Tại Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” diễn ra vào hồi giữa tháng 6, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, kể từ ngày 1/7, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tất cả tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán phải xác thực dữ liệu sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng. Dữ liệu sinh trắc học này phải kiểm tra, đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hay nói cách khác, đảm bảo dữ liệu đó khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân (CCCD) do chính cơ quan công an công an cấp; hoặc xác thực bằng tài khoản định danh điện tử (VNeID) do hệ thống định danh điện tử tạo lập; hoặc khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu của tổ chức cung ứng dịch vụ đã được kiểm tra, đối chiếu với căn cước công dân gắn chip, VneID.
Cũng trong chương trình “Dòng chảy tài chính” ngày 15/6 của Đài phát thanh và truyền hình Việt Nam (VTV), ông Vũ Mạnh Hưng, Giám đốc phát triển sản phẩm Ngân hàng số VPBank cho biết, điểm đặc biệt nhất trong Quyết định 2345, đó là không phải áp dụng chuyển tiền yêu cầu xác thực sinh trắc học – dữ liệu sẵn có trên app ngân hàng mà phải là sinh trắc học ngân hàng thu nhập được xác minh trùng khớp với dữ liệu của Bộ Công an.
Cụ thể, hiện nay, các ngân hàng đang đẩy mạnh việc thu thập dữ liệu sinh trắc học là khuôn mặt của các khách hàng thông qua tính năng xác thực sinh trắc học trên app. Khách hàng cần có căn cước công dân gắn chip và thiết bị smart phone. Khách hàng thao tác theo hướng dẫn tính năng xác thực sinh trắc học. Trong đó, khách hàng phải đưa căn cước công dân để bên ngân hàng xác minh căn cước công dân đó là thật hay giả. Phía ngân hàng sẽ phải đối sánh khuôn mặt của khách hàng ngay tại thời điểm đó với căn cước công dân làm sao đáp ứng 1:1.
Ông Hưng nói thêm: “Toàn bộ dữ liệu mà ngân hàng thu thập được cần phải đối chiếu với thông tin dữ liệu quốc gia. Mình chỉ làm một lần thôi. Ngân hàng sẽ đối sánh với thông tin dữ liệu quốc gia. Lần sau khi thực hiện giao dịch, khách hàng chỉ cần xác thực bằng khuôn mặt của mình”.
Theo như ông Hưng chia sẻ, ngân hàng sẽ chỉ thu thập một lần dữ liệu sinh trắc học của khách hàng để đối sánh với thông tin lưu trữ ở cơ sở dữ liệu quốc gia. Vậy với người phẫu thuật thẩm mỹ sau đó, họ có gặp vấn đề gián đoạn giao dịch khi hệ thống không thể nhận diện được khuôn mặt hiện tại? Hoặc trường hợp khách hàng có sự thay đổi về khuôn mặt không khớp với dữ liệu trước đó được lưu trữ trên căn cước công dân gắn chip thì việc giao dịch có bị gián đoạn?
Liên quan đến vấn đề này, ông Hưng cho rằng, Quyết định 2345 không chỉ dừng ở giao dịch của khách hàng mà đảm bảo cho khách hàng an toàn khi giao dịch. Đối với trường hợp khách hàng phẫu thuật thẩm mỹ hoặc gặp tai nạn lớn, khách hàng có thể ra quầy thực hiện giao dịch khi chuyển khoản tiền với giá trị lớn. Trừ trường hợp khách hàng không thể tới được quầy giao dịch, ngân hàng có cơ chế đặc thù riêng.
Ông Hưng cũng cho biết bản chất của Quyết định 2345 không dừng ở giao dịch của khách hàng, mà chỉ đảm bảo giao dịch trở nên an toàn hơn. Do 80-90% giao dịch của khách hàng là giao dịch dưới 10 triệu đồng nên Quyết định này sẽ không làm cản trở cuộc sống hàng ngày của mọi người.
Đối với câu hỏi liên quan đến công nghệ deep fake ngày càng phát triển, việc xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt có là rủi ro lớn với giao dịch thanh toán tiền gửi. Ông Hưng cũng thừa nhận, công nghệ deep fake càng ngày càng phát triển giúp hacker vượt qua nhiều thứ. Thế nhưng, công nghệ phòng chống deep fake cũng đang được nâng cao. Hiện tại, các ngân hàng có thể phòng chống đến 99% deep fake nên hoàn toàn có thể an tâm.
Bên cạnh đó, Quyết định 2345 cũng yêu cầu khi giao dịch phải xác thực thêm mã smart OTP. Như vậy, để thực hiện 1 giao dịch phải cần gương mặt của bạn và cả mã pin. 2 thông tin này khiến giao dịch của khách hàng an toàn hơn.