
Tỷ lệ sinh “lao dốc” ảnh hưởng đến tương lai của toàn nhân loại.
Thế giới đang già hóa
Tín hiệu đáng lo ngại nhất đến từ một nghiên cứu quy mô lớn công bố trên tạp chí The Lancet vào tháng 3/2024. Theo đó, Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) dự báo tỷ lệ sinh toàn cầu sẽ giảm xuống dưới mức thay thế (2,1 con/phụ nữ) ngay trong năm 2030, sớm hơn 26 năm so với dự báo trước đây của Liên hợp quốc. Nếu xu hướng này không được đảo ngược, đến năm 2100, khoảng 97% quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ có mức sinh dưới ngưỡng thay thế.
Số liệu từ Triển vọng dân số thế giới năm 2024 của Liên hợp quốc cho thấy, số trẻ em trung bình mà một phụ nữ sinh ra đã giảm từ 3,2 vào năm 1990 xuống còn 2,3 vào năm 2021. Cụ thể, Mỹ hiện đạt mức sinh 1,62 con/phụ nữ, Trung Quốc là 1,09, còn Hàn Quốc tụt xuống mức kỷ lục 0,72 trong năm 2023 – mức thấp nhất toàn cầu. Tình trạng này không chỉ giới hạn tại châu Á, ở châu Âu, tỷ lệ sinh cũng rơi xuống mức báo động với Ý (1,2), Tây Ban Nha (1,3) và Đức (1,4).
GS Christopher Murray – Giám đốc IHME cảnh báo: “Tỷ lệ sinh toàn cầu đang giảm nhanh hơn tất cả các mô hình từng dự đoán. Mốc năm 2030 không còn là kịch bản xa vời mà là khả năng rất thực tế”. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, đến năm 2050, cứ 6 người thì có 1 người trên 65 tuổi, phản ánh rõ tốc độ già hóa dân số toàn cầu.
Từ áp lực kinh tế đến thay đổi lối sống
Những thay đổi về cấu trúc xã hội, văn hóa và điều kiện kinh tế chính là các yếu tố góp phần khiến tỷ lệ sinh sụt giảm nhanh chóng. Theo báo cáo Toàn cảnh Xã hội 2024 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thế giới (OECD), tỷ lệ sinh trung bình tại các nước thành viên đã giảm một nửa trong vòng 60 năm, từ 3,3 con/phụ nữ năm 1960 xuống còn 1,5 con/phụ nữ vào năm 2022. Đồng thời, tỷ lệ người trên 65 tuổi sẽ tăng gần gấp đôi, từ 30/100 người trong độ tuổi lao động (năm 2020) lên 59 người vào năm 2060. Điều này kéo theo hệ quả nặng nề đối với cấu trúc kinh tế – xã hội. Khi dân số trẻ thu hẹp, lực lượng lao động suy giảm, nhiều nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực, tăng chi phí lao động, giảm năng suất và sụt giảm tăng trưởng dài hạn. Một xã hội với tỷ lệ người cao tuổi ngày càng lớn sẽ làm tăng chi phí y tế, lương hưu và an sinh, trong khi số người đóng thuế và lao động ngày càng ít đi.
Bên cạnh đó, những thay đổi về nhận thức và hành vi trong xã hội hiện đại cũng góp phần không nhỏ. Một khảo sát toàn cầu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) năm 2022 cho thấy, 1/4 người trẻ từ 15 – 24 tuổi không muốn có con hoặc chỉ muốn có một con duy nhất. Nguyên nhân chính đến từ chi phí sống, biến đổi khí hậu, áp lực công việc và sự thiếu hụt hệ thống hỗ trợ xã hội. Tại Nhật Bản, gần 40% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cho rằng xã hội hiện tại chưa đủ điều kiện để họ yên tâm nuôi con.
Thêm vào đó, lối sống đô thị hiện đại, công nghệ số và sự cô lập xã hội cũng đang ảnh hưởng đáng kể. Một khảo sát của Pew Research năm 2023 cho biết, người trưởng thành Mỹ dành trung bình 7 giờ/ngày trước màn hình. Hệ quả là thời gian tương tác trực tiếp giảm, dẫn đến tình trạng chậm lập gia đình hoặc trì hoãn sinh con.
Dù đã chi hơn 2 tỷ USD mỗi năm cho các chính sách khuyến sinh, Singapore (quốc gia có mật độ dân cư cao thứ hai thế giới) vẫn chỉ đạt mức sinh 1,05 vào năm 2023. Theo Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình nước này, các biện pháp tài chính nếu không gắn với cải thiện chất lượng sống tổng thể thì rất khó tạo ra hiệu quả bền vững.
Có thể xoay chuyển xu hướng?
Nhiều quốc gia đã triển khai các chương trình khuyến sinh quy mô lớn, nhưng kết quả vẫn rất khiêm tốn. Tại Hàn Quốc, chính phủ đã chi hơn 200 tỷ USD từ năm 2006 đến 2023 cho các chính sách hỗ trợ sinh con, bao gồm trợ cấp tiền mặt, giảm thuế và hỗ trợ nuôi con suốt 12 năm đầu đời. Tuy vậy, tỷ lệ sinh tại đây vẫn tiếp tục sụt giảm, xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2023.
Một số quốc gia như Canada đang chuyển sang giải pháp tăng cường nhập cư để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực. Năm 2023, Canada đã tiếp nhận hơn 430.000 người nhập cư – con số cao nhất trong lịch sử nước này. Tuy nhiên, chính sách này đòi hỏi hệ thống hội nhập toàn diện, nếu không sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn văn hóa và áp lực lên hạ tầng xã hội.
Tại Pháp, mô hình phúc lợi toàn diện với trợ cấp hàng tháng, trường mẫu giáo giá rẻ và chế độ nghỉ thai sản dài đã giúp duy trì tỷ lệ sinh gần 1,8 – mức cao hàng đầu châu Âu.
Nhưng theo Viện Thống kê Quốc gia Pháp (INSEE), con số này cũng bắt đầu có dấu hiệu giảm, cho thấy ngay cả mô hình thành công cũng đang chịu sức ép rất lớn.
Sự suy giảm tỷ lệ sinh toàn cầu không chỉ là bài toán chính sách ngắn hạn, mà là thách thức lâu dài liên quan đến hệ giá trị và mô hình phát triển. Nếu không hành động ngay từ bây giờ, thế giới sẽ phải đối mặt với một tương lai già hóa. Câu hỏi lớn đặt ra: liệu chúng ta đã thực sự sẵn sàng để hành động, hay sẽ chờ đến khi quá muộn?
GS Anna Rotkirch – Giám đốc Viện Dân số tại Phần Lan, nhận định: Chính sách chỉ là một phần. Điều khiến mọi người quyết định sinh con là họ cảm thấy tương lai đủ an toàn, cộng đồng đủ gắn kết và cuộc sống đủ đáng sống. Chính sách chỉ có thể hiệu quả nếu gắn liền với một môi trường sống tích cực, nơi con người thực sự muốn tạo dựng gia đình.