
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc Bắc Kinh áp thuế trả đũa đối với các mặt hàng năng lượng của Mỹ, khiến nhu cầu nhập khẩu sụt giảm mạnh.
Đối với mặt hàng khí tự nhiên hóa lỏng, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã ngừng mua từ Mỹ kể từ tháng 3, thời điểm Trung Quốc bắt đầu triển khai các biện pháp thuế đáp trả. Kể từ đó, xuất khẩu dầu thô từ Mỹ sang Trung Quốc cũng bắt đầu giảm dần và chạm đáy trong tháng 6 khi không có lô hàng nào được ghi nhận, theo dữ liệu chính thức từ hải quan Bắc Kinh. Ngoài ra, mặt hàng than đá cũng ghi nhận diễn biến tương tự.
Động thái này diễn ra ngay trước vòng đàm phán thương mại tiếp theo giữa 2 nước, dự kiến diễn ra tại Thụy Điển vào tuần tới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhận định rằng quan hệ hiện tại giữa Washington và Bắc Kinh đang “ở một trạng thái tích cực”.
Trong khi đó, phía Trung Quốc cũng thể hiện thái độ sẵn sàng đàm phán với mong muốn đạt được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, trên tinh thần “tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác.”
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra hạn chót đến ngày 12/8 để đạt thoả thuận với Trung Quốc. Nếu không, ông cảnh báo sẽ áp thêm thuế quan nặng hơn nữa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện tại, các mức thuế mà Trung Quốc áp lên năng lượng Mỹ dao động từ 10% đến 15%.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Trung Quốc từng phải nhượng bộ bằng cách mua thêm năng lượng Mỹ để cân bằng thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã cản trở việc thực hiện cam kết này.
Tình hình hiện tại đã có nhiều thay đổi. Trung Quốc đã đa dạng hóa đáng kể nguồn cung năng lượng, khi nhóm OPEC+ nổi lên như nhà cung cấp chủ lực thay thế Mỹ. Điều này khiến Trung Quốc ít bị tổn hại hơn trước sức ép từ Nhà Trắng, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang có xu hướng chậm lại.
Việc xuất khẩu năng lượng Mỹ về 0 không chỉ phản ánh sự rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ thương mại giữa hai cường quốc, mà còn cho thấy thế cân bằng địa chiến lược đang thay đổi, khi Trung Quốc ngày càng củng cố vị thế độc lập trong chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu.
Vòng đàm phán tại Thụy Điển sắp tới được kỳ vọng sẽ mang lại bước đột phá, nhưng nếu không đạt được kết quả tích cực, một cuộc đối đầu thương mại mới có thể sẽ bùng nổ với quy mô và hệ lụy sâu rộng hơn.
Tham khảo Oilprice