Liên quan đến vụ việc một khách hàng ở Đắk Lắk chuyển nhầm 427 triệu đồng vào tài khoản của 1 người nghi đã mất, phóng viên đã trao đổi với Luật sư Trần Viết Hà, Đoàn Luật sư TP HCM về hướng giải quyết.

Cho rằng Vietcombank Đắk Lắk chưa hướng dẫn cách thức lấy lại tiền, người chuyển nhầm đã gửi đơn đến cơ quan chức năng phản ánh và đề nghị hỗ trợ
Theo Luật sư Hà, thông thường với trường hợp chuyển tiền nhầm vào tài khoản của người khác thì người chuyển nhầm sẽ liên hệ ngân hàng của bên gửi để báo cáo xử lý. Trong đó, khách hàng cung cấp các bằng chứng thể hiện việc mình chuyển nhầm để yêu cầu ngân hàng bên chuyển làm việc với chủ tài khoản của ngân hàng bên nhận yêu cầu hoàn lại tiền.
Quy trình thủ tục này thường kéo dài 30-45 ngày. Hết thời gian trên mà ngân hàng không giải quyết được thì cung cấp thông tin để bên chuyển nhầm thực hiện các quy trình, thủ tục lấy lại tiền.
Trong trường hợp này, chủ tài khoản nhận tiền nếu đã chết thì bên chuyển liên hệ với những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất quy định tại Điều 612 Bộ luật dân sự năm 2015 để trao đổi về việc chuyển tiền nhầm.
Nếu đạt được sự thỏa thuận, 2 bên sẽ làm các thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật đối với số tiền trong tài khoản người đã chết.

Luật sư Trần Viết Hà cho biết nếu ngân hàng không thu hồi được số tiền khách hàng chuyển nhầm thì cung cấp thông tin để người chuyển nhầm thực hiện việc thỏa thuận hoặc khởi kiện
Sau khi hoàn tất thủ tục, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ liên hệ ngân hàng và cung cấp văn bản khai nhận di sản đối với số tiền trong tài khoản ngân hàng. Lúc này, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ nhận lại số tiền này để giao trả cho bên chuyển nhầm.
Cũng theo Luật sư Hà, trường hợp 2 bên không đạt được sự thỏa thuận, bên chuyển nhầm buộc phải thực hiện thủ tục khởi kiện những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người đã chết để yêu cầu buộc hoàn trả. Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó…”.
Việc chiếm giữ không có căn cứ này phát sinh từ một tài khoản của một người đã chết nên đây được xem là nghĩa vụ hoàn trả tài sản do người chết để lại. Do đó, căn cứ Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại.
“Sau khi tòa tuyên án về việc hoàn trả số tiền trong tài khoản ngân hàng của người chết thì bên chuyển nhầm tiền cung cấp bản án đã có hiệu lực pháp luật cho ngân hàng để nhận lại số tiền mình chuyển nhầm” – Luật sư Hà thông tin.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, ngày 17-2, bà Đ.T.H.H. (ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) sử dụng số tài khoản mở tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) thực hiện giao dịch chuyển tiền trên app.
Tuy nhiên, do bất cẩn, bà H. bấm nhầm lệnh chuyển tiền vào tài khoản của 1 người tên T.V.G. mở tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Từ đó đến nay, bà H. đã nhiều lần liên hệ với 2 ngân hàng nhưng vẫn chưa lấy lại được tiền vì nghi chủ tài khoản nhận chuyển nhầm đã chết.