 40% ngân sách cho Viện Y tế Quốc gia (NIH), 55% cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và 57% cho Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) – những trụ cột tài trợ nghiên cứu tại Mỹ.

Đáng chú ý, chính quyền ông Trump đã đóng băng khoản tài trợ 2,2 tỷ USD cho Đại học Harvard, đồng thời đe dọa rút quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế, làm dấy lên làn sóng chỉ trích trong giới học thuật.

Trong khi Mỹ gặp khủng hoảng, Trung Quốc đã âm thầm đầu tư chiến lược vào khoa học suốt hơn một thập kỷ. Theo một nghiên cứu của Đại học Georgetown năm 2021, khoảng 77.000 tiến sĩ STEM tốt nghiệp tại Trung Quốc mỗi năm tính đến 2025, gần gấp đôi con số 40.000 của Mỹ.

Theo Tổ chức Đổi mới & Công nghệ Thông tin (ITIF), Trung Quốc hiện có nhiều nhà nghiên cứu hơn cả Mỹ và toàn bộ EU cộng lại.

Không chỉ Mỹ, nhiều nước phương Tây khác cũng chứng kiến sự tụt hạng trong bảng xếp hạng Nature Index. Canada, Pháp và Anh đều giảm trên 9%. Trong khi đó, các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc và Singapore vươn lên mạnh mẽ nhờ hợp tác sâu rộng với các nhà khoa học Trung Quốc. Hàn Quốc hiện xếp thứ 7 toàn cầu với số lượng nghiên cứu sinh học tăng 11%. Singapore tăng 23% trong lĩnh vực khoa học y tế.

Theo Nature, Mỹ vẫn còn cơ hội để lấy lại vị thế dẫn đầu nhưng cơ hội chỉ còn kéo dài đến hết năm sau. Nếu không hành động quyết liệt, vị thế dẫn đầu toàn cầu về khoa học và đổi mới sẽ chính thức chuyển từ phương Tây sang phương Đông và lần này có thể là mãi mãi.

“Nếu chính quyền hiện tại tiếp tục theo đuổi các chính sách hiện hành, nước Mỹ sẽ chính thức rời khỏi cuộc đua đổi mới sáng tạo toàn cầu”, ông Sudip Parikh, CEO AAAS, cảnh báo.

Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn không ngừng chào đón những nhà khoa học gốc Trung Quốc đang làm việc ở phương Tây quay về nước với các điều kiện hấp dẫn như phòng thí nghiệm hiện đại, ngân sách dồi dào và môi trường ổn định.

Nếu xu thế này tiếp diễn, thế giới có thể sắp bước vào một kỷ nguyên mới, nơi trung tâm đổi mới toàn cầu không còn là Thung lũng Silicon mà là các thành phố công nghệ của Trung Quốc.

Tham khảo: Bne Intellinews

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật