spot_img
21 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhVì sao giá vàng rơi thảm trái với dự báo của nhiều...

Vì sao giá vàng rơi thảm trái với dự báo của nhiều chuyên gia?

Nhiều chuyên gia dự báo vàng sẽ tăng mạnh trước sự căng thẳng thương mại lên cao. Tuy nhiên, bức tranh không đơn giản như vậy. Lần này, sự hỗn loạn trên thị trường tài chính đã tạo ra một hiệu ứng domino.

Tối ngày 4/4, giá vàng thế giới đã xuất hiện diễn biến lạ trái ngược với dự báo của nhiều người. Kim loại quý màu vàng đã bất thình lình lao dốc, giảm tới 140 USD/ounce chỉ trong thời gian ngắn xuống sát mốc 3.000 USD/ounce. Điều này trái ngược với kỳ vọng của nhiều chuyên gia, rằng vàng sẽ tiếp tục giữ vai trò trú ẩn an toàn, trong bối cảnh thị trường toàn cầu bất ổn.

Sự lao dốc của vàng diễn ra giữa lúc Trung Quốc và nhiều quốc gia khác bắt đầu công bố các biện pháp áp thuế trả đũa Mỹ. Vậy điều gì khiến vàng rơi tự do, bất chấp dự báo tích cực trước đó?

Theo suy luận thông thường, khi căng thẳng thương mại lên cao, tài sản an toàn như vàng sẽ càng có lợi, là nơi trú ẩn của dòng tiền, trái ngược với thị trường chứng khoán, thị trường tiền số,…Điều này đã đúng trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi Mỹ công bố các mức thuế với 180 nền kinh tế, vàng trong ngày 3/4 đã tăng vọt lên mức cao nhất trong lịch sử 3.168 USD/ounce.

Nhiều chuyên gia dự báo vàng sẽ tăng mạnh trước sự căng thẳng thương mại lên cao. 

Tuy nhiên, bức tranh không đơn giản như vậy. Lần này, sự hỗn loạn từ tin tức thuế quan của Mỹ, cùng với phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc – áp thuế 34% lên hàng hóa Mỹ – đã tạo ra một hiệu ứng domino.

Thay vì tăng giá như kỳ vọng, vàng lại chịu áp lực chốt lời từ các nhà giao dịch ngắn hạn và thanh lý hợp đồng dài hạn yếu. Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc đã khiến nhà đầu tư phải bán vàng để trang trải. Trong phiên 4/4, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm mạnh, Dow Jones vẫn lao dốc sau khi đã giảm 1.679 điểm ở phiên 3/4. S&P 500 giao dịch thấp hơn 3,2% sau mức giảm 4,84% vào ngày 3/4. Nasdaq cũng sụt 6%.

Điều này cho thấy, ngay cả trong vai trò “trú ẩn”, vàng không tránh khỏi tác động của tâm lý thị trường biến động dữ dội.

Một yếu tố khác góp thêm vào cú lao dốc của vàng là sự phục hồi nhẹ của đồng USD. Sáng thứ Sáu, báo cáo việc làm tháng 3 của Bộ Lao động Mỹ công bố con số việc làm phi nông nghiệp tăng 228.000, vượt xa dự đoán 140.000. Dữ liệu này, dù bị lu mờ bởi căng thẳng thương mại, đã củng cố niềm tin vào đồng USD, tăng nhẹ sau khi chạm mức thấp nhất 6 tháng hôm thứ Năm. Sự phục hồi của USD đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng, vốn thường di chuyển ngược chiều với đồng bạc xanh.

Mặc dù việc giá vàng rơi tự do trong tối ngày 4/4 là “cú sốc” với nhiều người, nhưng không có gì chắc chắn đợt bán tháo sẽ lớn hơn nữa. Theo một số chuyên gia, việc giá vàng giảm có thể chỉ là một khoảng dừng, không phải đảo chiều hoàn toàn, nhờ các yếu tố cơ bản vẫn đang thuận lợi cho kim loại quý này. Có nhiều lý do cho thấy đợt giảm không kéo dài, bao gồm vấn đề lạm phát, tình hình chính trị căng thẳng, và thế giới vẫn cảnh giác với cú sốc kinh tế.

Theo Kitco News, Chris Zaccarelli, Giám đốc Đầu tư của Northlight Asset Management nhận định, dù số liệu việc làm mạnh mẽ, điều này không giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư nhiều, khi thị trường chứng khoán tiếp tục trượt dốc sau thông báo thuế nhập khẩu toàn cầu của Tổng thống Donald Trump. “Thị trường không còn tập trung vào thị trường việc làm nữa mà đang dồn toàn bộ sự chú ý vào thuế quan và chiến tranh thương mại, khi Mỹ chơi trò ‘đấu tay đôi’ với phần còn lại của thế giới, có khả năng khởi đầu một vòng xoáy đi xuống dẫn đến suy thoái toàn cầu,” ông nói.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật