Tăng lãi suất, tỷ giá chưa giảm nhiệt
Trong ngày 30/5/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỷ giá trung tâm thêm 5 đồng/USD, lên mức 24.258 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại tăng thêm 6 đồng/USD, đưa giá USD lên kịch trần. Giá mua USD tại Vietcombank là 25.220 – 25.250 đồng/USD, bán ra là 25.470 đồng/USD. Trên thị trường quốc tế, “đồng bạc xanh” tiếp tục tăng khi chỉ số USD-Index đi lên 105,1 điểm do lợi suất trái phiếu Mỹ đang tăng.
Thời gian gần đây, tỷ giá chịu nhiều áp lực do cả yếu tố kinh tế cũng như một số tin đồn gây ảnh hưởng tới tâm lý, kỳ vọng thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, VND mất giá gần 5%, ngang bằng dự báo cả năm. Đây là yếu tố bất ổn khiến NHNN phải “vất vả” đối phó trong quý I/2024. Các nhà phân tích kinh tế – tài chính cũng đưa ra nhận định, việc NHNN tăng lãi suất kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá lên mức 4,5%/năm sẽ phần nào làm giảm áp lực lên tỷ giá.
CEO WiGroup – ông Trần Ngọc Báu cho biết, lãi suất được chia thành 2 nhóm, đó là lãi suất thị trường mở – OMO (lãi suất tín phiếu, lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá) và lãi suất hành chính (lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn…). Trước mắt, NHNN sẽ tăng lãi suất OMO, trong khi duy trì lãi suất hành chính. Bởi nếu tăng lãi suất hành chính cũng đồng nghĩa với việc công khai tăng lãi suất, trong khi NHNN không muốn “công khai” nên thực hiện điều chỉnh lãi suất OMO. Điều này cũng nhằm mục đích giúp ổn định tỷ giá.
Trước đó, trong phiên 22 – 23/5/2024, một số ngân hàng thương mại tìm đến kênh hỗ trợ thanh khoản của NHNN với khối lượng trúng thầu trên thị trường OMO liên tục ở mức cao. Đi kèm với đó, NHNN cũng tăng lãi suất OMO lên 4,5%/năm, tức tăng thêm 25 điểm cơ bản so với trước. Riêng phiên 23/5/2024, NHNN bơm ròng 42.666 tỷ đồng thông qua thị trường mở – mức cao nhất kể từ giữa tháng 10/2022.
Theo SSI Research, NHNN phải thực hiện nghiệp vụ bán can thiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại với khối lượng tương đối lớn. Cụ thể, cán cân thương mại trong nửa đầu tháng 5/2024 nhập siêu lên tới 2,6 tỷ USD đã tạo áp lực lớn lên trạng thái ngoại tệ của ngân hàng thương mại, bên cạnh yếu tố mùa vụ khi doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những khó khăn tại thị trường trong nước. Trước hết, lạm phát duy trì ở mức cao tại Mỹ, khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Fed giảm lãi suất. Sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất của Fed, cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số vùng lãnh thổ, khiến USD quốc tế tăng giá mạnh, có thời điểm chỉ số USD (DXY) tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.
Tuy nhiên, ông Quang khẳng định, một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá của NHNN là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường. Do đó, doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trước những tin đồn này.
Cũng theo ông Quang, khó khăn với thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn, bởi trong thời gian tới, với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ sẽ tăng lên, trong khi doanh nghiệp cũng gia tăng mua ngoại tệ kỳ hạn sẽ làm giảm nhu cầu ngoại tệ trong tương lai, qua đó đảm bảo cân đối cung – cầu ngoại tệ.
Áp lực sẽ giảm dần vào cuối năm
Chính sách tỷ giá có quan hệ chặt chẽ với lãi suất và việc cố gắng duy trì lãi suất thấp như hiện nay không đồng nghĩa với việc hy sinh tỷ giá vì lãi suất.
Theo Shinhan Bank Việt Nam, cắt giảm lãi suất có thể gây ra áp lực tăng giá cả và biến động tỷ giá hối đoái. Khi các thị trường lớn, trong đó có Mỹ, đã kết thúc đợt tăng lãi suất, thì ở Việt Nam, NHNN có khả năng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc Giao dịch ngoại hối và phái sinh Shinhan Bank Việt Nam nhận định, do lượng dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh và áp lực tỷ giá USD/VND tăng cao nên NHNN sẽ thận trọng hơn trong các chính sách cắt giảm lãi suất trong tương lai. Mặc dù đối mặt nhiều yếu tố bất định như giá dầu, giá lương thực tăng do biến đổi khí hậu…, nhưng khả năng NHNN thay đổi lập trường chính sách tiền tệ là không cao.
Cũng theo chuyên gia Shinbank Bank Việt Nam, tỷ giá USD/VND trong nửa đầu năm 2024 sẽ vẫn ở mức cao do bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tiêu cực bên ngoài, nhưng sẽ giảm dần trong nửa cuối năm, sau khi các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất và dòng vốn FDI tăng lên. Dù vậy, tốc độ giảm của tỷ giá Việt Nam có thể chậm hơn các nền kinh tế mới nổi khác do Fed trì hoãn trong việc cắt giảm lãi suất và triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không cải thiện.
Ông Đinh Đức Quang – Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam phân tích, lãi suất USD neo ở mức rất cao trên 5%/năm gây áp lực mất giá lên gần như toàn bộ đồng tiền chính trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, trong đó có VND. Theo ông Quang, nhìn vào dữ liệu tổng hợp của các đồng tiền từ các nền kinh tế lớn và quan trọng nhất trong hoạt động thương mại, đầu tư toàn cầu sẽ thấy mức giảm giá từ đầu năm 2024 đến nay của VND nằm trong xu thế chung và ở mức trung bình.
Báo cáo của UOB Việt Nam nhận định, VND và cả các đồng tiền khác có khả năng tăng giá trở lại so với USD trong nửa sau năm 2024, khi lãi suất USD có thể được cắt giảm, còn lãi suất VND gần như không có khả năng giảm thêm và sẽ tăng trở lại 0,5-1%/năm.
“Ngoài những trở ngại bên ngoài trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng VND sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của CNY. Dự báo tỷ giá VND/USD của chúng tôi là 25.600 VND/USD trong quý II/2024; 25.100 VND/USD trong quý III/2024; 24.800 VND/USD trong quý IV/2024 và 24.600 VND/USD vào quý I/2025”, UOB Việt Nam dự báo.
PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân đến từ Trường đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho hay, lãi suất tăng sẽ làm giảm áp lực tỷ giá, song theo chu kỳ mùa vụ thì áp lực này sẽ còn quay lại vào cuối quý III và đầu quý IV/2024. Để giảm áp lực tỷ giá, nhà điều hành phải tăng hút tiền qua tín phiếu trong thời gian qua, nâng lãi suất dần lên nhằm hạn chế việc rút vốn của khối ngoại cũng như hiện tượng đầu cơ tỷ giá. Bởi nếu duy trì mức lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và ổn định vĩ mô.
Tỷ giá tăng và lạm phát sẽ quay trở lại cùng với nhiều yếu tố khác. Do đó, việc tăng lãi suất này sẽ là xu hướng dài hạn. Trước mắt, tăng trưởng kinh tế đang phục hồi trở lại, dù còn yếu. Do đó, chủ trương của Chính phủ và NHNN yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí để giảm thêm 1-2%/năm lãi suất cho vay, hỗ trợ, chia sẻ cùng khách hàng trong bối cảnh khó khăn. Bởi vậy, khả năng chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì nới lỏng để hỗ trợ kinh tế.
Phó thống đốc thường trực NHNN ông Đào Minh Tú cũng khẳng định, tỷ giá là vấn đề lớn, nếu không quản lý hiệu quả sẽ tác động đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, NHNN rất quyết liệt trong điều hành.
Thời gian qua, NHNN đã áp dụng nhiều giải pháp ổn định tỷ giá như điều tiết lượng tiền trong lưu thông, điều hành lãi suất hợp lý, thúc đẩy cho vay xuất khẩu để tạo nguồn cung ngoại tệ, điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp để ngăn đầu cơ tích trữ ngoại tệ của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại… Theo ông Tú, quan điểm của NHNN là ổn định chứ không phải cố định tỷ giá, tức là tỷ giá lên xuống hài hòa, không để âm trạng thái ngoại tệ.
Liên quan tới việc hạ lãi suất, ông Tú cho biết, mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Chính sách tỷ giá có quan hệ chặt chẽ với lãi suất và việc cố gắng duy trì lãi suất thấp như hiện nay không đồng nghĩa với việc hy sinh tỷ giá vì lãi suất.