spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngCám cảnh 'trái cây vua': Tiểu thương thờ ơ, người trồng mỏi...

Cám cảnh 'trái cây vua': Tiểu thương thờ ơ, người trồng mỏi mòn chờ khách

Dù giá sầu riêng Ri6 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm sâu xuống chỉ còn khoảng 25.000 đồng/kg – mức thấp hiếm thấy trong nhiều vụ gần đây, nhưng nghịch lý là thương lái vẫn thờ ơ, không mặn mà thu mua. Sầu riêng đã vào mùa thu hoạch, lo ngại trái rụng hỏng, nhiều nông dân buộc phải mang sầu riêng ra bày bán dọc các tuyến quốc lộ, vừa bán vừa ngóng người mua trong tâm thế bất an và thua lỗ cận kề.

Giá lao dốc

Những ngày đầu tháng 5, giá sầu riêng Ri6 tại các nhà vườn ở Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long hay Tiền Giang chỉ còn dao động quanh mức 25.000 đồng/kg – thấp hơn từ 5.000 – 15.000 đồng/kg so với cách đây một tháng. Dù giá đã chạm đáy, nhiều thương lái vẫn không mặn mà thu mua, khiến nông dân rơi vào cảnh phải tự mang sản phẩm ra lề đường bán lẻ với giá chỉ từ 30.000 – 60.000 đồng/kg tùy chất lượng.

Một hộ trồng sầu riêng tại huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) than thở: “Khu vườn trồng hơn 50 cây sầu riêng đã đến độ thu hoạch, trái đã chín, rụng đầy gốc mà vẫn chưa có ai đến hỏi mua. Vì thế tôi phải thuê xe chở ra quốc lộ bày bán, nhưng lượng người mua không nhiều, chi phí vận chuyển và công sức coi như không bù được”.

Tình trạng “vừa bán vừa chờ” thương lái không chỉ xuất hiện ở Cần Thơ mà còn lan rộng đến nhiều địa phương như Bến Tre, Tiền Giang hay Hậu Giang. Nguyên trực tiếp liên quan tới thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng sầu riêng nhập khẩu. Các tiêu chuẩn về kiểm dịch, dư lượng chất cadmium, vàng O và truy xuất nguồn gốc được siết chặt đã khiến nhiều lô hàng không đạt chuẩn bị trả về, tạo ra sự đứt gãy trong chuỗi tiêu thụ.

Cám cảnh 'trái cây vua': Tiểu thương thờ ơ, người trồng mỏi mòn chờ khách- Ảnh 1.

Nhiều nhà vườn tại miền Tây đã phải đem sầu riêng ra lề đường bán lẻ. Ảnh: Cảnh Kỳ.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc hiện yêu cầu rất khắt khe với mặt hàng sầu riêng: “Tại cửa khẩu, Trung Quốc không chấp nhận giấy kiểm định của các phòng kiểm định tại Việt Nam, vẫn tiến hành kiểm tra 100% các lô hàng sầu riêng xuất khẩu . Điều này gây nên tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu.

“Nhiều lô hàng đủ tiêu chuẩn thông quan nhưng vẫn phải chịu thời gian chờ rất dài làm ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng. Những lô hàng không đạt tiêu chuẩn bị trả về có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp từ 2-3 tỷ đồng. Không chỉ sầu riêng tươi, nhiều lô hàng sầu riêng đông lạnh cấp đông cũng bị trả về vì không đạt yêu cầu kiểm định chất lượng của Trung Quốc. Mỗi container sầu riêng đông lạnh bị trả về có thể khiến doanh nghiệp thua lỗ tới 10 tỷ đồng. Vì thế nhiều doanh nghiệp đã hạn chế thu mua sầu riêng”, ông Nguyên cho biết thêm.

Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt kỷ lục 3,3 tỷ USD, đưa loại quả này trở thành mặt hàng trái cây có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Trung Quốc – thị trường tiêu thụ chính – không chỉ duy trì nhu cầu với sầu riêng tươi mà còn bắt đầu mở cửa thêm cho sản phẩm đông lạnh, mở ra triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, những kỳ vọng có thể sẽ không thực hiện được. Trong quý I năm nay, xuất khẩu sầu riêng cả nước chỉ đạt 98 triệu USD, giảm tới 61% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thị trường Trung Quốc chỉ thu mua 49,6 triệu USD, giảm sốc đến 78%.

Những con số này phản ánh rõ rệt những thách thức về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và sự thiếu đồng bộ trong khâu quản lý của ngành sầu riêng trong nước.

Thiếu quy trình kiểm soát chất lượng đồng bộ

Trái ngược với sự chật vật ở miền Tây, tại Đồng Nai – một địa phương mới nổi trong ngành trồng sầu riêng – tình hình lại tươi sáng hơn. Giá sầu riêng Ri6 loại đạt chuẩn xuất khẩu hiện vẫn được thương lái mua bao vườn với giá từ 40.000 đến 43.000 đồng/kg, nhỉnh hơn so với các tỉnh miền Tây và cao hơn giá bán lẻ tại vườn. Sầu riêng Dona (Thái) dù sản lượng chưa nhiều nhưng cũng được thu mua với giá 75.000 đồng/kg.

Cám cảnh 'trái cây vua': Tiểu thương thờ ơ, người trồng mỏi mòn chờ khách- Ảnh 2.

Cần có quy trình kiểm soát chất lượng đồng bộ để tìm lại vị trí của ngành hàng tỷ đô này trên thị trường quốc tế. Ảnh: Cảnh Kỳ.

Theo một thương lái tại Đồng Nai, sở dĩ giá tại đây cao hơn là vì sản phẩm đã đáp ứng được các yêu cầu kiểm định khắt khe từ phía bạn hàng. “Nông dân Đồng Nai có sự chuẩn bị kỹ về truy xuất nguồn gốc và đặc biệt không sử dụng phân bón hóa học có chứa cadmium. Mỗi lô hàng được giám sát từ khi ra hoa đến khi thu hoạch. Do vậy, khi doanh nghiệp đặt mua bao vườn thì rất yên tâm.”

Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và môi trường tỉnh Đồng Nai xác nhận, các mẫu sầu riêng tại tỉnh gửi đi kiểm định từ đầu năm đến nay đều không phát hiện tồn dư cadmium hay chất vàng O. Đây là một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp mạnh dạn đặt cọc bao tiêu ngay từ đầu vụ. Đồng thời, năng suất và chất lượng trái sầu riêng tại tỉnh năm nay được đánh giá cao, giúp nhà vườn yên tâm đầu tư chăm sóc.

Tuy nhiên, Đồng Nai chỉ là số ít điển hình. Phần lớn vùng trồng sầu riêng trong nước vẫn thiếu đồng bộ trong quy trình sản xuất và kiểm định chất lượng.

“Khác với Thái Lan, Việt Nam chưa có quy định buộc nhà vườn phải có giấy chứng nhận chất lượng trước khi bán ra thị trường. Việc kiểm tra thường xuyên, liên tục tại gốc gần như chưa được thực hiện. Đó là điểm yếu lớn nếu muốn giữ vững thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc”, ông Nguyên phân tích.

Trước tình hình này, ông Nguyên kiến nghị cần xây dựng cơ chế kiểm soát chất lượng sầu riêng từ gốc, bao gồm việc cấp giấy chứng nhận vùng trồng, tổ chức kiểm tra chất lượng tại vườn trước khi thu hoạch, xã hội hóa dịch vụ kiểm định.

Ông Nguyên nhấn mạnh: “Cơ quan chức năng cần mở thêm nhiều phòng kiểm định tại các khu vực trồng sầu riêng để người nông dân chủ động đi kiểm tra những trái sầu riêng tại vườn nhà mình. Nhiều người thực sự không biết trái cây nhà mình có đảm bảo kiểm định không? Vì sao trái sầu riêng bị nhiễm những chất như cadimi và vàng O? Có thể do đất, có thể do nguồn nước, cũng có thể do phân bón hay thuốc trừ sâu…”.

Việc mở rộng các phòng kiểm định trong nước có thể giúp người dân chủ động hơn trong việc tìm ra nguyên nhân và xử lý những tồn dư chất cấm mà các nước nhập khẩu quy định. Từ đó, có thể tìm lại vị trí của ngành hàng tỷ đô này trên thị trường quốc tế.

Việc cải thiện chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng và truy xuất nguồn gốc không còn là lựa chọn mà đã trở thành điều kiện sống còn cho ngành sầu riêng Việt Nam nếu muốn duy trì và mở rộng thị trường quốc tế.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật