spot_img
12 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhVì sao Malaysia khởi động lại việc tìm kiếm máy bay MH370...

Vì sao Malaysia khởi động lại việc tìm kiếm máy bay MH370 sau 10 năm?

Malaysia thông báo nối lại hoạt động tìm kiếm xác máy bay mất tích MH370, sau 10 năm từ khi chuyến bay này biến mất bí ẩn.

Bộ trưởng giao thông Malaysia Anthony Loke ra thông báo gây chấn động hôm 20/12 về việc khởi động lại quá trình tìm kiếm máy bay MH370. Hoạt động tìm kiếm mới khơi dậy hy vọng hóa giải một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất lịch sử.

Malaysia cho biết đạt được thỏa thuận “về nguyên tắc” để công ty robot hàng hải Ocean Infinity của Mỹ tìm kiếm ở vùng biển phía nam Ấn Độ Dương, trong khoảng thời gian 18 tháng.

Bộ trưởng Malaysia nói thêm rằng hợp đồng với công ty Mỹ được xây dựng trên cơ sở “không tìm thấy, không mất phí”. Chính phủ Malaysia sẽ chỉ trả cho Ocean Infinity 112 triệu USD nếu công ty có phát hiện đáng kể.

Vì sao Malaysia khởi động lại việc tìm kiếm máy bay MH370 sau 10 năm?- Ảnh 1.

Hoạt động tìm kiếm mới khơi dậy hy vọng hóa giải một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất lịch sử. (Ảnh minh họa)

Tại sao khởi động lại tìm kiếm sau 10 năm?

Cuộc tìm kiếm được phát triển dựa trên những dữ liệu và công nghệ mới hoàn thiện trong những năm gần đây.

Ông Loke cho biết trong kế hoạch tìm kiếm lần này, công ty Mỹ hành động dựa trên nghiên cứu “đáng tin cậy”. “Họ trình bày tất cả dữ liệu. Nhóm của chúng tôi xem xét và thấy rằng dữ liệu này đáng tin, dựa trên nghiên cứu của nhiều chuyên gia khác. Ocean Infinity xem xét tất cả các phát hiện từ nhiều nhà nghiên cứu khác nhau”, ông nói.

Ông Loke hy vọng cuộc tìm kiếm sẽ tìm thấy xác máy bay và giúp các gia đình bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này có thể khép lại một phần nỗi đau. Các cuộc đàm phán cuối cùng với Ocean Infinity đang tiếp tục diễn ra và dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm 2025.

Ocean Infinity là công ty dành nhiều năm để tìm kiếm máy bay MH370.

Hoạt động tìm kiếm sẽ tận dụng tàu ngầm robot tiên tiến và máy vi âm dưới nước. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu sử dụng Hệ thống truyền sóng vô tuyến tín hiệu yếu (WSPR) để góp phần xác định vị trí máy bay chính xác hơn.

Cụ thể, khi một máy bay bay qua hệ thống vô tuyến này, nó sẽ làm nhiễu các tín hiệu – hồ sơ về các tín hiệu nhiễu được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu toàn cầu.

Bằng cách sử dụng các tín hiệu nhiễu, nghiên cứu theo dõi đường đi của máy bay trong hơn 6 giờ sau khi biến mất khỏi radar, giúp xác định gần hơn vị trí cuối cùng của máy bay.

Nhìn lại bí ẩn MH370

Chuyến bay MH370 mất tích vào ngày 8/3/2014 khi đang bay từ Kuala Lumpur, Malaysia đến Bắc Kinh, Trung Quốc. Trên máy bay là 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn.

Chiếc Boeing 777 rời thủ đô Malaysia vào khoảng 12 giờ 45 phút sáng (giờ địa phương) và biến mất khoảng 38 phút sau khi cất cánh.

Khi đó, Cục An toàn Giao thông Australia chỉ đạo một cuộc tìm kiếm dưới nước ban đầu đối với máy bay ở phía nam Ấn Độ Dương từ tháng 10/2014 đến tháng 1/2017.

Hoạt động tìm kiếm bao phủ một vùng rộng 120.000 km2. Một số mảnh vỡ từ máy bay trôi dạt vào Đông Phi và các đảo ở Ấn Độ Dương, nhưng các cơ quan không thể tìm ra nơi máy bay rơi xuống cuối cùng.

Nguyên nhân cụ thể dẫn đến sự cố thảm khốc cũng chưa được làm rõ.

Tin nhắn thoại được truyền về cuối cùng từ máy bay là của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah với nội dung: “Chúc ngủ ngon, Malaysia 370”. Các dữ liệu cho thấy máy bay sớm chuyển hướng trở lại Malaysia, theo hướng ngược với đường bay dự định, qua Eo biển Malacca và vào Ấn Độ Dương rộng lớn.

Sau khoảng 7,5 giờ, MH370 hết nhiên liệu và rơi xuống biển.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật