spot_img
11 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài Chính‘Vật vã’ vì quay lưng với khí đốt Nga, nền kinh tế...

‘Vật vã’ vì quay lưng với khí đốt Nga, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sắp gặp thêm ‘cơn ác mộng’ mới từ đồng minh thân cận bậc nhất

Chông gai tiếp theo đối với kinh tế Đức có thể đến từ sức ép của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp tới.
‘Vật vã’ vì quay lưng với khí đốt Nga, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sắp gặp thêm ‘cơn ác mộng’ mới từ đồng minh thân cận bậc nhất- Ảnh 1.

Chưa đầy 24 giờ sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, hãng thông tấn Deutsche Welle (Đức) đã đăng một bài viết với tiêu đề “Chiến thắng của ông Trump là cơn ác mộng đối với nước Đức”.

Đức được coi là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Tây Âu, hợp tác trên mọi phương diện, từ thương mại, kinh tế đến quốc phòng, quân sự.

Nhưng điều này có thể thay đổi khi ông Trump trở lại nắm quyền. Nhiều chính trị gia Đức không khỏi lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp tới có thể sẽ không thân thiện với mối quan hệ Mỹ-Đức.

Từ cách tiếp cận lấy Mỹ làm trung tâm của ông Trump, giới chuyên gia quốc tế đánh giá các mối quan ngại trước mắt của Đức. Có khả năng ông Trump sẽ phát động một cuộc chiến thương mại với loạt thuế quan và rút viện trợ tài chính, quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Cả 2 kịch bản này đều sẽ gây tổn hại thêm cho nền kinh tế vốn đang gặp muôn vàn khó khăn của Đức. Nước này hiện là nhà tài trợ lớn thứ 3 cho Ukraine, chỉ sau Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Đức chắc chắn sẽ phải đứng ra gánh vác nhiều hơn nữa nếu Mỹ ngừng hoặc bớt cấp tiền cho Kiev.

Sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraina nổ ra năm 2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố sẽ tăng đáng kể chi tiêu quân sự. Chỉ đến tháng 2/2024, Đức mới đạt được mục tiêu chi tiêu 2% GDP cho quân sự kể từ đó.

Mỹ và các đồng minh phương Tây khác hoan nghênh động thái của Đức. Tuy nhiên, đối với kinh tế Đức, bước đi này không hoàn toàn dễ chịu.

Áp lực từ các tổng thống Mỹ, đặc biệt là ông Trump, đã đóng một vai trò quan trọng. Lời kêu gọi, thậm chí là đe dọa của ông Trump trong suốt nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, là “chi tiền ra nếu không Mỹ sẽ rời khỏi NATO” dường như đã có hiệu quả.

Trong khi đó, kinh tế Đức đang phải vật lộn với khủng hoảng nghiêm trọng. Lượng đơn đặt hàng công nghiệp đã giảm 5,4% trong tháng 11/2024. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy những khó khăn mà nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải đối mặt.

Kinh tế Đức được xây dựng dựa trên các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như hóa chất, ô tô và sản xuất công nghiệp nặng. Các ngành công nghiệp này phụ thuộc lớn vào khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga.

Trong nhiều thập kỷ, Berlin đã thúc đẩy quan hệ năng lượng chặt chẽ với Moscow, nhập khẩu một lượng lớn khí đốt giá rẻ thông qua các đường ống như Nord Stream. Thỏa thuận cùng có lợi này đã giúp các nhà máy của Đức hoạt động và nền kinh tế xuất khẩu của nước này có sức cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine đã khiến Berlin từ bỏ nguồn năng lượng này gần như chỉ sau một đêm và ra sức tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Kết quả là giá năng lượng tăng vọt và cuộc khủng hoảng sản xuất đang làm tê liệt ngành công nghiệp Đức. Nếu không có năng lượng giá rẻ, chính những ngành đã đưa Đức trở thành gã khổng lồ công nghiệp – ô tô, thép và hóa chất – sẽ không còn khả năng cạnh tranh trên toàn cầu nữa.

Ngoài ra, nhu cầu toàn cầu yếu và sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc cũng đã giáng đòn vào ngành trụ cột của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Tham khảo: Asia Times, RT

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật