Trong một tuyên bố, Người phát ngôn TikTok Michael Hughes chỉ trích phán quyết của toà phúc thẩm Mỹ, coi đây là “sự chà đạp” đối với quyền tự do ngôn luận của 170 triệu người Mỹ, tàn phá 7 triệu doanh nghiệp và đóng cửa một nền tảng đóng góp 24 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ hàng năm. Ông đồng thời bày tỏ hi vọng Toà án tối cao sẽ có phán quyết phù hợp đối với vấn đề hiến pháp quan trọng này.
Trước đó hôm 6/12, Tòa án phúc thẩm Mỹ tại Washington D.C đã bác bỏ đơn kháng cáo của TikTok và công ty mẹ ByteDance, nhằm lật ngược một đạo luật yêu cầu ByteDance phải bán TikTok hoặc phải đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ. Một kịch bản sẽ hạn chế đáng kể các lượt tải xuống ứng dụng mới và tương tác với nội dung của ứng dụng. Thời hạn thoái vốn dự kiến trước ngày 19/1 năm tới, một ngày trước thời điểm chính quyền mới tại Mỹ nhậm chức. Trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết sẽ “cứu TikTok”. Tuy nhiên, hiện chưa rõ ông Donald Trump sẽ duy trì một đạo luật mà ông phản đối hay sẽ tìm cách vô hiệu hóa nó. Nhóm chuyển giao của ông Donald Trump đã không trả lời ngay lập tức các câu hỏi về kế hoạch của ông.
Chuyên gia Haleluya Hadero tại Mỹ nhận định: “Hiện không rõ liệu Tòa án Tối cao có thụ lý vụ án hay không. Tổng thống đắc cử Donald Trump, người trước đây đã cố gắng cấm TikTok, cũng đã lên tiếng và nói rằng ông phản đối lệnh cấm TikTok và sẽ cố gắng cứu ứng dụng này. Tuy nhiên chúng ta thực sự không biết ông ấy sẽ thực hiện lời hứa đó như thế nào. Theo TikTok, nếu luật này không được ngăn chặn, hàng triệu người dùng Mỹ sử dụng TikTok sẽ bị ngừng kết nối từ ngày 19/1. Đó là thời hạn chót để ByteDance phải bán TikTok. Tuy nhiên luật cũng trao cho tổng thống quyền quyết định gia hạn 3 tháng nếu một số hình thức mua bán diễn ra vào thời điểm đó.”
Tỷ phú Frank McCourt và những người mua tiềm năng đã tuyên bố sẵn sàng mua lại Tikok. Tuy nhiên, trong các hồ sồ pháp lý trước đó, TikTok khẳng định việc thoái vốn đơn giản là “không thể về mặt công nghệ, thương mại hoặc pháp lý”. Vấn đề đặt ra là ByteDance- công ty mẹ của TikTok phải tuân theo luật pháp Trung Quốc. Nước này coi một số công nghệ tiên tiến, gồm cả các thuật toán của TikTok, là rất quan trọng với lợi ích quốc gia và tháng 12/2022 đã thắt chặt các quy tắc quản lý việc bán công nghệ đó cho người mua nước ngoài. Trung Quốc không có tiếng nói trong quyết định bắt buộc bán TikTok của Mỹ, nhưng sẽ giữ quyền phê duyệt cuối cùng với bất kỳ hoạt động mua bán nào liên quan.
Theo các chuyên gia, Tu chính án thứ nhất không loại bỏ khả năng dự luật có thể bị toà án bác bỏ. Bởi Tòa án Tối cao có tiền lệ bảo vệ quyền của người Mỹ theo Tu chính án thứ nhất đối với việc tiếp cận thông tin, ý tưởng và phương tiện truyền thông từ nước ngoài. Kết quả cuộc khảo sát mới đây tại Mỹ cho thấy, hiện 2/3 số thanh thiếu niên tại nước này đang sử dụng TikTok.