Việt Nam ra mắt hệ thống mô phỏng máy bay SU30-MK2
Theo tờ Global Business Press (Singapore), nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944-2024), Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) ngày 2/12/2024 đã cho ra mắt hệ thống mô phỏng máy bay SU30-MK2 phục vụ công tác huấn luyện chiến đấu cho phi công quân sự, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực của tập đoàn công nghiệp – viễn thông quân đội Việt Nam.
Đáng lưu ý, các kỹ sư ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã cho thấy sự sáng tạo cao khi nghiên cứu và phát triển ra hệ thống mô phỏng máy bay vượt trội sản phẩm tương tự.
Cụ thể, nếu như hệ thống buồng lái mô phỏng máy bay do Nga sản xuất chỉ có một buồng tập duy nhất dành cho 2 phi công, thì sản phẩm của Viettel giống như một trung tâm huấn luyện mô phỏng với 12 buồng tập lái. Ngoài ra còn có thêm hệ thống đài chỉ huy mặt đất, tất cả như trang bị trong biên chế của một trung đoàn không quân tiêm kích.
Một điểm khác biệt nữa là toàn bộ giao diện điều hành và phần mềm điều khiển trong buồng tập mô phỏng SU30-MK2 của Viettel đều đã được Việt hóa, cho phép thực hiện các thao tác giả lập tình huống, thiết lập trạng thái thời tiết hay điều khiển thông số chuyến bay một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Theo VTV News, trung tâm huấn luyện mô phỏng này không những giúp phi công trau dồi kỹ năng bay, mà còn huấn luyện các kíp chỉ huy, dẫn đường mặt đất, cũng như tổ chức các ban bay biên đội luyện tập các tình huống không chiến phức tạp mà buồng tập lái của Nga không thể đáp ứng được, từ đó chứng minh sự hữu ích to lớn trong công tác huấn luyện chiến đấu của Không quân Việt Nam.
Sản phẩm với những tính năng ưu việt đã được các kỹ sư Việt Nam cho ra đời sau 5 năm nghiên cứu, đánh dấu Việt Nam trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới, sau hãng sản xuất máy bay Sukhoi của Nga, nghiên cứu và sản xuất thành công buồng lái mô phỏng cho tiêm kích thế hệ 4 SU30-MK2.
Đáng nói, tổ hợp mô phỏng của Viettel “là sản phẩm duy nhất hiện nay trên thế giới cho phép huấn luyện phi công và lực lượng mặt đất đồng thời trong cùng một kịch bản huấn luyện”.
Trang bị không thể thiếu của Không quân hiện đại
Theo chuyên trang tài liệu nghiên cứu ScienceDirect (trụ sở tại Hà Lan), các hệ thống buồng lái mô phỏng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo phi công và xây dựng lực lượng Không quân hiện đại vì 3 lý do.
Thứ nhất, nó giúp đảm bảo tính an toàn của quá trình đào tạo – huấn luyện bay. Thứ hai, giúp giảm chi phí huấn luyện, và thứ ba là cho phép đào tạo hiệu quả hơn.
Ví dụ, khi sử dụng buồng lái mô phỏng, người huấn luyện có thể dừng “máy bay”, đưa ra nhận xét cho học viên, sau đó tiếp tục mô phỏng.
Bên cạnh đó, việc ngày càng nhiều máy bay thế hệ mới kết hợp các công nghệ phức tạp trong quân đội đòi hỏi phi công phải làm quen với các thiết bị và hệ thống mới nhất. Trong những tình huống như vậy, việc cung cấp kinh nghiệm thực tế có thể khó khăn do chi phí cao.
Ví dụ, chi phí vận hành F-35A của Không quân Mỹ ước tính khoảng 44.000 USD cho mỗi giờ bay. Do đó, các phi công F-35 trước tiên sẽ được đào tạo trên máy mô phỏng thay vì máy bay thực tế để giúp cắt giảm chi phí. Họ thường trải qua khoảng 30 giờ đào tạo trên hệ thống mô phỏng tính năng đầy đủ của F-35 trước khi tiến hành chuyến bay đầu tiên trên máy bay thực.
Song, điều quan trọng là buồng lái mô phỏng phải đáp ứng các yêu cầu của lực lượng hàng không. Việc vừa đáp ứng được các yêu cầu này, vừa tích hợp công nghệ phức tạp thường là một thách thức.
Theo 3D Master – công ty chuyên cung cấp giải pháp công nghệ 3D, với việc ra mắt hệ thống mô phỏng máy bay SU30-MK2 có hiệu suất vượt trội, Viettel đã ứng dụng thành công công nghệ 3D vào lĩnh vực R&D (nghiên cứu &phát triển) và kiểm tra trong ngành hàng không vũ trụ quân sự.
Trong dự án hệ thống mô phỏng máy bay SU30-MK2, Viettel đã triển khai thành công công nghệ 3D Creaform nói chung hay máy HandySCAN 3D nói riêng thông qua các hoạt động sau:
– Quét và thu thập dữ liệu chi tiết với độ chính xác cao: HandySCAN 3D giúp quét nhanh các bộ phận của máy bay với độ chính xác micromet, tạo ra mô hình 3D kỹ thuật số hoàn chỉnh của các chi tiết.
– Mô hình hóa 3D cho nghiên cứu và phát triển (R&D): Dữ liệu quét được sử dụng để phân tích, thiết kế và mô phỏng các kịch bản đào tạo, giúp tối ưu hóa quá trình nghiên cứu và phát triển các hệ thống mô phỏng.
– Kiểm tra và đánh giá chất lượng: HandySCAN 3D hỗ trợ kiểm tra độ chính xác của các bộ phận được sản xuất, đảm bảo chất lượng và an toàn trước khi lắp ráp vào hệ thống mô phỏng.
– Nội địa hóa phần mềm điều khiển: Nhờ mô hình 3D chính xác, các kỹ sư Viettel có thể dễ dàng điều chỉnh và nội địa hóa toàn bộ phần mềm, tạo sự thuận tiện trong vận hành và đào tạo.
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ 3D Creaform đã giúp Viettel đẩy nhanh tiến độ dự án, giảm thiểu sai sót của hệ thống, từ đó cho phép Phòng không – Không quân Việt Nam nâng cao hiệu quả đào tạo, cải thiện kỹ năng và sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào.
Mở rộng cơ hội xuất khẩu
Ngoài đáp ứng nhu cầu huấn luyện của Không quân trong nước, theo Global Business Press, việc Viettel ra mắt hệ thống mô phỏng máy bay SU30-MK2 còn đánh dấu nỗ lực của tập đoàn này nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các thiết bị mô phỏng máy bay, với doanh thu triển vọng lên tới hàng chục triệu USD.
Trước đó, tại triển lãm Defence & Security 2023 tổ chức ở Thái Lan, Viettel High Tech đã giới thiệu hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay và buồng lái máy bay, giúp giảm “hàng trăm lần” chi phí và “hàng chục lần” số nhân lực cần có để vận hành, so với khi huấn luyện trên hệ thống máy bay thật.
Trong khuôn khổ triển lãm, Viettel High Tech đã ký kết với công ty PT. Bandara Praniagatama (Indonesia) – công ty đào tạo phi công hàng đầu ở Indonesia. Theo thỏa thuận, PT. Bandara Praniagatama sẽ là nhà phân phối độc quyền hệ thống mô phỏng máy bay và đào tạo phi công của Viettel tại thị trường Indonesia trong thời gian 2 năm, đồng thời có cơ hội phân phối sản phẩm này tại các thị trường quốc tế khác mà họ đang cung cấp dịch vụ.
Theo ResearchAndMarkets.com – nền tảng toàn cầu cung cấp các báo cáo nghiên cứu thị trường và phân tích chuyên ngành, quy mô thị trường mô phỏng và đào tạo quân sự ước tính đạt 12,94 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 16,71 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,24% trong giai đoạn dự báo.
Chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng liên tục, kết hợp với nhu cầu ngày càng cao về lực lượng có kỹ năng để điều hướng và vận hành thành công nhiều loại phương tiện quân sự dự kiến sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường các hệ thống mô phỏng quân sự trong giai đoạn này.