Trước khi tạo ra Cursor, công cụ mã hóa AI cực kỳ phổ biến, Michael Truell – khi đó chỉ là cậu sinh viên 18 tuổi của MIT đã lần đầu nếm trải cuộc sống của một thực tập sinh Google. Đó là năm 2019, tại quán cà phê nhỏ ở Mountain View, California, Truell bồn chồn ngồi đối diện Ali Partovi – người đang tìm kiếm nhân tài cho Neo Scholars. Đây là một chương trình nổi tiếng, mang sứ mệnh tìm ra những người xuất sắc nhất cho tương lai công nghệ khi họ vẫn còn là sinh viên.
Partovi, người từng đầu tư vào Facebook, Airbnb và Dropbox, đã trò chuyện với Truell về nghiên cứu AI và cuộc sống khởi nghiệp. Ông sau đó đưa ra một bài kiểm tra mã hoá viết tay – điều khá dễ với Truell. Anh chàng hoàn thành nó trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục và xuất sắc vượt qua bài kiểm tra tưởng chừng như khó nhằn.
Partovi vô cùng ấn tượng, như thể sẽ đầu tư vào bất kỳ dự án nào mà Truell đưa ra.
Ba năm sau, đúng là Partovi đã trở thành nhà đầu tư đầu tiên cho công ty khởi nghiệp Anysphere của Truell. Công ty, được cho là chỉ mất 1 năm để đạt doanh thu hàng năm là 100 triệu USD, là một trong những startup phát triển nhanh nhất mọi thời đại.
“Ali Partovi về cơ bản đã hỗ trợ chúng tôi khi mọi thứ mới chỉ là ý tưởng. Ông ấy không ngại dành thời gian và thực sự đặt cược vào chúng tôi”, Truell nói.
Quay trở lại với học bổng nhân tài Neo Scholars.
Neo Scholars ra đời nhằm xác định những tài năng đặc biệt, cố vấn và kết nối họ với giới tinh hoa Thung lũng Silicon, sau đó đầu tư vào các công ty mà họ khởi nghiệp. “Rất nhiều người trẻ tuổi bị bỏ qua”, Partovi nói với Forbes. “Biết bao nhiêu công trình vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại được thực hiện bởi những đứa trẻ mới đầu 20”.
Neo được thành lập vào năm 2017 với chương trình học bổng tuyển chọn 30 thành viên mỗi năm. Nhân tài khi đến đây sẽ được tham gia các hội thảo, sự kiện giao lưu và kết nối tuyển dụng tại các công ty công nghệ lớn.
Tương tự như Thiel Fellowship, chương trình do nhà đầu tư tỷ phú Peter Thiel sáng lập, Neo Scholars thậm chí còn tài trợ cho các sinh viên chọn cách nghỉ học sớm để làm dự án. Vào năm 2022, Neo ra đời một chương trình tăng tốc nhằm mục đích nuôi dưỡng khoảng 20 công ty khởi nghiệp non trẻ mỗi năm.
Với hơn 4.000 đơn đăng ký nhưng chỉ duyệt 50 suất, chương trình này có tính chọn lọc cao hơn Harvard và Yale. Neo từng công bố một quỹ mới trị giá 320 triệu USD để phục vụ các khoản đầu tư tăng tốc, hạt giống và giai đoạn cuối. Một phần tiền cũng sẽ được dùng để tài trợ cho các sinh viên lựa chọn nghỉ 1 học kỳ.
Kể từ khi thành lập cách đây 8 năm, Neo âm thầm nuôi dưỡng các ngôi sao trẻ sáng giá nhất ngành công nghệ. Bên cạnh Truell và người đồng sáng lập Aman Sanger, chương trình này đã thành công đào tạo ra nhiều founders danh giá, bao gồm Demi Guo, Giám đốc điều hành của công ty video AI tạo sinh Pika và Walden Yan, Giám đốc công nghệ của công ty khởi nghiệp mã hóa AI Cognition.
Kristina Shen, đối tác tại Chemistry Ventures, người trước đây từng làm việc tại Andreessen Horowitz, cho biết sự tập trung cao độ của những tài năng đó đã khiến các nhà đầu tư mạo hiểm chú ý. Bà cho biết: “Neo có lẽ là tín hiệu lớn nhất cho thấy một công ty khởi nghiệp đáng để đầu tư nghiêm túc. Mọi người nhìn vào Neo, và cho đến nay, tôi nghĩ Ali đã làm rất tốt”.

Neo có ba đối tác: Partovi, Suzanne Xie, cựu giám đốc kinh doanh tại công ty thanh toán khổng lồ Stripe và Emily Cohen, người đứng đầu Neo Accelerator kiêm cựu cố vấn của McKinsey. Neo cũng có một danh sách các cố vấn tận tụy, bao gồm Giám đốc công nghệ Notion Fuzzy Khosrowshahi và Chủ tịch Cognition Russell Kaplan. Họ làm việc bán thời gian và được trả lương khá cao.
Trong 6 tháng qua, công ty đã tổ chức các sự kiện thân mật với nhiều người nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm cựu Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman, Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang, Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella và Alfred Lin, đối tác của Sequoia và No. Một loạt các nhà đầu tư đã được thu hút, bao gồm Bill Gates, Reid Hoffman, Eric Schmidt và Sandberg.
“Mạng lưới mà ông ấy xây dựng, không giống bất cứ thứ gì mà mọi người từng thấy”, Sandberg nói về Partovi.
Thời điểm Neo nổi lên, Partovi không ngại chỉ trích đối thủ cạnh tranh. Năm 2023, Giám đốc điều hành của Y Combinator, Garry Tan đã gây hấn với Partovi về X, sau khi Partovi tuyên bố tại một sự kiện rằng Neo có tỷ lệ cố vấn tốt hơn so với Y Combinator. Tuyên bố này khiến Tan tức giận.
“Neo coi những người diễn thuyết bán thời gian của họ là cố vấn chuyên nghiệp, nhưng liệu họ có ở đó sau 5 năm nữa không”, Tan nói.
Partovi nói với Forbes rằng ông ghi nhận Y Combinator là “một trong những ý tưởng tuyệt vời nhất của thế kỷ 21”, song Thung lũng Silicon lừng lẫy này không còn như trước nữa.
“Neo là chương trình tuyển chọn khắt khe dành cho các nhóm kỹ thuật hàng đầu mà Y Combinator từng có”, Partovi cho biết. “Nó giống với Y Combinator thời hoàng kim”.
Cohen, đối tác của Neo, cho biết bản chất đặc biệt của Neo là một cộng đồng nhỏ, gắn bó chặt chẽ và cực kỳ am hiểu kỹ thuật.
Partovi và người anh em sinh đôi Hadi lớn lên ở Tehran, Iran. Là con trai của một giáo sư vật lý, giáo dục là trọng tâm chính trong gia đình và anh chàng đã học lập trình từ năm 9 tuổi.
“Thế giới thực đầy hỗn loạn và bất định, còn thế giới lập trình máy tính thì đầy trật tự và khả năng dự đoán”, Partovi nói.
Đối với những người sáng lập Neo, một trong những lợi ích lớn của chương trình là khả năng tiếp cận từ sớm với nhiều nhân tài công nghệ, trong đó có Michelle Lim – sinh viên tốt nghiệp Đại học Yale đã huy động được khoản tiền đầu tiên từ Neo cho công ty khởi nghiệp Flint của mình.
“Tôi đang ăn tráng miệng bên cạnh John Collison, thì Schrep đi ngang qua”, cô nhớ lại, lần lượt đề cập đến người đồng sáng lập Stripe và Michael Schroepfer, cựu giám đốc công nghệ của Facebook.
Đối với các Học giả Neo, sức hấp dẫn còn đến từ sự tự do khám phá đam mê theo cách ít cứng nhắc so với trường đại học. Harry Sanders, một sinh viên 20 tuổi tại Đại học Michigan, người đã nghỉ học 1 học kỳ để làm việc tại một startup AI phục vụ lý luận toán học, cho biết: “Bạn có thể thực hiện một cú đánh cực kỳ lớn. Nếu thất bại cũng không sao cả”.
Theo: Forbes