2024 là một năm biến động mạnh của tỷ giá USD/VND trước áp lực liên tục từ thị trường quốc tế, cộng hưởng với các yếu tố trong nước. Tính đến ngày 31/12/2024, tỷ giá USD trung tâm dừng ở mức 24.335 đồng; giá USD bán ra tại các ngân hàng đạt mức cao kỷ lục 25.551 đồng; tỷ giá liên ngân hàng cũng lên cao lịch sử ở mức 25.485 đồng; tỷ giá trên thị trường tự do giao dịch quanh mức 25.850 đồng.
So với cuối năm 2023, tỷ giá trung tâm đã tăng gần 2%; tỷ giá USD tại các ngân hàng tăng 4,6%; tỷ giá liên ngân hàng tăng 5,1%; tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do tăng 4,4%.
Với diễn biến trên, đồng VND đã kết thúc năm 2024 với mức mất giá mạnh nhất kể từ năm 2012 trở lại đây (xét về con số tuyệt đối). Mức tăng của tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng trong năm 2024 là khoảng 1.130 đồng, chỉ kém so với mức mất giá của năm 2011 là khoảng 1.530 đồng. Về mức tăng tương đối, mức tăng của tỷ giá USD/VND trong năm 2024 cũng cao nhất kể từ năm 2016 và chỉ thấp hơn đôi chút so với năm 2015 (5,3%).
Dù vậy, VND vẫn là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với USD trong khu vực.
Một năm sóng gió của tỷ giá
Khác với các năm trước, tỷ giá USD/VND liên tục chịu áp lực tăng trong những tháng đầu năm 2024 và đến giữa tháng 4 đã tăng khoảng 3,8% kể từ đầu năm. Trong giai đoạn này, kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm khiến khác biệt về chính sách điều hành trở nên rõ nét và đưa chênh lệch lãi suất VND – USD tăng cao, dữ liệu tiếp tục vượt trội ở Mỹ và rủi ro địa chính trị đã hỗ trợ đồng bạc xanh trong suốt thời gian đó.
Để hỗ trợ thị trường, NHNN đã phải can thiệp thông qua nghiệp vụ bán USD từ dự trữ ngoại hối cũng như phát hành tín phiếu ngắn hạn nhằm giảm đà tăng của tỷ giá. Cụ thể, từ ngày 19/4, trong bối cảnh tỷ giá liên tục tăng nóng, NHNN đã thông báo bán ngoại tệ can thiệp nhằm bình ổn thị trường. Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, đây là biện pháp rất mạnh mẽ của NHNN nhằm đảm bảo giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.
Ước tính của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, lượng ngoại tệ mà NHNN đã bán cho các ngân hàng thương mại đến cuối tháng 6 đã vượt mốc 6 tỷ USD, tương đương mức ngoại tệ mua được của cả năm 2023.
Bước sang quý 3, xu hướng đảo chiều khi tỷ giá USD/VND giảm giá mạnh trở lại về mức 24.600, tương đương mức mất giá chỉ còn 1,3% tại thời điểm cuối tháng 9. Nhờ vào các biện pháp hỗ trợ thị trường từ cơ quan điều hành, cũng như việc NHTW Mỹ Fed hạ lãi suất lần đầu tiên sau hơn 4 năm đã đưa chỉ số dollar hạ nhiệt, đồng thời góp phần giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất VND-USD.
Tuy nhiên, đến quý 4, câu chuyện về áp lực tỷ giá tăng quay trở lại trong bối cảnh Fed không hạ lãi suất nhanh như kỳ vọng và chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng đã khiến chỉ số USD Index (DXY) liên tục tăng cao.
Trước áp lực từ thị trường quốc tế và nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng vào dịp cuối năm, từ ngày 24/10, NHNN đã tăng giá bán USD can thiệp niêm yết tại Sở Giao dịch lên 25.450 VND/USD. Đồng thời, Nhà điều hành thông báo tới các ngân hàng về việc nối lại hoạt động bán ngoại tệ can thiệp ngoại tệ theo hình thức giao ngay, tại mức tỷ giá 25.450 VND/USD – bằng mức giá can thiệp được NHNN đưa ra hồi tháng 4/2024. Theo ước tính của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong giai đoạn cuối năm 2024, NHNN đã bán khoảng 2,8 tỷ USD, đưa quy mô ngoại tệ can thiệp năm 2024 lên khoảng 9,4 tỷ USD.
Đồng thời, khác với các năm trước, đến cuối năm 2024, NHNN vẫn đang phải duy trì kênh phát hành tín phiếu để giữ lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng không giảm quá sâu. Với các ngân hàng cần nguồn hỗ trợ, NHNN vẫn sẵn sàng cho vay qua kênh OMO nhưng các nhà băng này phải chấp nhận mức lãi suất không rẻ, ở mức 4%/năm. Việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, vừa giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD – VND trên thị trường liên ngân hàng.
Những động thái của NHNN đã góp phần kiềm chế đà tăng tỷ giá. Nhưng ở chiều ngược lại, việc bán USD giao ngay cũng khiến dự trữ ngoại hối đi xuống và là một phần nguyên nhân ảnh hưởng tới thanh khoản hệ thống tại một số thời điểm trong năm.
Dù NHNN đã áp dụng đồng bộ các công cụ điều hành, nhưng tỷ giá vẫn biến động mạnh trong quý 4 và tăng tổng cộng hơn 3%, đưa tổng mức mất giá của VND trong năm 2024 lên 4,5 – 5%.
Đến cuối năm 2024, các ngân hàng đều niêm yết giá bán USD ở mức cao kỷ lục 25.551 đồng và liên tục duy trì ở mức sát, thậm chí kịch trần quy định trong hơn 2 tháng trở lại đây.
Tại phiên chất vấn trước Quốc hội hồi tháng 11/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận thị trường tiền tệ quốc tế diễn biến phức tạp đã tác động tới thị trường ngoại hối trong nước. “Việc ổn định tỷ giá, ngoại hối là khó khăn do phụ thuộc cung cầu thực trên thị trường, tức lượng ngoại tệ chi ra kinh tế và nguồn thu có được”, bà Hồng nói.
Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối còn tồn tại tình trạng đôla hóa, nên chịu tác động tâm lý kỳ vọng lớn. Tức là tổ chức, doanh nghiệp có ngoại tệ thì không bán, khi chưa cần ngoại tệ, họ đã mua, nên đây là thách thức của điều hành. Dù vậy, bà Hồng nói Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu điều hành tỷ giá, ngoại hối linh hoạt, phù hợp tình hình diễn biến thị trường. Hiện tỷ giá được phép dao động +/- 5%.
“Khi thị trường biến động quá lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc bán ngoại tệ để ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân”, Thống đốc cho hay.