Cục Dự trữ Liên bang (Fed) – ngân hàng trung ương của nước Mỹ – điều chỉnh lãi suất mục tiêu định kỳ để giữ cho nền kinh tế vận hành trơn tru và kiểm soát giá tiêu dùng. Khi lãi suất quỹ liên bang tăng hoặc giảm, lãi suất tài khoản ngân hàng và các khoản vay cũng thay đổi theo. Nói cách khác, những thay đổi về lãi suất của Fed sẽ tác động đến số tiền tiết kiệm cũng như nợ phải trả của người dân.
Vậy lãi suất quỹ liên bang ngày nay như thế nào so với những năm trước? Dưới đây sẽ là cái nhìn toàn cảnh nhất về lịch sử lãi suất của Fed.
Lãi suất quỹ liên bang do Fed quy định, được hiểu là mức lãi suất mà các ngân hàng cho nhau vay trong ngắn hạn (thường là các khoản vay qua đêm) để có được số tiền bằng đúng với yêu cầu dự trữ bắt buộc của Fed. Lãi suất thường thể hiện dưới dạng một biên độ và các tổ chức tài chính có thể thảo luận với nhau một con số cụ thể trong phạm vi đó.
Lãi suất mục tiêu của Fed cũng tác động đến lãi suất mà các tổ chức tài chính tư đặt ra cho các sản phẩm tài chính như tài khoản tiền gửi, trái phiếu, khoản vay và thẻ tín dụng.
Hiện tại, phạm vi mục tiêu của Fed ở mức 5,25% – 5,50%. Fed dự kiến sẽ tiếp tục giữ lãi suất mục tiêu ổn định cho đến khi lạm phát hạ nhiệt hơn nữa.
Mặc dù Fed không điều chỉnh lãi suất quỹ liên bang kể từ tháng 7/2023, nhưng con số này đã dao động khá nhiều trong vài thập kỷ qua. Mỗi lần lãi suất thay đổi là một lần ứng phó với các sự kiện kinh tế và thế giới lớn.
Dưới đây là lãi suất hiệu lực kể từ năm 1974, cùng với lãi suất chứng chỉ tiền gửi (CD) kỳ hạn 3 tháng và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm. Bạn có thể thấy lãi suất của Fed tác động như thế nào đến các lãi suất khác.
Lãi suất quỹ liên bang tăng vọt vào đầu những năm 1980, khi lạm phát lên tới hơn 13%, mức cao nhất từng được ghi nhận. Điều này đặt dấu chấm hết cho thời kỳ kinh tế được gọi là “Đại Lạm phát”, giai đoạn mà các nhà kinh tế cho rằng chính sách của Fed đã dẫn đến sự tăng trưởng quá mức về nguồn cung tiền.
Để kiểm soát tình hình, Fed đã tăng lãi suất và lãi suất quỹ liên bang lên hơn 19%.
Vào cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, một sự thay đổi kinh tế lớn khác diễn ra khi Fed bắt đầu hạ lãi suất quỹ liên bang. Động thái này được thúc đẩy bởi vụ nổ bong bóng dot-com. Đây là thời kỳ bất ổn kinh tế khi các nhà đầu tư đổ tiền vào những công ty khai thác internet, dẫn đến nhiều startup bị định giá quá cao. Không may, một số công ty đã không có lãi. Hậu quả của vụ nổ bong bóng này dẫn đến nhiều vụ phá sản và suy thoái.
Sau đó là vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất, do tình trạng bất ổn lan rộng và hoạt động kinh tế chậm lại.
Năm 2007, sự sụp đổ của thị trường nhà đất đã khiến Fed một lần nữa hạ lãi suất mục tiêu xuống 2%. Một loạt các đợt cắt giảm lãi suất diễn ra sau đó, cuối cùng đưa phạm vi mục tiêu xuống mức 0% – 0,25% vào tháng 12/2008.
Khi nền kinh tế phục hồi sau cuộc Đại suy thoái, Fed lại dần dần tăng lãi suất. Nhưng vào năm 2020, đại dịch COVID-19 đã làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ và tạo ra những thách thức về chuỗi cung ứng, hoạt động kinh tế giảm sút và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Vào tháng 3/2020, Fed một lần nữa cắt giảm lãi suất xuống biên độ mục tiêu từ 0% – 0,25%.
Kể từ đó, Fed bắt đầu tăng lãi suất để chống lạm phát tăng vọt. Hiện tại, tỷ lệ lạm phát vẫn chưa đạt mục tiêu 2% mà Fed mong muốn, nên ngân hàng trung ương đã giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% – 5,50%.
Cuộc họp tiếp theo của Fed dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7. Khi đó, Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ quyết định có nên điều chỉnh lãi suất quỹ liên bang hay không. Trong cuộc họp gần đây nhất, Fed tuyên bố sẽ duy trì phạm vi mục tiêu ở mức 5,25% – 5,50% và tiếp tục theo dõi tình hình kinh tế trước khi đưa ra quyết định cắt giảm.
“Khi xem xét bất kỳ điều chỉnh nào đối với phạm vi mục tiêu của lãi suất quỹ liên bang, Ủy ban sẽ đánh giá cẩn thận dữ liệu sắp tới, triển vọng đang phát triển và sự cân bằng rủi ro. Ủy ban cho rằng việc giảm phạm vi mục tiêu là không phù hợp cho đến khi có được niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang tiến triển bền vững về mức 2%”, Fed cho biết.
Tuy nhiên, trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ vào ngày 10/7, Chủ tịch Fed Jerome Powell bất ngờ đưa ra nhận định về mục tiêu lạm phát cho việc cắt giảm lãi suất. Fed có thể sẽ không đợi đến khi lạm phát giảm xuống mức mục tiêu 2% mới bắt đầu cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ trong tháng 6 mới được công bố đã ghi nhận mức giảm lần đầu tiên sau hơn 4 năm, tạo thêm động lực để Fed bắt đầu hạ lãi suất.
Suy cho cùng, trách nhiệm hàng đầu của Fed là duy trì nền kinh tế ổn định thông qua các chính sách tiền tệ mà cơ quan này ban hành và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo thời gian, họ đã điều chỉnh lập trường của mình dựa trên điều kiện kinh tế hiện tại. Một điều luôn đúng là những thay đổi đối với lãi suất quỹ liên bang, dù nhỏ đến đâu, đều tác động đến người tiêu dùng hàng ngày và có thể ảnh hưởng đến các quyết định tài chính của họ.
Tổng hợp