Ukraine tuyên bố khiến Nga “chịu thất bại lớn nhất”
Hãng tin Reuters (Anh) ngày 1/1 đưa tin, hoạt động xuất khẩu khí đốt Nga thông qua các đường ống thời Liên Xô chạy qua Ukraine đã buộc phải dừng lại ngay ngày đầu năm mới, đặt dấu chấm hết cho nhiều thập kỷ thống trị của Moscow đối với thị trường năng lượng châu Âu.
Chính phủ Ukraine đã không gia hạn tiếp với Nga sau khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua nước này hết hạn vào cuối tháng 12/2024. Quyết định “đóng cửa đường ống” có hiệu lực ngay ngày 1/1/2025.
Thông qua bài viết trên Telegram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố: Việc Nga buộc phải chấm dứt hoạt động vận chuyển khí đốt qua Ukraine “là một trong những thất bại lớn nhất của Moscow”. Ông đồng thời thúc giục Mỹ cung cấp nhiều khí đốt hơn cho châu Âu.
“Khi nguồn cung khí đốt từ các đối tác thực sự của châu Âu ngày càng nhiều trên thị trường, chúng ta sẽ càng nhanh chóng vượt qua những hậu quả tiêu cực cuối cùng đến từ việc châu Âu phụ thuộc vào năng lượng từ Nga” – Ông Zelensky nhấn mạnh.
Theo nhà lãnh đạo, “nhiệm vụ chung” của châu Âu hiện nay là hỗ trợ Moldova (quốc gia thuộc Liên Xô cũ) trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng này.
Trước đó, do lo ngại việc Ukraine chặn đường ống vận chuyển khí đốt Nga ngay ngày 1/1/2025, tập đoàn OMV (Áo) đã lấy danh nghĩa thực thi phán quyết của trọng tài trong vụ kiện tại Đức nhằm vào tập đoàn cung cấp khí đốt Gazprom (Nga) để tịch thu lượng khí đốt trị giá 230 triệu euro (tương đương gần 6.000 tỷ đồng tiền Việt Nam) của Nga.
“Tập đoàn này coi việc tịch thu khí đốt của Gazprom vào tháng 10 (năm 2024) thay cho phán quyết của trọng tài là cơ hội cuối cùng để thực hiện điều đó, phòng trừ trường hợp Ukraine quyết định chặn khí đốt Nga ngay trong tháng 1” – Một nguồn tin thân cận OMV nói với Reuters.
Động thái này đã đánh dấu lần đầu tiên một khách hàng trong Liên minh châu Âu (EU) không trả tiền mua khí đốt cho Gazprom, thúc đẩy phản ứng gay gắt từ Moscow.
Kiev gánh chịu hệ lụy đầu tiên
Ngay sau động thái của Kiev, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cảnh báo, quyết định ngừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ có những hệ lụy nghiêm trọng đối với EU, như có thể khiến khối này phải chi trả thêm khoảng 120 tỷ euro phí năng lượng trong ít nhất 2 năm tới, dẫn đến giảm sức cạnh tranh kinh tế của khối.
Vào hôm 27/12 – tức 5 ngày trước khi quyết định của Ukraine có hiệu lực, ông Fico thậm chí cảnh báo có thể ngừng cung cấp điện dự phòng cho Ukraine nếu Kiev chặn khí đốt Nga tới châu Âu.
Tuy nhiên, trong lúc những ảnh hưởng từ diễn biến mới này tới châu Âu còn chưa rõ rệt thì Kiev đã gánh hệ lụy đầu tiên. Theo Reuters, nước này lập tức mất 85% doanh thu đến từ việc trung chuyển khí đốt từ Nga, gia tăng thêm áp lực lớn cho nền kinh tế vốn đã bị tàn phá bởi chiến tranh.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine giảm gần 30% vào năm 2022 và mặc dù đã tăng trưởng trong các năm 2023 và 2024 nhưng nền kinh tế nước này vẫn chỉ đạt khoảng 78% quy mô trước chiến tranh.
“Trong năm 2024, 85% doanh thu của chúng tôi đến từ việc trung chuyển khí đốt từ Nga. Điều đó có nghĩa giờ đây, chúng tôi chỉ còn lại 15% doanh thu đến từ khách hàng trong nước” – Dmytro Lyppa, Tổng Giám đốc công ty vận chuyển khí đốt GTS Operator của Ukraine (GTSOU) cho hay.
Quyết định khiến 38 triệu dân một phen “toát mồ hôi”
Trước tình hình đó, nhà chức trách Ukraine đã đưa ra thông báo khiến người dân trong nước được một phen “toát mồ hôi hột”: Tăng gấp 4 lần phí truyền dẫn khí đốt đến người tiêu dùng trong nước, bắt đầu từ ngày 1/1 để bù đắp tác động của doanh thu bị mất.
Reuters dẫn lời các quan chức Ukraine cho biết, cơ quan quản lý của Ukraine – Ủy ban quốc gia về các quy định của nhà nước trong lĩnh vực năng lượng và tiện ích – đã phê duyệt quyết định tăng phí truyền dẫn khí đốt trong nước từ 124 hryvnias (2,95 USD) lên khoảng 502 hryvnias (11,95 USD) cho 1.000 mét khối.
Mặc dù nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu thông qua Ukraine đã giảm do nhiều nước châu Âu đã tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế, nhưng Ukraine trung bình vẫn kiếm được 0,8 – 1 tỷ USD mỗi năm từ việc vận chuyển khí đốt Nga.
Trước đó, trong năm 2023, Nga đã vận chuyển khoảng 15 tỷ mét khối (bcm) khí đốt cho Ukraine, tương đương với 8% lưu lượng khí đốt cao điểm của Nga đến châu Âu qua nhiều tuyến đường khác nhau trong giai đoạn 2018-2019.
Kiev giải thích thông báo gây hiểu lầm
Theo tờ Kommersant Info (Nga), thông báo của chính quyền Kiev ban đầu đã gây hoang mang lớn cho người dân Ukraine, do đối tượng phải chịu phí truyền dẫn khí đốt chỉ đề cập là “người tiêu dùng nội địa”. Hiện dân số Ukraine rơi vào khoảng 38,4 triệu người.
Ủy ban quản lý năng lượng quốc gia Ukraine ngay sau đó đã phải ra thông báo làm rõ rằng, phí truyền dẫn khí đốt cho các hộ gia đình không thay đổi. Quyết định mới được áp dụng cho các dịch vụ công cộng và các ngành sử dụng năng lượng cao, ví dụ như các công ty sản xuất thép.
Yuriy Vlasenko, Chủ tịch Ủy ban quản lý năng lượng và tiện ích quốc gia (NEURC) của Ukraine, khẳng định phí truyền dẫn khí đốt và sưởi ấm cho người tiêu dùng hộ gia đình sẽ được giữ nguyên, ít nhất là trong mùa đông này.
Biểu phí truyền dẫn khí đốt mới sẽ được áp dụng cho dịch vụ truyền dẫn khí đốt tự nhiên của GTSOU. Các biểu phí này sẽ được tính cho các điểm kết nối đầu vào (nơi khí đốt được nhập vào hệ thống) và đầu ra (nơi khí đốt được xuất ra khỏi hệ thống) trong giai đoạn quản lý 2025-2029.
Ông Olha Kulik từ Liên đoàn các nhà tuyển dụng Ukraine cho biết, mức phí cao hơn sẽ khiến ngành công nghiệp Ukraine tốn hơn 1,6 tỷ hryvnia mỗi năm.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Dmitry Lyppa của GTSOU cho rằng, việc tăng phí truyền dẫn khí đốt trong nước sẽ không thể giúp Ukraine bù đắp thâm hụt về doanh thu. Công ty vận tải khí đốt Ukraine đang tìm cách cắt giảm thêm chi phí bằng cách đóng cửa một số cơ sở hạ tầng và sa thải nhân viên.