spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhUSD lao dốc đặt ra kịch bản không tưởng: Điều gì sẽ...

USD lao dốc đặt ra kịch bản không tưởng: Điều gì sẽ xảy ra nếu đồng bạc xanh không còn thống trị thế giới?

Dù là một kịch bản khó có thể xảy ra ngay lập tức, các nhà đầu tư vẫn cần lường trước điều này.

Suốt 15 năm qua, nhà đầu tư hiếm khi phải đối mặt với tình huống đồng USD suy yếu một cách có cấu trúc. Nhưng sau ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi là “Ngày Giải Phóng” với một loạt mức thuế quan mới, nhà đầu tư có thể phải dần làm quen với điều đó.

Sau loạt thông báo về thuế quan trong tuần qua, Phố Wall đã bị bất ngờ khi đồng bạc xanh giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt. Thị trường lo ngại rằng chủ nghĩa bảo hộ có thể chấm dứt thế thống trị của nền kinh tế của Mỹ.

Các nhà quản lý quỹ quốc tế vốn phân bổ phần lớn vào tài sản Mỹ nay đang có xu hướng tìm kiếm những lựa chọn đầu tư khác. Nhà đầu tư Mỹ từ lâu vẫn phớt lờ cổ phiếu nước ngoài có lẽ sẽ không còn được “an toàn” như trước.

Chiến lược gia trưởng Luca Paolini tại Pictet Asset Management (Thụy Sĩ) nhận định: “Chúng tôi đang hoạt động dựa trên giả định rằng trong vòng 5 năm tới, đồng USD sẽ giảm thêm 10% đến 15% giá trị”.

Tất nhiên, nhiều nhà quản lý tài sản đang phòng thủ trong ngắn hạn, chuẩn bị cho kịch bản suy thoái. Ngoài ra, dòng tiền rút khỏi nhóm cổ phiếu “Magnificent Seven” (Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet, Meta, Nvidia và Tesla) cũng không hoàn toàn do tác động từ ông Trump.

Nhóm cổ phiếu này từng là động lực chính của thị trường suốt 15 năm qua. Tuy nhiên, hệ số P/E của cả nhóm đã lên tới 46 lần vào tháng 12 năm ngoái. Đây là mức định giá quá cao, dễ dẫn tới điều chỉnh.

Ngay cả khi không tính đến “Magnificent Seven”, nhà đầu tư Mỹ sở hữu các cổ phiếu còn lại của chỉ số S&P 500 trong 15 năm qua vẫn đạt tổng lợi suất khoảng 380%. Trong khi đó, nhà đầu tư châu Âu nếu đầu tư vào S&P 500 lại thu về tới 490%, nhờ đồng USD tăng hơn 20% so với đồng euro (theo FactSet).

Chiều ngược lại cũng tương tự. Chứng khoán Eurozone tăng khoảng 220% tính bằng euro, nhưng chỉ 150% nếu quy đổi sang USD. Tình hình tại Nhật Bản cũng vậy. Chỉ số Nikkei 225 tăng 300% tính bằng yên, nhưng chỉ tăng 160% khi tính bằng USD. Không có gì lạ khi nhà đầu tư Mỹ vẫn ngần ngại đưa các cổ phiếu này vào tài khoản hưu trí 401(k).

Điều đáng chú ý là đồng USD mạnh thường gây bất lợi cho cổ phiếu Mỹ (vì làm giảm giá trị lợi nhuận từ thị trường quốc tế khi quy đổi) và có lợi cho cổ phiếu nước ngoài. Lịch sử cho thấy nhà đầu tư nên mua S&P 500 khi đồng USD đang suy yếu. Trong 5 năm qua, điều đó vẫn đúng. Các đợt tăng lãi suất của Fed khiến USD mạnh lên, đồng thời gây sức ép cho thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, trong 7 năm trước đại dịch Covid-19, USD và cổ phiếu Mỹ lại tăng cùng nhau. Đây là thời kỳ đỉnh cao của giao dịch với niềm tin vào “chủ nghĩa biệt lệ kiểu Mỹ” (American exceptionalism), khi tài sản Mỹ đồng loạt vượt trội, không chỉ riêng nhóm công nghệ. Ngay cả các ngành nhạy cảm với tiền tệ như công nghiệp cũng được hưởng lợi.

Hai yếu tố chính hỗ trợ xu hướng này. Thứ nhất là hoạt động khai thác dầu đá phiến giúp Mỹ gần như tự chủ về năng lượng. Qua đó, chi phí cho doanh nghiệp giảm và khiến đồng USD trở thành một dạng “tiền tệ dầu mỏ”.

Thứ hai là tiêu dùng hộ gia đình Mỹ vẫn rất mạnh mẽ, ngay cả khi giá năng lượng tăng. Mức chi tiêu này được thúc đẩy bởi chi tiêu tài khóa của chính phủ, xuất khẩu dịch vụ công nghệ ở quy mô toàn cầu và hiệu ứng từ thị trường chứng khoán bùng nổ.

Giờ đây, những yếu tố kể trên có nguy cơ đảo chiều, đặt nhà đầu tư vào thế đối mặt với nguy cơ kép: cổ phiếu giảm và đồng USD yếu.

Ông Trump cam kết sẽ thu hẹp thâm hụt ngân sách và điều có thể làm suy yếu đồng USD. Đồng thời, ông đã châm ngòi một cuộc chiến thuế quan khiến thị trường cổ phiếu lao dốc. Quyết định của ông kéo theo đòn trả đũa từ Trung Quốc và có thể cả phản ứng tiêu cực từ châu Âu đối với các tập đoàn công nghệ Mỹ.

Kịch bản hiện tại gợi nhớ thời kỳ đầu thập niên 2000, khi nhà đầu tư quay lưng với cả cổ phiếu công nghệ lẫn thị trường Mỹ. Lúc đó, dòng vốn chuyển sang các nền kinh tế mới nổi như các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), và đồng USD cũng có tương quan thuận với thị trường chứng khoán.

Dù vậy, thế giới hôm nay không giống thập niên 2000. Các nền kinh tế khác ngoài Mỹ chịu tác động của thương mại nhiều hơn và sẽ phải đối mặt với làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang.

Một lựa chọn cho nhà đầu tư là tiếp tục nắm giữ cổ phiếu Mỹ nhưng phòng ngừa rủi ro tiền tệ. Tuy nhiên chi phí phòng hộ là không hề rẻ. Nhà đầu tư còn có thể mở rộng danh mục sang cổ phiếu giá trị, nhằm tìm ra những cái tên chiến thắng dài hạn trong tương lai.

Một nền kinh tế được tái định hình dưới thời ông Trump sẽ hàm ý nhiều đầu tư hơn và ít tiêu dùng hơn. Bởi vì cách duy nhất để đưa sản xuất quay về Mỹ, dù là giày Nike hay xe SUV của GM, là thay thế lao động bằng máy móc. Nên các nhà sản xuất có thể được hưởng lợi sau cùng. Nhưng họ cũng là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay.

Trong bối cảnh thiếu ổn định, giải pháp khả dĩ nhất cho nhà đầu tư dài hạn vẫn là: thực hiện tất cả cùng lúc . Bởi vào thời điểm này, đa dạng hóa không chỉ là chiến lược mà là phao cứu sinh.

Theo WSJ

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật