spot_img
17 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhTừ món quà độc bản tặng Tổng thống Pháp: Việt Nam lộ...

Từ món quà độc bản tặng Tổng thống Pháp: Việt Nam lộ diện ngôi sao mang về 89.000 tỷ, đứng Top 2 châu Á

Món quà độc bản mà Việt Nam tặng nhà lãnh đạo Pháp đã được hoàn thiện trong vòng 3 tháng, trải qua 25 công đoạn tỉ mỉ.

Món quà độc bản hé lộ tinh hoa hàng nghìn năm của Việt Nam

Ngày 6/9/2016, trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Việt Nam trao tặng nguyên thủ Pháp một món quà đặc biệt – bức bình phong sơn mài “Dấu ấn ngàn năm”.

Đây không chỉ là một tặng phẩm ngoại giao, mà còn là minh chứng cho sự tinh xảo, tài hoa của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam – một ngành nghề truyền thống đã được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử.

Bức bình phong được làm từ chất liệu gỗ sơn mài, với 4 bức điêu khắc chân dung 4 nhà trí thức Pháp đã có những đóng góp to lớn cho Việt Nam, bên cạnh những công trình kiến trúc Pháp cổ mang đậm dấu ấn lịch sử. Những công trình này ngày nay đã trở thành di sản văn hóa, được Việt Nam trân trọng gìn giữ.

Từ món quà độc bản tặng Tổng thống Pháp: Việt Nam lộ diện ngôi sao mang về 89.000 tỷ, đứng Top 2 châu Á- Ảnh 1.

Ông François Hollande trong lần tới thăm Việt Nam trên cương vị Tổng thống Pháp năm 2016. Ảnh: VNU

Để hoàn thiện tác phẩm này, các nghệ nhân sơn mài hàng đầu của Việt Nam đã dành gần 3 tháng, trải qua 25 công đoạn tỉ mỉ, phủ lên đó 17 lớp sơn mài truyền thống, tạo nên một kiệt tác độc bản.

Không chỉ dừng lại ở đó, tấm khăn bọc bức bình phong cũng là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt. Mặt ngoài khăn được làm từ thổ cẩm cổ của người Thái ở Nghệ An, còn mặt trong là lụa Lãnh Mỹ A – dòng lụa quý nhất của Việt Nam, được dệt nên từ bàn tay tài hoa của những nghệ nhân dệt lụa truyền thống.

Ngay cả hộp đựng bình phong cũng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, được làm từ vóc vải sợi, sơn và mài lặp đi lặp lại nhiều lần để tạo nên sự hoàn hảo.

Từ món quà độc bản tặng Tổng thống Pháp: Việt Nam lộ diện ngôi sao mang về 89.000 tỷ, đứng Top 2 châu Á- Ảnh 2.

Bức bình phong “Dấu ấn ngàn năm” tặng ông Hollande. Ảnh: NLĐ

3 năm sau, Việt Nam một lần nữa lựa chọn đồ thủ công mỹ nghệ làm quà tặng ngoại giao.

Năm 2019, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tặng Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree một chiếc khăn lụa tơ tằm dài 2m, rộng 90cm. Trên bề mặt khăn là bức tranh thiên nhiên Thụy Điển do nữ họa sĩ tài hoa Văn Dương Thành thực hiện.

Chiếc khăn không chỉ là sản phẩm của sự khéo léo, mà còn là kết quả của quy trình chế tác công phu, từ việc hấp nóng để màu ngấm sâu vào từng thớ lụa, đến việc ngâm trong hoa quả để giữ màu và độ óng ả.

Những món quà này không chỉ là sự kết tinh của tinh hoa thủ công mỹ nghệ Việt Nam, mà còn là thông điệp về sự trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử. Nó khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thủ công mỹ nghệ thế giới, đồng thời thể hiện niềm tự hào dân tộc.

Đáng lưu ý, 2016 cũng là năm chính phủ Việt Nam phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó xác định thủ công mỹ nghệ là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa cần được ưu tiên phát triển.

Các chuyên gia nhận định, với tiềm năng và giá trị văn hóa đặc sắc, thủ công mỹ nghệ Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa khác.

Vươn lên top 2 châu Á với kim ngạch xuất khẩu ấn tượng

6 năm sau ngày ông Hollande nhận món quà đặc biệt từ Việt Nam, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhờ sự đa dạng ngành nghề và nguồn tài nguyên phong phú, Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình khi vươn lên đứng thứ 2 tại châu Á về xuất khẩu thủ công mỹ nghệ, chỉ sau Trung Quốc. Đây là minh chứng rõ nét cho sức hấp dẫn của các sản phẩm thủ công Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại hội thảo “Tư vấn nâng cao năng lực Marketing xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề” diễn ra vào tháng 10/2024, ông Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, chia sẻ rằng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sự hiện diện rộng khắp này không chỉ nhờ vào sự tinh xảo, khéo léo trong từng đường nét chế tác mà còn bởi những nét độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc được gửi gắm trong từng sản phẩm.

Từ món quà độc bản tặng Tổng thống Pháp: Việt Nam lộ diện ngôi sao mang về 89.000 tỷ, đứng Top 2 châu Á- Ảnh 3.

Việt Nam đang đứng thứ 2 tại châu Á về xuất khẩu thủ công mỹ nghệ. Ảnh: VNEconomy

Trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2019, lĩnh vực thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, từ 1,62 tỷ USD (41 nghìn tỷ đồng) lên 2,23 tỷ USD (gần 57.000 tỷ đồng) về kim ngạch xuất khẩu.

Đến năm 2023, dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy con số này đã tăng lên khoảng 3,5 tỷ USD (89 nghìn tỷ đồng), phản ánh mức tăng trưởng ấn tượng của ngành.

Những thị trường xuất khẩu quan trọng bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và một số quốc gia thuộc khu vực Trung Đông.

Hiện nay, Việt Nam hơn 5.400 làng nghề và làng nghề truyền thống. Doanh thu của các làng nghề này rơi vào khoảng 75 nghìn tỷ đồng, với hơn 2 triệu lao động.

Mặc dù so sánh với các mặt hàng xuất khẩu khác, doanh số của thủ công mỹ nghệ có thể chưa phải là cao nhất, nhưng theo ông Hóa, lợi nhuận thu về từ mỗi triệu USD xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ có thể cao gấp 5-10 lần so với các ngành hàng khác, điều này chứng minh giá trị cao mà lĩnh vực này mang lại.

Cơ hội vàng nhắm tới thị trường 2.394 tỷ USD

Thị trường sản phẩm thủ công mỹ nghệ toàn cầu được dự báo sẽ đạt 2.394 tỷ USD vào năm 2032. Đây được xem là “cơ hội lớn” với Việt Nam.

Việt Nam đang sở hữu một lợi thế không nhỏ với số lượng làng nghề lên đến 5.400, trong đó riêng Hà Nội đã có 1.350 làng nghề và làng có nghề, mỗi nơi đều mang một nét đặc trưng riêng biệt. Nhờ vào nét độc đáo này, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam không những tinh xảo mà còn chứa đựng tinh hoa văn hóa của dân tộc với sự đa dạng về mẫu mã.

Các chuyên gia đánh giá cao tiềm năng phát triển của ngành thủ công mỹ nghệ toàn cầu khi xu hướng tập trung vào sự bền vững, thân thiện với môi trường cùng việc cá nhân hóa sản phẩm ngày càng được ưa chuộng. Sử dụng nguyên liệu như tre, gỗ tái chế và sợi tự nhiên, các sản phẩm thủ công đang chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.

Báo cáo từ Nielsen năm 2023 chỉ ra rằng, có tới 73% người tiêu dùng sẵn lòng thay đổi thói quen mua sắm để giảm ảnh hưởng xấu đối với môi trường. Sản phẩm có chứng nhận Fair Trade (đảm bảo rằng các sản phẩm được sản xuất và giao dịch theo các tiêu chuẩn công bằng về xã hội, kinh tế và môi trường) hay các tiêu chuẩn bền vững khác đang là ưu tiên hàng đầu trong sự lựa chọn của họ.

Những doanh nghiệp như Ten Thousand Villages từ Canada và Artisan & Fox từ Singapore đã thấy sự tăng trưởng doanh số 30% trong hai năm qua nhờ vào việc cung cấp sản phẩm có chứng nhận và sử dụng nguyên liệu tái chế.

Từ món quà độc bản tặng Tổng thống Pháp: Việt Nam lộ diện ngôi sao mang về 89.000 tỷ, đứng Top 2 châu Á- Ảnh 4.

Sản phẩm sơn mài của Việt Nam thu hút du khách tại hội chợ Paris 2023. Ảnh: Vietnamhoinhap

Nhu cầu về sự độc đáo và cá nhân hóa trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng đang ngày càng tăng. Các mặt hàng như trang sức handmade, đồ trang trí nội thất được thiết kế riêng lẻ đang là điểm hút khách trên thị trường.

Cổng thông tin thống kê cung cấp dữ liệu thị trường Statista (trụ sở chính tại Đức) ghi nhận rằng các sản phẩm thủ công cá nhân hóa chiếm hơn 40% tổng doanh số trên sàn thương mại điện tử Etsy, và theo Pinterest, xu hướng “Cá nhân hóa không gian” cũng chứng kiến sự tăng trưởng 150% trong thời gian gần đây.

Sự phát triển của thương mại điện tử đã mở ra cánh cửa mới cho ngành thủ công mỹ nghệ, giúp nhiều doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng doanh thu đáng kể.

Các chuyên gia dự báo giai đoạn 2024-2028, ngành sẽ tiếp tục phát triển với các sản phẩm nổi bật như đồ nội thất thủ công thiết kế tối giản, sang trọng và các mặt hàng trang trí nhà cửa, văn phòng cá nhân hóa.

Thị trường này đang mở rộng mạnh mẽ, đặc biệt tại các khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, với Việt Nam và Ấn Độ làm trung tâm sản xuất chủ chốt, còn Bắc Mỹ và châu Âu là những thị trường tiêu thụ lớn, ưa chuộng sự bền vững và độc đáo.

Để nắm bắt cơ hội và xu hướng, doanh nghiệp Việt Nam được khuyến nghị nên liên tục cải tiến, đầu tư vào công nghệ, cải thiện chất lượng và khả năng sản xuất kinh doanh.

Xây dựng thương hiệu gắn liền với bền vững và văn hóa, mở rộng qua các nền tảng trực tuyến và kết nối nghệ nhân với khách hàng toàn cầu cũng là những giải pháp quan trọng.

Với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD vào năm 2025, Việt Nam đang tiếp tục khẳng định vị thế trên trường quốc tế trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật